Lại khóc

Lại khóc
TP - Giờ vàng VTV3 vừa phát tập đầu tiên bộ phim truyền hình “Vừa đi vừa khóc” của Vũ Ngọc Đãng. Thế là sau khi được biết đến với “Bỗng dưng muốn khóc”, giờ Đãng cùng dàn diễn viên quen thuộc…lại khóc! Khóc trong 36 tập.

Lướt tóm tắt nội dung quảng bá trên mấy báo, thì thấy khóc này cũng gần như là phiên bản của khóc trước. Nghĩa là xoay quanh chuyện tình của cậu chàng nhà giàu với cô bé lọ lem. Có điều, cộng thêm chai sạn mùi đời sau dăm bảy năm tuổi tác, những chàng những nàng ấy nay chưa biết vừa đi vừa khóc ra sao.

Một “ca” khóc khác đang khiến người hâm mộ cả nước thấy áy náy, xen lẫn xót xa. Đó là diễn viên Chánh Tín lừng danh một thời với “Ván bài lật ngửa”. Nghiệp phim ảnh oái oăm là thế. Trong khi một đạo diễn trẻ măng vừa ra lò phim đầu tay đã hớn hở ẵm cả “rổ” Cánh diều vàng, thì diễn viên gạo cội, nhà sản xuất phim hạng nặng là Chánh Tín lại sắp sửa bị xiết nhà “ra đường”, “sống như ăn mày” vì cầm cố tài sản nướng hết tiền nong vào phim ảnh!

Càng ái ngại hơn, khi diễn viên Chí Trung vừa đưa ra lời kêu gọi cộng đồng mạng và đồng nghiệp chung tay góp tiền giúp Chánh Tín để “giữ lại được ngôi nhà của mình hay chí ít ổn định cuộc sống!”. 

Nổ ra vô vàn ý kiến phải trái, thậm chí tranh cãi xung quanh đề xuất của Táo Giao thông. Đại loại góp đâu ra cả nửa triệu đô la để “giữ” căn biệt thự ấy?! Con cháu ông ở nước ngoài nước trong đâu hết rồi? Bao nhiêu người nghèo còn không nhà để ở, trong đó có nhiều nghệ sỹ, có cần được giúp không?... 

Càng cãi nhau, càng cám cảnh. Tất nhiên với một người lịch lãm từng trải như Chánh Tín, trước hoàn cảnh khốc liệt này, tin rằng ông sẽ có sự chọn lựa đúng nhất cho mình. Để nếu buộc phải mất, thì chỉ có thể mất một thứ, đó là tiền bạc.

Khóc mà hốt được quảng cáo, khóc ra tiền, khiến người ta nhớ cũng nên khóc. Như cái phim khóc của Đãng hồi nào. Nhưng đời có bao giờ như phim…

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.