Lại kể tiếp chuyện đi Mỹ: Một ông cố vấn, một cuộc điện đàm

Lại kể tiếp chuyện đi Mỹ: Một ông cố vấn, một cuộc điện đàm
TP - Hình như khách sạn hạng sang  cỡ năm sao đều có một tầng hoặc phòng suite. Tầng suite thường chiếm diện tích trọn một tầng. Tầng ấy có phòng nghỉ cao cấp liền kề với những phòng làm việc, hội họp.

Giá mỗi một phòng suite như thế dành cho hạng thương gia hoặc khách VIP  cỡ hàng ngàn USD.

Lại kể tiếp chuyện đi Mỹ: Một ông cố vấn, một cuộc điện đàm ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Cố vấn Đối ngoại của Thượng nghị sĩ Barack Obama. Ảnh: Đức Tám (TTXVN)

Nhưng tầng suite của khách sạn 5 sao Marriott Wardman Park ở trung tâm thủ đô Washington dành cho  Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, quốc khách của nước Mỹ thì chi phí do chủ nhà lo.

Chương trình chuyến thăm hữu nghị chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hình như có chương trình hai ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ và Cộng hoà là Barack  Obama và J. McCain gặp Thủ tướng Việt Nam.

Nhưng kẹt nỗi trùng với thời điểm đó, hai ngài TNS của hai đảng lại đang bấn bíu với chương trình tranh cử ở xa Washington nên ông Obama đã cử ông Cố vấn đối ngoại của mình đến chào Thủ tướng. Còn ông John McCain thì hẹn trước với Thủ tướng một cuộc điện đàm vào chiều 24 tháng 6.

Thời gian bộ phận lễ tân thu xếp được cho cuộc thăm chào Thủ tướng Việt Nam của ông Cố vấn đối ngoại của ngài Barack Obama là  10 giờ 40 phút ngày 23 tháng 6, ngày đầu tiên Thủ tướng khởi đầu cho chuyến thăm Hoa Kỳ ngay tại gian phòng khách của tầng phòng suite của khách sạn Marriott này.

Sắc phục xám nhạt, hơi hói tóc hoa râm, ông Cố vấn người đậm nhưng lại có cái dáng đường bệ của một chính khách. Cặp mắt linh hoạt sau cặp kính dày.  Với cung cách tự tin đĩnh đạc, hình như thầy nào trò ấy, ông cố vấn đối ngoại này na ná những tính cách và kiểu hành xử như ngài Obama. Kìa, ông đang  sải những bước tự tin vào phòng khách niềm nở, xởi lởi nhưng từ tốn ông xiết chặt bàn tay của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.  Ông bộc bạch luôn lời xin lỗi rằng ngài Obama đang phải đi kinh lý tranh cử phương xa.

Cứ như chất giọng hơi gấp gấp trong câu chuyện với Thủ tướng, có vẻ như ông đã quá rành một Việt Nam bằng những con số tăng trưởng và cả lạm phát. Rằng  Việt Nam đang có những khó khăn như vấn đề lạm phát cam go nhưng sự cam go ấy chưa bằng một nước Mỹ cũng đang trong cơn bĩ cực về ngân hàng và tín dụng bất động sản! Nhưng ông tin rằng Việt Nam sẽ biết cách vượt thoát.

Ông đang nói về cựu ngoại trưởng, bà Albright,  một yếu nhân của đảng Dân chủ hiện đang đảm nhận một Viện nghiên cứu của đảng Dân chủ  và phụ trách một tổ chức tư vấn toàn cầu, ngài Thủ tướng và các bạn Việt Nam có thể tham khảo chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của bà về quản lý kinh tế vĩ mô vv.. .

Ngó vẻ hoạt bát mau mắn của ông Cố vấn, tôi chợt nghĩ đến đội ngũ cố vấn vốn được coi là phong phú đa dạng của đảng Dân chủ trong đó có Samantha Power, GS trường Harvard, một người đẹp dày dạn trên chính trường ngoại giao từng đạt giải Pulitzer danh tiếng  nhưng đùng cái bị rớt đài tháng 3 năm nay chỉ vì trong chiến dịch đi tranh cử cho thầy mình đã buông một lời nói không được êm tai cho lắm đối với bà Hillary Clinton.

Rốt cuộc Samantha Power  đã phải xin lỗi và từ chức. Có lẽ vị cố vấn đang ngồi đây đã được lấp vô chỗ trống ấy? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước cung cách sôi nổi ấy của khách vẫn từ tốn lắng nghe. Bằng chất giọng điềm đạm, ông cảm ơn những tình cảm tốt đẹp mà cá nhân ứng cử viên TT Obama cũng như ông Cố vấn đã và đang dành cho Việt Nam, chúc mừng đảng Dân chủ đã lựa được vị ứng cử Tổng thống của mình và chúc mừng cá nhân ông Barack Obama và mong ông gặp được may mắn trong kỳ bầu cử sắp tới.

... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dường như vẫn giữ được những nét vui vẻ hứng khởi sau cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert Gates. Ông vừa từ Lầu Năm Góc về thẳng tầng suite này. Ông vui vẻ hỏi anh em lễ tân việc đã nối thông đường dây với ứng cử viên Đảng Cộng hòa J. McCain chưa. Khi được báo tất cả đã sẵn sàng, ông ngồi luôn vào máy. Đầu dây bên kia vang lên chất giọng không trầm rè của tuổi thất thập mà trong và vang của ngài TNS Jonh McCain.

Thưa ngài Thủ tướng... Đó là cụm từ đầu tiên mà ông thường dùng mỗi lúc trả lời. Ông vui vẻ thông báo rằng vợ ông, bà Cindy vừa từ Việt Nam về. Sức khỏe của bà nhà rất tốt và bà muốn quay lại Việt Nam nữa (bà Cindy đã nhiều lần đến Việt Nam và chuyến đi mới nhất là  tới  Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, nơi khoảng 350 trẻ em đang được khám bệnh để điều trị, trong đó có nhiều em cần phẫu thuật do bị hở hàm ếch hoặc dị tật sứt môi. Chuyến đi là một phần trong chương trình từ thiện tại Đông Nam Á  của Tổ chức Phẫu thuật Nụ cười Operation Smile - XB).

Sau khi hỏi thăm sức khỏe Thủ tướng, ngài McCain đã bộc bạch rằng, ông đánh giá rất cao chuyến thăm của Thủ tướng đến Hoa Kỳ, công việc bận rộn như thế mà Thủ tướng còn dành thời gian nói chuyện với ông. Ông cũng không quên nhắc lại những kỷ niệm tốt lành cái lần ông cùng vợ sang Việt Nam nghỉ. Tôi để ý trong câu chuyện trên điện thoại, ngài McCain muốn biết chi tiết cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam và ngài Tổng thống G.W Bush.

Thủ tướng ta cũng lược qua nhưng khá chi tiết những vấn đề chính yếu của cuộc gặp. TNS J. McCain bộc trực luôn chất giọng hồ hởi bởi những điểm đồng thuận lớn lao và tốt lành đã đạt được trong Hội đàm và ngài cho biết  là sẽ tham khảo thêm chi tiết trong Bản tuyên bố chung. Thủ tướng Việt Nam cảm ơn ngài TNS và mong rằng với tư cách là người bạn lâu năm của Việt Nam dù bất kể cương vị nào cũng mong ngài tiếp tục ủng hộ sự hợp tác giữa hai nước. Chúc ngài và gia đình hạnh phúc và thành công trong cuộc tranh cử sắp tới...

Gần 20 phút điện đàm qua nhanh. Cũng chất giọng hồ hởi hào sảng của ngài TNS J. McCain mà câu cuối tôi nghe được là  thưa ngài Thủ tướng, tôi sẽ đến thăm lại Việt Nam với tư cách là Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ! Tôi để ý thấy trên khuôn mặt từ Thủ tướng, từ ông Đại sứ Lê Công Phụng, ông Thứ trưởng Phạm Bình Minh có một nét cười chi đó hơi bị giống nhau...

Mà nói như thế nào nhỉ, nét cười có vẻ như tất thảy đang chợt nghĩ, chợt liên tưởng đến khẩu khí hăng hái tự tin vốn có của ngài TNS, một trong những  người từng đặt viên gạch đầu tiên cho mối bang giao Việt Mỹ, mỗi khi ngài bươn bả có mặt đây đó trên khắp các bang của Hoa Kỳ để vận động ứng lẫn tranh cử!

Larry Berman là tác giả cuốn sách nổi tiếng “Điệp viên hoàn hảo”  viết về cuộc đời của anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Xuân Ẩn và hiện là giáo sư tại nhiều trường đại học ở Mỹ. Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, ông đã thẳng thắn trước những câu hỏi của nhiều nhà báo quan tâm đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đại loại, việc ông Bush sắp rời Nhà Trắng không có tác động nhiều tới chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam lần này.

Ý nghĩa của chuyến đi sẽ rất quan trọng về mặt biểu tượng cho Việt Nam. Đồng thời đó sẽ là tín hiệu nhắc nhở cho hai ứng viên McCain và Obama về Việt Nam - một nước từng là đối thủ trong cuộc chiến nhưng giờ nhà lãnh đạo của họ đã được Tổng thống Mỹ Bush đón tiếp tại Nhà Trắng. Và đó là một ý nghĩa quan trọng.

Tôi tin là hai ứng viên Tổng thống Obama và McCain sẽ khẳng định tiếp tục các tiến bộ trong quan hệ giữa hai nước đã đạt được trong thời gian qua. Dù ai trong số họ được bầu cũng sẽ tốt vì đây là những người đều ủng hộ quan hệ với Việt Nam thúc đẩy việc làm ăn thương mại giữa hai nước phát triển vv...

... Bây giờ ngồi ở phòng khách trên tầng suite của khách sạn năm sao Marriott Wardman Park Hotel ngó qua cửa sổ thấy cái tháp bút chì mờ ảo xa xa một biểu tượng của nước Mỹ, thoáng gẫm đến cuộc tiếp xúc cùng cuộc điện đàm mới rồi và những nhận xét của ông văn sĩ Larry Berman nọ  thấy có vẻ chi đó logic đường được!

-------------------

Kỳ II: Chuyện về những người anh em của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ

MỚI - NÓNG