'Lách luật' vì tình người

Cháu Huỳnh Kim Ngân và bà ngoại. Ảnh: K.G
Cháu Huỳnh Kim Ngân và bà ngoại. Ảnh: K.G
TP - Tỉnh Vĩnh Long có nhiều cô gái lấy chồng nước ngoài mang theo con trở về quê hương. Sự đồng cảm của nhiều cán bộ pháp lý giúp họ có chỗ đứng trong xã hội, hòa nhập cuộc sống.

>> Bài 1:  Sống 'chui' ở quê nhà

Cháu Huỳnh Kim Ngân và bà ngoại. Ảnh: K.G
Cháu Huỳnh Kim Ngân và bà ngoại. Ảnh: K.G.

Lời ru buồn, nghe mênh mang…

Bà Nguyễn Thị Oanh, 62 tuổi ở xã Tân Lược (Bình Tân, Vĩnh Long) đang nuôi đứa cháu trở về từ Đài Loan cùng mẹ. Bà ngậm ngùi kể về những đoạn trường của con gái từ lúc xuất giá sang nước ngoài đến khi trở về. Con bà, chị Huỳnh Kim Liên lấy chồng năm 2002. Cuộc sống cơ cực nơi đất khách chưa được bao lâu, hay tin cha mất, chị lặng lẽ bỏ về quê với mẹ già neo đơn, mang trong mình giọt máu vừa được 4 tháng.

Khi chị đi, gia đình nhận được 1,5 triệu đồng hồi môn từ bên chồng, làm tiệc đãi bà con chòm xóm vừa đủ. Chị trở về hai bàn tay trắng, khi sinh cháu không có tiền phải nhờ bà đỡ miệt vườn. Không giấy chứng sinh, chính quyền xã không cấp giấy khai sinh cho bé.

Bà Oanh nghẹn ngào: “Con tôi cực khổ trăm bề, đến đời cháu lại vô thừa nhận, quá là cay đắng”. Nhờ hàng xóm thương tình gom góp tiền bạc, 3 năm sau chạy lo cho cháu được giấy chứng sinh của một bệnh viện tại Cần Thơ, nên làm được giấy khai sinh.

Cháu bé bây giờ đã là công dân Việt Nam, mang tên Huỳnh Kim Ngân, học lớp 3 trường Tiểu học xã, năm nào cũng có giấy khen. Chị Liên đi làm công nhân ở TPHCM, thỉnh thoảng về thăm hai bà cháu. Bà Oanh hàng ngày lặn lội bán vé số, mỗi ngày được 50 ngàn đồng cho cháu ăn học. Mỗi ngày bà ăn một bữa, dành tiền nuôi cháu. “Dẫu có nhắm mắt xuôi tay thì vẫn yên tâm vì còn có xã hội, có cộng đồng mình”-bà Oanh nói.

Trong cái khó, ló cái khôn

Cán bộ hộ tịch xã Tân Lược, Nguyễn Thanh Tiến cho biết: Xã có hơn 100 cô dâu nước ngoài. Hơn chục người trốn về nước, mang theo 5 đứa trẻ. Chuyện lấy chồng ngoại không bị kỳ thị như trước, người nào không hạnh phúc trở về đều được quan tâm chia sẻ. Cán bộ xã sẵn lòng giúp đỡ họ hòa nhập, phụ nữ cần xác nhận giấy tờ xin việc, trẻ con cần khai sinh đi học đều được giải quyết nhanh chóng.

Ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Long thống kê: Từ năm 1999 đến nay, có 7.980 phụ nữ trong tỉnh kết hôn với người nước ngoài, chủ yếu là Đài Loan và Hàn Quốc. Con số 218 cô gái lấy chồng nước ngoài trốn về nước, mang theo 49 con lai chỉ là mặt nổi. “Còn nhiều phụ nữ trở về không liên hệ với Sở để làm thủ tục nhập tịch hoặc khai sinh cho con”- Ông Dũng cho biết: “Các trường hợp tìm đến Sở đều được giúp đỡ, cấp đầy đủ giấy tờ để họ hòa nhập cuộc sống”.

Một lãnh đạo của Sở Tư pháp Vĩnh Long phân tích: Về mặt pháp lý, mỗi đứa trẻ sinh ra ở Đài Loan chắc chắn phải có quốc tịch nước bạn, nên khi về Việt Nam không thể cấp giấy khai sinh ở Việt Nam. Nhưng Sở linh động bằng cách cho cam kết chưa làm giấy khai sinh ở nước ngoài và cấp lại. “Nói thật làm thế là sai luật, nhưng chúng tôi không đành lòng nhìn những đứa bé vô thừa giữa quê nhà”. Vị lãnh đạo này khẳng định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG