Lạc đà bị loại khỏi cuộc thi sắc đẹp vì tiêm botox, can thiệp thẩm mỹ

0:00 / 0:00
0:00
Một người đàn ông cưỡi lạc đà tại lễ hội Vua Abdulaziz. Ảnh: Reuters
Một người đàn ông cưỡi lạc đà tại lễ hội Vua Abdulaziz. Ảnh: Reuters
TPO - Ban tổ chức cuộc thi sắc đẹp lạc đà nổi tiếng ở Ả Rập Saudi đã thẳng tay loại bỏ 43 thí sinh sau khi phát hiện những con lạc đà này được tiêm botox, làm phồng cơ bắp bằng dây thun.

Hội thi lạc đà mang tên Vua Abdulaziz khai mạc hồi đầu tháng 12 gần thủ đô Riyadh (Ả Rập Saudi), và dự kiến kéo dài 40 ngày.

Đây là năm thứ sáu cuộc thi được tổ chức, với giải thưởng dành cho những con lạc đà thắng cuộc lên đến 66 triệu USD. Các thí sinh sẽ được đánh giá dựa trên hình dạng đầu, cổ, bướu, trang phục và tư thế.

Tuy nhiên, một số chủ trang trại - vì ham tiền thưởng - đã sử dụng các thủ thuật làm đẹp cho lạc đà, bao gồm tiêm silicone, botox để làm đầu lạc đà trông to hơn, hoặc làm phồng cơ bắp bằng dây cao su.

Việc này không chỉ không công bằng với những đối thủ khác, mà còn khiến lạc đà cảm thấy đau đớn. Trên mạng xã hội từng lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một con lạc đà bị toác môi sau khi tiêm chất làm đầy.

Để phát hiện gian lận, những con lạc đà sẽ được kiểm tra kĩ lưỡng bằng các thiết bị chuyên dụng như máy X-quang.

Tổng cộng 147 trường hợp gian lận đã bị xử lý - con số cao nhất từ trước đến nay. 43 thí sinh đã bị loại.

Marzouk Al-Natto - đại diện nhóm pháp lý của ban tổ chức lễ hội - cho biết những chủ trại lạc đà nếu bị phát hiện gian lận sẽ phải nộp phạt tuỳ theo hành vi vi phạm. Ví dụ, hình phạt cho việc tiêm silicone, botox, hormone lên tới 27.000 USD cho mỗi con lạc đà. Việc bện, cắt đuôi lạc đà có thể bị phạt 8.000 USD.

Chủ sở hữu của những con lạc đà chiến thắng sẽ nhận được giải thưởng bằng tiền mặt và có cơ hội bán lại số lạc đà này với giá cao hơn.

Chăn nuôi lạc đà là ngành kinh doanh hái ra tiền ở Ả Rập Saudi. Ước tính, có khoảng 1,5 triệu con lạc đà được chủ nhân bảo vệ bằng cách cấy chip.

Lạc đà là một phần quan trọng của văn hóa Ả Rập, vì chúng thích nghi tốt với cuộc sống ở sa mạc.

Theo CNN, NY Post
MỚI - NÓNG