Là nạn nhân của bắt nạt học đường, cô gái tạo ra công cụ AI để chống vấn nạn này

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Bắt nạt học đường là chuyện không hiếm, nhưng có những người không chấp nhận chỉ chịu làm nạn nhân. Một cô gái - hiện 19 tuổi - từng là nạn nhân của bắt nạt học đường đã tận dụng công nghệ để không chỉ giúp mình mà còn giúp nhiều người khác.

Như bất kỳ Gen Z-er nào khác, Jamie Yau lớn lên cùng với công nghệ. Năm 13 tuổi, cô bắt đầu dùng mạng xã hội. Đó cũng là khi cô bắt đầu thấy không ít lời lẽ độc hại.

Jamie nói: “Bạn sẽ không nghĩ có ai đó lại đứng ra trước đám đông rồi chỉ vào một người cụ thể và bảo người đó đáng phải chết. Nhưng việc này lại thường xuyên xảy ra trên mạng, khi người ta viết nhiều kiểu bình luận thù ghét chỉ vì họ không phải ra mặt”. Và vì vậy, con người hiện nay dễ bị công kích cá nhân hơn bao giờ hết, bởi bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu.

Là nạn nhân của bắt nạt học đường, cô gái tạo ra công cụ AI để chống vấn nạn này ảnh 1

Jamie Yau, 19 tuổi. Ảnh: Today.

Bản thân Jamie đã hứng chịu những lời độc hại đầu tiên khi bị một người bạn nói cô là người “khó ưa”, “lắm lời” cùng nhiều từ khác mà cô không muốn nhắc lại. Người bạn này còn viết xấu về cô trên trang cá nhân và rất nhiều người khác cũng đọc được.

Ban đầu, Jamie cảm thấy rất bị tổn thương và bị phản bội. Cô nghĩ, nếu bạn không hài lòng về mình, tại sao không nói thẳng với mình mà lại “đâm sau lưng” như vậy?

Nhưng rồi cảm giác tổn thương đó trở thành động lực cho Jamie. Nó khiến cô muốn làm cho thế giới này - dù ngoài đời hay trên mạng - trở thành một nơi tử tế hơn. Thế là Jamie nói chuyện với một người bạn tên là Timothy và họ cùng lên ý tưởng khởi nghiệp: Công cụ Empathly.

Là nạn nhân của bắt nạt học đường, cô gái tạo ra công cụ AI để chống vấn nạn này ảnh 2

Jamie và Timothy. Ảnh: Kua Chee Siong/ The Straits Times.

Empathly là một công cụ trí tuệ nhân tạo (AI), được coi là “lương tâm kỹ thuật số” cho các cuộc trò chuyện, những lời bình luận online. Nó dò tìm những câu chữ độc hại từ trước khi được gửi đi và nhắc nhở người sử dụng, khuyến khích họ nghĩ lại về điều mình vừa viết.

Chẳng hạn, nếu bạn viết: “Phụ nữ thuộc về nhà bếp”, thì Empathly sẽ thông báo: “Bạn có chắc bạn muốn gửi câu đó không? Người khác có thể cảm thấy bị phân biệt đấy”.

Công cụ này có thể xác định được những câu bạo lực, phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc hoặc có những từ ngữ xấu bằng tiếng Anh, tiếng Malaysia, tiếng Anh - Singapore, tiếng Quảng Đông. Mục đích của Jamie là thay đổi hành vi của con người từ “gốc”, thay vì để những lời độc hại được đăng rồi mới xóa.

Là nạn nhân của bắt nạt học đường, cô gái tạo ra công cụ AI để chống vấn nạn này ảnh 3

Nhóm tạo ra Empathly lọt vào top 3 đội ngũ khởi nghiệp ở Singapore, theo chương trình của Google, và sẽ nhận được nhiều cơ hội, sự cố vấn từ các chuyên gia. Ảnh: Google Cloud.

Dù mới chỉ khởi nghiệp và việc phát triển công cụ Empathly còn nhiều khó khăn, nhưng Jamie không bỏ cuộc, vẫn vừa học vừa làm. Cô nói, cô mong muốn Empathly không chỉ khuyến khích mỗi người cư xử có trách nhiệm hơn trên mạng, mà còn là cảm hứng cho các Gen Z-er khác, để họ dám đứng lên tạo ra những thay đổi tích cực cho cộng đồng.

* Hiện Jamie Yau, 19 tuổi, là CEO của Empathly, công ty khởi nghiệp tạo ra công cụ AI cùng tên.

Là nạn nhân của bắt nạt học đường, cô gái tạo ra công cụ AI để chống vấn nạn này ảnh 7
Theo nhiều nguồn tin
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm