Lạ kỳ ngôi làng độc thân và nỗi ám ảnh vì chia gạo

Ông Đỗ Thắng không có người thân, gắn đời mình với chiếc xe đạp
Ông Đỗ Thắng không có người thân, gắn đời mình với chiếc xe đạp
TP - Trưởng thôn Tú Nghĩa giơ cả hai bàn tay ra đếm nhưng tính nhẩm không ra, ông lôi tập hồ sơ dày cộp, lật giở từng trang, chợt giật mình: Hơn 40 người độc thân, toàn những mảnh đời buồn.

Tú Nghĩa (xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) là thôn có rất nhiều người độc thân, và nghèo đến mức việc chia gạo tết trở thành nỗi ám ảnh với cán bộ thôn.

Những mảnh đời đơn độc

Ông Đỗ Thắng phanh kít chiếc xe đạp cũ mèm, xoay một vòng trên bãi cát. Một chân ông là chân gỗ, nhưng thật kỳ lạ, chiếc xe vẫn đứng vững, và ông cười móm mém: “Quen rồi, khó ngã lắm”. Ông Thắng 71 tuổi, không nhà cửa, vợ con, sống lang bạt trong làng, mất một chân, vẫn thấy đời phơi phới.

Là chúng tôi đang ở nhà ông Nguyễn Đằng nên mới gọi ông Thắng tới, để nghe chuyện ông ấm ức vì tết vừa rồi, chẳng ai hỏi thăm, cho đồng nào ăn tết. Ông Thắng kể, chiến tranh loạn lạc, 20 tuổi bị bom cắt chân, sống đời tàn phế đến tận bây giờ. Hỏi vì sao không cưới vợ sinh con, ông thở dài: Chỉ duy nhất một chữ nghèo! Không ai dám về sống cùng. Thật ra, sau lần bị mất chân, ông cũng có một mối tình với cô gái cùng thôn, nhưng rồi, thân tàn tật chưa lo nổi cho mình, không dám đèo bòng, ông đành nói lời chia tay. 

“Là tui nói trước thôi, chứ biết đằng nào người ta cũng bỏ mình”. Ngay sau khi chia tay cô thôn nữ, ông bán căn nhà cha mẹ để lại để chữa chạy mấy thứ bệnh luôn chực chờ phát tác. Cuộc đời ông kể từ đó đến nay gắn mình trên chiếc xe đạp, ngày nắng cũng như mưa, như kỵ sĩ Mông Cổ cả đời trên yên ngựa. Với ông, tối đâu là nhà, ngã đâu cũng là giường. Từ gặt lúa, làm cỏ đến bổ củi tưới rau…, ai thuê gì ông làm tất. Gia sản quý giá nhất của ông Thắng bây giờ ngoài chiếc xe đạp cũ mèm là 2 tấm thẻ được ông bọc bao ni lông cẩn thận, nhét trên túi áo, cài khuy. Đó là tấm thẻ bảo hiểm hộ nghèo và thẻ Hội viên hội người cao tuổi của xã.

Ông Thắng vẫn còn may mắn hơn ông Nguyễn Vệnh rất nhiều, đó là khả năng nhận biết và đi lại. Ông Vệnh là anh trai ông Nguyễn Đằng, mặc dù ông Đằng có nhà cửa đàng hoàng, và anh trai của ông Vệnh có người thân làm cán bộ xã, nhưng ông Vệnh 72 tuổi vẫn lang bạt giữa làng Tú Nghĩa. Mấy ngày gần đây, bệnh thần kinh phát tác, ông Đằng buộc phải “cưỡng chế” anh mình về sống trong nhà. 

Ông Đằng kể, số phận ông Vệnh và ông Đỗ Thắng trùng khớp một cách kỳ lạ. Cùng lớn lên, cùng độc thân, cùng lang thang. Chỉ khác một điểm, ông Vệnh còn người thân thích, ông Thắng thì không. Và thế là, nhà ông Đằng cũng là nơi tá túc thường xuyên của ông Thắng.

Trưởng thôn Phan Tấn Anh lôi tập hồ sơ dày cộp, dùng bút rà rà, chặp buông lời: Số phận như ông Thắng, ông Vệnh là hơn 40 người. Đàn ông ngoài hai người trên còn có ông Anh, ông Minh, ông Nhung…, đàn bà thì khỏi nói, đếm không xuể. Đau đầu lắm, không biết đưa vào diện chi cho phải phép.

Chị Võ Thị Bé (thôn 5 Tú Nghĩa) mới 40 tuổi, có 3 con là một trong số hiếm hoi có chồng nhưng hiện không ở cùng. Thế thì vẫn là đơn thân và đặc biệt nghèo. Căn nhà chị Bé trống hoác, vật dụng đáng kể duy nhất là chiếc tivi Sony của những năm 1990 để lại. 6 năm trước, chồng tham gia ẩu đả giết người, bị án 10 năm. Chị một mình quần quật nuôi 3 đứa con bằng nghề làm thuê và đan lát. 

“Ở Tú Nghĩa như bị một lời nguyền, đàn ông đơn thân, đàn bà chồng chết, không chồng hoặc bị bỏ nhiều lắm” - chị Bé kể. Bà Lai, hàng xóm chị Bé đỡ lời rằng chồng chị Bé có ở nhà thì cũng như không.

Lạ kỳ ngôi làng độc thân và nỗi ám ảnh vì chia gạo ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Lai nói, cảnh không chồng mà có con ở Tú Nghĩa là thường, còn ở làng khác thì kinh hoàng lắm

Cùng hàng xóm, cách nhau một bờ rào, số phận bà Lai nghe chừng bi thảm hơn. 71 tuổi, không chồng, không người thân, bà Lai kiếm được 2 đứa con gái. Giờ đã có cháu ngoại. Không nhà, ông anh trai thương tình cho mượn chái bếp làm nơi tá túc. 

“Nhắc đến chuyện khai sinh mới nhớ, công tác dân số kế hoạch hóa năm họp 2 lần, nhưng đối tượng đơn thân lại bỏ qua. Ai lại vận động gái chưa chồng đi đặt vòng bao giờ. Hàng chục trường hợp sinh con thứ 3, thứ 4. Tú Nghĩa rớt thôn văn hóa cũng vì thế”

Ông Phan Tấn Anh – trưởng thôn Tú Nghĩa (Bình Tú, Thăng Bình, Quảng Nam)

“Đáng lẽ tui đã có chồng, chuyện cách đây 50 năm rồi, nhưng chiến tranh ly tán rồi vì điều kiện này kia, ngoảnh đi ngoảnh lại đã lỡ thì. Đành muối mặt kiếm đứa con về nuôi. Thế là 5 năm 2 đứa con gái ra đời. Ngày xưa ở làng khác, đó là chuyện kinh hoàng nhưng với Tú Nghĩa, chuyện này thường thôi”.

Danh sách phụ nữ không chồng nhiều con trong hồ sơ của trưởng thôn Anh cứ dằng dặc với những Hồ Thị C (3 con), Lê Thị X (4 con), Nguyễn Thị An (3 con), Nguyễn Thị Ngân (2 con)… Trưởng thôn lắc đầu ngao ngán: Nhiều nữa, kể ra không hết, ngay cả một cán bộ thôn đây, nghèo lắm, vợ bỏ đi miền Nam, một mình gà trống nuôi con. Tội hết biết.

Bi hài quà tết

Nhắc đến người cán bộ thôn, ông Anh buồn bã: Nhiều chuyện tréo ngoe lắm. Đợt vừa rồi, ông Anh cùng chi bộ thôn cố gắng đưa gia đình người này vào diện hộ nghèo, nhưng nhất mực bị từ chối. “Anh cán bộ này quá tội, ảnh bảo tui thân cán bộ thôn mà cũng là hộ nghèo thì làm răng ăn nói với bà con. Tú Nghĩa còn hàng chục hộ đơn thân, nghèo rệp mà chưa được”.

Cùng mấy năm thân thiết, lại bà con trong họ, ông Anh hiểu, anh này không muốn thôn, xã bị ảnh hưởng, nhất là trượt mất danh hiệu nông thôn mới.

Vừa rồi, rộ lên câu chuyện phân chia quà tết không đều ở Tú Nghĩa, làng trên xóm dưới làm ầm lên khiến trưởng thôn Phan Tấn Anh vô cùng khổ sở: Người dân không hiểu, đến cả báo chí về đây cũng không chịu hỏi rõ ngọn ngành. 

Lệnh trên thế nào, bọn tui chiếu theo đó mà làm. Câu chuyện mấy chục hộ dân đơn thân, nghèo không chồng con… đúng là hộ nghèo nhưng mất suất quà tết ở Tú Nghĩa, là chuyện có thật. Chị Phan Thị Bé, bà Lai, ông Thắng, ông Vệnh…đều chẳng được hỗ trợ đồng nào. Ông Đỗ Thắng xòe tấm thẻ bảo hiểm hộ nghèo, ấm ức: “Mọi năm được 15kg gạo, năm nay không có chi”.

Trưởng thôn Phan Tấn Anh ấm ức kể một hơi: Cả thôn 45 hộ nghèo, 73 hộ cận nghèo. Mọi năm trước chưa đạt nông thôn mới, trên rót xuống gần tấn gạo hỗ trợ, năm nay chỉ được 400kg. Mà lệnh ban xuống phải chia đủ 15kg/hộ. 

Lạ kỳ ngôi làng độc thân và nỗi ám ảnh vì chia gạo ảnh 2

Chị Nguyễn Thị Bé, đơn thân và rất nghèo

Lấy đâu ra? Tui đề xuất chia mỗi suất ít hơn cho đồng đều, ai nấy xanh mặt. Kỷ luật trắng máu chứ chẳng chơi. Vậy là 400kg gạo chỉ đủ cho 26 suất, còn dư 10kg, bọn tui thống nhất cho ông Nguyễn Trang Nhung, người già không con không cháu. Đó, làm đến thế rồi mà còn tiếng này tiếng nọ. Khổ!

Ông Anh kể, sau tết, nhiều người đến tận nhà hỏi, chế độ 15kg gạo đâu? Ông cứng họng không biết nói thế nào. Quả thật, phân chia quà trở nên nỗi ám ảnh đối với các trưởng thôn nghèo từ xưa đến nay. Bà Nguyễn Thị Lai kể, đến giờ, trong nhà bà chỉ còn mấy lon gạo ăn qua ngày. 

“Năm ngoái, năm kia đều có 15kg, năm nay cán bộ giải thích, tui có 2 đứa con gái đã có gia đình nên thôi. Lạ thật, có 2 đứa con gái thì tui vẫn là hộ nghèo, nó có giúp đỡ đồng nào đâu. Đã là hộ nghèo phải hỗ trợ chứ”. Dân hỏi cán bộ thôn, cán bộ chỉ biết trả lời, 400kg gạo, phải chia đều 15kg/suất, ai thắc mắc gì, xin hỏi lên trên.

Ông Phan Tấn Anh tiễn tôi ra tận đầu làng, xung quanh là mênh mông cát trắng xóa, buồn buồn: 90% làm nông nghiệp, bao đời nay Tú Nghĩa nghèo vẫn hoàn nghèo, sắp tới tui phải đi làm lại khai sinh cho hàng chục trường hợp con phụ nữ đơn thân, mà dạng này lại phải đưa vào hộ nghèo. Mới được nông thôn mới, giảm nghèo được một tí, giờ lại phải tăng hộ nghèo lên.

MỚI - NÓNG