8 năm trước, ngày 31/10/2012, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Bình Minh (huyện Thanh Oai) trên diện tích 42.749m2.
Đến nay, dự án đã hoàn thiện cơ bản các hạng mục như tường bao, bê tông sân nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động do còn thiếu những hạng mục thiết yếu để đưa khu giết mổ vào hoạt động như: nhà xưởng, kho, hệ thống thải… Do bỏ hoang lâu năm, khu giết mổ này trở này bãi chứa lông gà, xương bò.
Đầu năm 2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 761/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố”.
Theo đó, thành phố có 8 cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm công nghiệp là: Cơ sở giết mổ gia cầm Phú Nghĩa - Chương Mỹ; giết mổ lợn Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ; giết mổ gia súc Đông Thành, huyện Đông Anh; giết mổ gia súc Foodex, huyện Đan Phượng; giết mổ gia súc Lệ Chi, huyện Gia Lâm; giết mổ gia súc, gia cầm Minh Hiền, huyện Thanh Oai; giết mổ gia súc, gia cầm Vinh Anh, huyện Thường Tín; giết mổ gia súc, gia cầm Minh Phú, huyện Sóc Sơn.
Ngoài ra, có 8 cơ sở giết mổ tập trung tại các địa phương là: Xã Hồng Phong, Tốt Động của huyện Chương Mỹ; xã Thọ An, huyện Đan Phượng; xã Liên Mạc, huyện Mê Linh; xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ; xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn; xã Bình Minh, huyện Thanh Oai; xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín...Đồng thời, có 13 cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ trong mạng lưới đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có 3 cơ sở giết mổ công nghiệp đi vào hoạt động, nhiều cơ sở giết mổ tập trung có trong quy hoạch nhưng chưa triển khai, có nơi mở ra nhưng hoạt động cầm chừng dẫn đến phải đóng cửa.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Oai cho biết, dự án giết mổ tập trung tại xã Bình Minh bị chậm nhiều năm do cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quản lý đất đai thay đổi. Thời gian trước, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, phương án mời doanh nghiệp tham gia đấu thầu, cho thuê đất thực hiện dự án, nay phải làm lại hồ sơ để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Đây là nguyên nhân khiến dự án chưa thể đưa vào hoạt động. Đại diện Ban quản lý lò mổ Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) cho biết, đầu tư vào khu giết mổ tập trung đầu tư lớn nhưng lãi suất thấp nên ít doanh nghiệp muốn tham gia.
Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, người dân hiện nay chủ yếu vẫn giết mổ tại nhà vì nhiều lý do như: Thói quen, di chuyển thuận tiện… Nếu vào cơ sở giết mổ thì chi phí tăng lên, chi phí di chuyển cũng tăng, người bán hàng phải vào khu tập trung để lấy hàng… dẫn đến phát sinh nhiều chi phí khiến họ không mấy mặn mà.