Kỳ vọng của giáo viên vùng núi về giáo dục năm Quý Mão

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Công tác ở những điểm trường vùng núi với vô vàn khó khăn về điều kiện, cơ sở vật chất nhưng các cô giáo vẫn giữ "lửa nghề" và luôn đau đáu khát vọng tiếp sức, nâng bước cho trẻ đến trường học con chữ. Ngay khoảnh khắc chào đón năm mới Qúy Mão cũng là lúc các thầy cô gửi bao kỳ vọng, mong muốn về sự thay đổi của giáo dục, những chính sách "đến gần" hơn với thầy và trò vùng sâu, vùng xa. 

Đẩy mạnh "xã hội hóa" giáo dục

Được ví như "người mẹ thứ hai" của xã nghèo vùng cao, cô giáo Lò Thị Bích Đào (sinh năm 1990) hiện công tác tại điểm trường Suối Chẹn, bản Cáy Khẻ (thuộc trường Mầm non Ánh Dương, xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) luôn trăn trở về chế độ dinh dưỡng của các em nhỏ bởi đa số phụ huynh vùng cao chưa có điều kiện kinh tế, chưa chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe cho các con.

Vì vậy, trong năm nay, cô kỳ vọng, sẽ có chính sách mới về việc xây bếp ăn và tổ chức ăn bán trú cho trẻ (thay cho hình thức bán trú dân nuôi) để đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng cho trẻ. Khi đó, các cô giáo sẽ không phải đi tuyên truyền tới từng hộ dân mà dành thời gian để chuyên tâm, đầu tư xây dựng kế hoạch bài giảng.

"Bên cạnh đó, tôi hy vọng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tích cực chủ động xin thêm đầu tư từ các cấp, ngành, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, kết hợp với nhiều tổ chức đoàn thể kêu gọi hỗ trợ giúp hoàn thiện cơ sở vật chất cho giáo viên và học sinh trường vùng sâu, vùng xa. Đảm bảo chất lượng dạy và học trong năm học tới", cô Đào chia sẻ.

Kỳ vọng của giáo viên vùng núi về giáo dục năm Quý Mão ảnh 1

Cô giáo trẻ Lò Thị Bích Đào vinh dự là một trong 88 giáo viên trong toàn tỉnh Sơn La được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2020 - 2021.

Tăng cường bồi dưỡng "năng lực số" cho giáo viên

Công tác tại điểm trường có cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế về trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác giảng dạy, cô Đinh Thị Ngọc (giáo viên trường Tiểu học Hồi Ninh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) cho rằng, để giáo viên thay đổi tư duy, tích cực đổi mới sáng tạo trong dạy học đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới và yêu cầu của thời kỳ chuyển đổi số thì cần được trang bị cơ sở vật chất, tài liệu dạy học phù hợp với điều kiện thực tế xã hội.

"Ngoài ra, cần tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học và trong công tác quản lý cho giáo viên để đáp ứng yêu cầu giáo dục nhà trường theo hướng phát triển công nghệ thời đại mới. Tổ chức các cuộc thi thiết kế sản phẩm giáo dục số để giáo viên tự tin sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin, qua đó nâng cao chất lượng dạy và học.

Việc ứng dụng hiệu quả công nghệ trong việc lưu trữ hệ thống hồ sơ, sổ sách nhằm giảm thiểu khối lượng công việc cho giáo viên, giúp giáo viên có thời gian nghiên cứu chuyên môn, xây dựng kế hoạch bài giảng cũng cần được triển nhanh chóng và đồng bộ", cô Ngọc nói.

Kỳ vọng của giáo viên vùng núi về giáo dục năm Quý Mão ảnh 2

Cô Ngọc vinh dự là một trong những giáo viên trẻ nhận danh hiệu "Nhà giáo trẻ tiêu biểu 2022" của Trung ương Đoàn với những thành tích nổi bật trong giảng dạy và hoạt động xã hội. Ảnh: NVCC

Trao quyền làm chủ cho giáo viên

Trước làn sóng hơn 10 nghìn giáo viên nghỉ việc trong năm 2022, cô Đinh Thị Ngọc (nhận danh hiệu "Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương năm 2022") hiến kế các giải pháp để "giữ chân" các nhà giáo tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Thứ nhất, cần hoàn thiện nhanh chóng chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần. Cải thiện chính sách tiền lương, chính sách hỗ trợ cho những giáo viên công tác xa nhà để giáo viên yên tâm gắn bó với nghề.

Thứ hai, trao quyền làm chủ cho giáo viên nhằm tạo môi trường giảng dạy - học tập tích cực. Nhất là trong thời đại công nghệ 4.0, cần phải lắng nghe giáo viên bởi họ cần có tiếng nói, sự cảm thông và cần được bảo vệ.

Tổ chức các sân chơi phát huy sự sáng tạo của giáo viên, khuyến khích giáo viên tham gia trên tinh thần tự nguyện, với các hình thức khen thưởng động viên kịp thời.

Cuối cùng, cô Ngọc cho rằng, năm 2023 cần đổi mới cơ chế quản lý trong trường học để tránh gây áp lực cho giáo viên. Tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng được hoạt động nghề nghiệp của giáo viên và chương trình giáo dục phổ thông mới.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.