“Để hy” là một tư tưởng khá tiến bộ từ thời Chiến Quốc, nhấn mạnh vai trò của người trí giả trong việc đối mặt và xử lý các tình huống khó khăn. Theo quan điểm này, khi một tổ chức, cộng đồng hoặc quốc gia gặp khó khăn, những người có năng lực cần nhanh chóng hỗ trợ để khôi phục tình thế. Trong trường hợp hệ thống đã suy yếu đến mức không thể cứu vãn, việc thay đổi triệt để là điều không thể tránh khỏi.
Theo nghĩa đen, “Để hy” có nghĩa là “bịt vết nứt” – một hình ảnh ẩn dụ mô tả việc giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn trước khi chúng trở thành vấn đề nghiêm trọng. Những bất ổn không phải xảy ra tức thời mà là kết quả của quá trình tích lũy lâu dài. Tuy nhiên, mọi mối nguy dù lớn đến đâu cũng đều có những dấu hiệu cảnh báo trước. Chúng giống như các vết rạn nứt trên khe đá, lâu dần nếu không xử lý kịp thời, sẽ thành khe nứt lớn và cuối cùng gây sụp đổ. Điều quan trọng là phải nhận ra các “vết nứt” này và có biện pháp khắc phục phù hợp.
Những “vết nứt” điển hình có thể là sự nghi kỵ giữa quân thần, mâu thuẫn nội bộ, mất lòng tin trong tổ chức, bất đồng về mục tiêu và chiến lược… Theo Quỷ Cốc Tử, mọi vấn đề, dù nhỏ, cần được giải quyết nghiêm túc từ sớm, không để chúng lan rộng, mới có thể khôi phục về tình trạng vốn có. Tuy nhiên, nếu tình trạng đã vượt quá khả năng khắc phục, người trí giả cần dấn thân vào công cuộc thay đổi toàn diện để đưa hệ thống sang một giai đoạn mới. Quỷ Cốc Tử đã chỉ ra, “Thế lớn thiên hạ, chia lâu rồi lại hợp, hợp lâu lại rồi chia.” Đây là quy luật tự nhiên mang tính nhân quả nhằm thúc đẩy xã hội chuyển mình, diễn tiến. Trong một số trường hợp, người trí giả thậm chí phải chủ động “tạo ra vết nứt” rồi làm nó sâu rộng hơn, dẫn đến kết cục sau cùng là thay đổi hoàn toàn.
Quá trình thay đổi triệt để có thể thực hiện qua hai cách: bổ sung và chinh phục. Bổ sung giúp khôi phục lại hình dáng ban đầu, trong khi chinh phục sẽ tạo ra cái mới. Lịch sử ghi nhận thời Ngũ Đế đã dùng phương pháp bổ sung, còn thời Tam Vương lại dùng phương pháp chinh phục. Trong bối cảnh hỗn loạn, như thời kỳ tranh chấp giữa các chư hầu, việc quan sát và khai thác các “vết nứt” trong hệ thống của đối thủ trở thành một chiến lược quan trọng. Việc khuếch đại những mâu thuẫn nội bộ, thông qua các kế sách như ly gián, có thể làm suy yếu và phá vỡ sự đoàn kết của đối phương.
Một ví dụ tiêu biểu trong lịch sử là thời kỳ Hán Sở tranh hùng. Trần Bình (? - 178 TCN), một trong những công thần khai quốc của nhà Hán, nổi tiếng với trí tuệ và mưu lược xuất sắc, đã khéo léo sử dụng thuật “Để hy” để tác động vào mối quan hệ giữa Hạng Vũ và mưu sĩ Phạm Tăng. Điều này giúp Lưu Bang chuyển hóa cục diện, đặt nền móng cho chiến thắng của nhà Hán.
Khi Hàn Tín liên tiếp giành thắng lợi ở phía bắc, Hạng Vũ dẫn đại quân tấn công Huỳnh Dương. Trước tình thế nguy cấp, Lưu Bang lo lắng hỏi Trần Bình: “Thiên hạ rối ren, bao giờ mới bình yên đây?”. Trần Bình đáp: “Hoàng thượng đang rất lo lắng, chắc chắn là vì Hạng Vũ. Thần nhận thấy thuộc hạ của Hạng Vũ không mấy ai được như Phạm Tăng, Chung Ly Muội. Nếu hoàng thượng chịu bỏ ra vài trăm lượng mua chuộc quân Sở, tiến hành phản gián để làm nghi ngờ vua tôi nước Sở, khi đó có thể tấn công và chiến thắng dễ dàng.” Lưu Bang đồng ý và giao cho Trần Bình bốn vạn lượng vàng để thực hiện kế hoạch.
Trần Bình nhanh chóng hành động. Ông dùng vàng mua chuộc quân Sở, tung tin đồn rằng Chung Ly Muội đang có ý định liên kết với nhà Hán. Hạng Vũ vốn tính đa nghi, lập tức mất lòng tin vào Chung Ly Muội. Không dừng lại ở đó, Trần Bình tiếp tục thao túng tâm lý của sứ giả nước Sở. Khi sứ giả đến đàm phán, Trần Bình cố tình tạo ra ấn tượng rằng Phạm Tăng đang ngấm ngầm hợp tác với nhà Hán. Khi trở về, sứ giả báo cáo lại, khiến Hạng Vũ thêm nghi ngờ Phạm Tăng.
Phạm Tăng không hề hay biết chuyện này, vẫn hết lòng hỗ trợ Hạng Vũ. Tuy nhiên, khi thấy Hạng Vũ chần chừ không bao vây Huỳnh Dương mà lại muốn giảng hòa, ông lo lắng thúc giục tấn công nhanh chóng. Đáp lại, Hạng Vũ tức giận quát: “Ngươi bảo ta nhanh chóng tấn công Huỳnh Dương, ta lại không thể dựa vào ngươi, sợ rằng chưa chiếm được Huỳnh Dương thì mạng của ta đã bị ngươi cướp đi rồi!”. Phạm Tăng lặng người, nhận ra có sự xúi giục từ bên ngoài. Ông buồn bã cáo lui: “Thiên hạ giờ đã yên ấm, xin hoàng thượng tự lo liệu, cho phép thần được trở về quê làm người bình thường,” Hạng Vũ đồng ý mà không tỏ thái độ níu giữ. Phạm Tăng uất hận, trên đường về quê chưa tới Bành Thành thì qua đời vì nổi ung ở lưng.
Sự thành công của kế ly gián mà Trần Bình thực hiện là minh chứng điển hình cho việc vận dụng Thuật “Để hy” – một trong những kế sách quan trọng của “Qủy Cốc Tử mưu lược toàn thư”. “Để hy” tập trung vào việc nhận biết và khai thác những “vết nứt” tiềm ẩn trong hệ thống. Những điểm yếu tưởng chừng nhỏ nhặt, nếu không được xử lý kịp thời, sẽ dần lan rộng và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ngược lại, khi muốn phá hủy một hệ thống, việc khuếch đại các điểm yếu này sẽ mang lại hiệu quả cao. Trường hợp giữa Hạng Vũ và Phạm Tăng cho thấy, “vết nứt” trong mối quan hệ giữa vua và thần đã tồn tại từ trước. Trần Bình chỉ cần khéo léo khai thác và làm lớn những bất ổn này, dẫn đến sự tan rã của mối quan hệ trọng yếu, khiến Hạng Vũ mất đi một trợ thủ quan trọng.
Không chỉ là kế sách nổi bật trong lịch sử, “Để hy” còn mang giá trị thực tiễn lớn trong thời hiện đại, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh. Các doanh nghiệp có thể vận dụng thuật này để thu thập thông tin từ đối thủ, tạo ra dư luận nhằm thu hút khách hàng từ đối thủ, hoặc tìm ra “kẽ hở” trong chiến lược hoặc hoạt động của họ để tận dụng cơ hội cạnh tranh. Bên cạnh đó, các cá nhân và tổ chức cũng cần cảnh giác để tránh trở thành nạn nhân của thuật này. Việc thường xuyên tự kiểm tra, rà soát và xử lý kịp thời những “vết nứt” tiềm ẩn trong hệ thống là yếu tố quan trọng, giúp duy trì sự ổn định và phát triển bền vững.
Trong đời sống, “Để hy” được xem là nghệ thuật tinh tế trong việc nhận diện khiếm khuyết, nhược điểm của đối phương về mặt tâm lý, hành vi, tư tưởng hoặc phẩm chất đạo đức, từ đó thuyết phục và đạt được mục tiêu mong muốn. Khi được sử dụng đúng cách và mang tính xây dựng, “Để hy” có thể giúp giải quyết mâu thuẫn, cải thiện mối quan hệ, đạt được các mục tiêu tích cực. Tuy nhiên, nếu bị lạm dụng bởi những người thiếu đạo đức, thuật này có thể trở thành công cụ gây chia rẽ và tổn hại. Vì vậy, khi áp dụng thuật “Để hy” trong đời sống cá nhân hoặc tổ chức, cần chú trọng đến mục đích và giá trị đạo đức, đảm bảo hành động không gây tổn hại đến người khác.
“Để hy” thuộc thiên thứ 4 trong 12 thiên mưu lược của cuốn sách “Quỷ Cốc Tử mưu lược toàn thư” được Nhà sáng lập - Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ cẩn trọng, tuyển chọn thuộc lĩnh vực Chính trị – Ngoại giao – Quân sự trong "Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời".
(Đón đọc kỳ sau: Quỷ Cốc Tử Mưu lược toàn thư – Phi kiềm)