Ký ức về bà mẹ ngoại thành

TP - Những năm năm, sáu bảy mươi tám mươi của thế kỷ trước trên tờ Tiền Phong, cái nghệ danh ảnh  Hoàng Thiết  (họ tên đầy đủ của anh là Mầu Hoàng Thiết) bên cạnh tên nghệ sĩ nhiếp ảnhMai Nam, Hồng Tâm đã ám vào nhiều thế hệ bạn đọc.
Ký ức về bà mẹ ngoại thành ảnh 1

PV ảnh Mầu Hoàng Thiết (đội mũ) trong một lần kỷ niệm Báo Tiền Phong. Ảnh: Hồng Vĩnh

Thời ấy tôi mê ảnh nên ham bám buồng tối. Nhưng đâu có dễ, chỉ những phóng viên ảnh mới được vô buồng. Thời gian Phạm Yên đi công tác vắng thì chỉ có nhịn. May có anh Hoàng Thiết. Muốn vào phải qua Văn Cung, PV ảnh Báo Thiếu niên (hai báo chung một buồng tối) Văn Cung nèo ép Hoàng Thiết phải biện ra thuốc tráng phim, rửa ảnh thì mới cho tôi vô. Hoàng Thiết tóc cắt bốc, muối tiêu nhệch ra cái răng vàng chẳng biết là cáu hay cười bật thốt ra câu cố hữu mà cũng chả biết đồng ý hay phản đối, èo mẹ…

Hoàng Thiết vốn thân phóng viên ảnh NSNA Mai Nam. Bao bận trong những câu chuyện vui, hoặc khi thấy ông em họ Mầu có điều chi khó chịu bực bõ, để giải tỏa ông anh Mai Nam thường đai giọng ra nhại giễu, èo ẹ…

Mấy lần lang thang với nhau các đợt công tác, tôi nèo anh cái xuất xứ họ Mầu quê anh ở xứ Đoài. Anh lấp lửng, cũng chả biết nữa nghe nói họ Mầu có gốc Mường ở Hòa Bình dạt xuống Đan Phượng. Nhưng anh Mai Cát - cây viết uyên bác thì cười, chả phải! Mà thường là con nhà hiếm bán khoán cúng vào chùa cho dễ nuôi sau chuộc lại cũng mang họ Mầu?

Rồi anh đến tuổi hưu. Và cũng rất lâu tôi không gặp lại.

Một ngày nọ bỗng thấy anh Mầu Hoàng Thiết đột ngột xuất hiện. Ông đang có vẻ bần thần trước những chồng tư liệu trong thư viện tại địa điểm mới bởi cơ quan cũ đang sửa chữa. Thì ra ông đang lục tìm chồng báo Tiền Phong năm 1967 không biết thất lạc nơi nào? Vừa lục tìm giúp, tôi vừa nghe khẩu ngữ thân quen một thời èo iếc cùng cái duyên do ông phải đôn đáo đến đây...

Số là ông đang hoàn thành một tập sách ảnh của ông với cái tên tạm gọi những chứng nhân một thời máu lửa.

…Hồi ấy, anh cùng phóng viên Tất Vinh (Hồng Dương) tốc táo đến một trận địa pháo phòng không bảo vệ phía Nam Hà Nội. Trong trận đánh trả ác liệt bọn cướp trời Mỹ, một pháo thủ quê ở Hà Nội hy sinh ngay trên mâm pháo. Ngay ngày hôm sau, không biết thế nào mà bà mẹ người pháo thủ ấy nghe được hung tin liền tới ngay trận địa của con trai. Bà không tới một mình mà mang theo một thanh niên cường tráng khác, là anh ruột của người pháo thủ vừa hy sinh hôm qua. Mẹ nằng nặc xin cho con mình ngồi vào vị trí pháo thủ số 4 mà em trai nó vừa ngã xuống...

Báo Tiền Phong đã đăng bài của phóng viên Hồng Dương về sự kiện  này kèm tấm ảnh bà mẹ ấy dắt con trai đến trận địa phòng không bảo vệ phía Nam Hà Nội. Hoàng Thiết còn nhớ sau đó Toà soạn đã nhận được rất nhiều thư của bạn đọc là những chiến sĩ đang chuẩn bị lên đường vào Nam chiến đấu, những TNXP, những công nhân ở nhiều công trường xí nghiệp, những thanh niên nông thôn... gửi đến bày tỏ sự cảm phục và nguyện học tập noi gương hành động anh hùng của người mẹ Hà Nội.

Hơn bốn mươi năm đã qua, thời gian lẫn tuổi tác nghiệt ngã đã vơi vợi đi kha khá trí nhớ của người phóng viên ảnh năm ấy. Nhưng Hoàng Thiết vẫn còn lưu những   trên đoạn phim Photo-65 của Liên Xô ngày chụp sự kiện ấy mà công phu lắm mới giữ được không bị mốc, hỏng! Nhưng kẹt nỗi, ông không sao nhớ được bà mẹ Hà Nội ấy tên gì cùng quê quán? Ông bạn viết phóng viên Tất Vinh tức Hồng Dương đã mất từ lâu!

Mất cả một buổi chúng tôi không tìm được tập báo năm 1967 ấy... Lùi lại năm 1966, không có! Nhảy sang năm 1968, không thấy!

Bẵng đi một dạo thì có điện thoại của Hoàng Thiết báo tin, lần mới đây, khi làm việc với huyện Từ Liêm, anh rất mừng bởi trong sổ vàng truyền thống của huyện ngoại thành này có ghi vắn tắt sự kiện  bà mẹ ngoại thành năm ấy!

Theo lời hẹn của Hoàng Thiết, tôi cùng anh đến cái địa chỉ trong sổ vàng truyền thống. Đó là xã Xuân Phương, mạn Chèm...

Rồi qua mấy cán bộ xã, chúng tôi cũng tìm được trong danh sách 78 liệt sĩ của Xuân Phương qua ba cuộc kháng chiến có Liệt sĩ Lê Viết Dũng sinh năm 1949 nhập ngũ tháng 9 năm 1966. Cấp bậc binh nhất. Thuộc đại đội 7 tiểu đoàn 43, trung đoàn 236, sư 361. Hy sinh ngày 27 tháng 10 năm 1967 tại mặt trận bảo vệ phía Nam Hà Nội ở Văn Điển. Bằng Tổ quốc ghi công là HM- 327b. Số QĐ 135/ TTGA ký ngày 23 tháng 7 năm 1968.

Điều bất ngờ chúng tôi được cán bộ xã cho biết thêm, người anh trai của liệt sĩ Lê Viết Dũng đang còn sống! Là thương binh và nhà cũng gần đây.

Vẫn chưa hết, một điều diệu kỳ đã xảy ra, mẹ Loan, mẹ của liệt sĩ Dũng năm ấy đã 86 tuổi còn minh mẫn!

Mẹ đi lại khó khăn, nghe kém nhưng trí nhớ hãy còn rành rẽ... Mẹ không nhận ra anh Hoàng Thiết nhưng khi nhìn tấm hình mẹ nhớ ngay bức ảnh này đã đăng trên báo vào cái năm đã xa xôi ấy! Cặp mắt đã mờ đục với cái nhìn xa xăm và giọng nói khẽ khàng của mẹ đưa chúng tôi về cái đêm mát trời nhưng đột nhiên mẹ thấy ruột nóng bừng bừng. Những tiếng nổ gần nổ xa của bom Mỹ cứ từng chặp, từng chặp...

Ký ức về bà mẹ ngoại thành ảnh 2 PV Ảnh Mầu Hoàng Thiết (hàng ngồi đầu tiên từ phải qua) dịp đón đồng chí Trường Chinh tới thăm Tòa soạn Tiền Phong

Tâm trí mẹ dồn về cái hướng mà thằng con trai của mẹ đang ghìm súng ở phía Nam thành phố. Mạn Văn Điển, nơi bốn bề trống hoác mà trận địa pháo của anh con trai mẹ cứ trần thùi lụi ra đấy...

Thoáng nhanh trong đầu mẹ là một sự trù liệu.

Mẹ vẫy anh con trai Lê Viết Hùng, anh ruột của Dũng không hiểu sao từ sáng giờ cứ luẩn quẩn bên mẹ. Con phải đi với mẹ đến chỗ em con. Con gói ghém đồ đạc quần áo các thứ vào một bọc... Đến đấy rồi mẹ sẽ nói...

Tuy chưa biết tin gì nhưng Hùng giật thột chắc có sự gì rồi. Cậu út Bình khi đó mới 14 tuổi cũng nước mắt ngắn nước mắt dài chạy theo mẹ với anh.

Ba mẹ con bước thấp bước cao cuốc bộ xuyên từ mạn Bắc đến mạn Nam thành phố… Tới đơn vị của Lê Viết Dũng thì đã vàng mặt trời.

Đồng chí chính trị viên đại đội pháo 57mm từng gặp bà mẹ của pháo thủ Lê Viết Dũng ngày nọ khi thấy mấy mẹ con lếch thếch đột ngột xuất hiện đã lúng túng, ấp úng báo rằng Dũng đi công tác đột xuất hồi đêm... Thôi các anh đừng giấu mẹ, mẹ biết rồi...

Mẹ Loan như sụp hẳn xuống những ngôi mộ đất mới đắp hồi sáng còn nóng ẩm. Đau đớn quá! Cả khẩu đội của Dũng 7 người chỉ còn 1! Chúng rải bom bi xuống trận địa.

Nhưng chưa cần đồng đội của con xốc lên, mẹ Loan đã gượng dậy lại được... Mẹ vấn lại khăn rồi bình thản hỏi đồng chí chính trị viên cho tôi hỏi điều này... Đồng chí chính trị viên hồi hộp: Vâng xin mẹ cứ hỏi. Một lúc sau mẹ Loan mới khẽ nói: là thế này em nó hy sinh thế nào, có… có nhát không? Đồng chí chính trị viên lau nhanh nước mắt của mình, nghiêm trang hướng về phía ba mẹ con: Chúng con xin thưa với mẹ cùng anh với em đây, em Dũng hy sinh rất anh dũng ngay trên mâm pháo...

Ký ức về bà mẹ ngoại thành ảnh 3 PV Ảnh Mầu Hoàng Thiết (thứ 2 từ phải qua) 

Ngay sau đó, trước quyết định đột ngột bất ngờ của mẹ, cùng sự năn nỉ với cả những giọt nước mắt của mẹ và quyết tâm của anh con trai cả, cấp trên của trận địa pháo 57 mm đã đi đến một quyết định để anh Lê Viết Hùng ngay đêm đó ngồi vào ghế số 4 của khẩu đội.  Chiếc ghế sắt dường như còn ấm hơi người em.

Vị trí số 4 chuyên đón hướng bay. May mà dân quân tự vệ ngoại thành chúng tôi cũng đã từng nhiều lần làm quen với loại pháo này và ngay sau khi được đội mũ sắt, tôi được anh em rèn cặp huấn luyện cho nhiều...

Lê Viết Hùng tiếp chuyện chúng tôi với vẻ dè dặt, khiêm tốn. Sau thời gian bảo vệ phía Nam Hà Nội, anh đã cùng đơn vị pháo qua hàng trăm trận đánh lớn nhỏ ở các chiến trường. Trong một trận đánh ác liệt, anh bị thương khá nặng vào đầu. Vết thương thường xuyên hành hạ anh mỗi khi trái gió trở trời. Sau 1975, Lê Viết Hùng mới về nghỉ ở địa phương. Cậu em trai Nguyễn Thanh Bình năm ấy 14 tuổi lũn cũn theo mẹ và anh đến trận địa pháo ở Văn Điển, năm năm sau, năm 1972 đã lên đường nhập ngũ!

Sau ít năm thời điểm đó, người Tiền Phong cũ, mới đều mừng được tin cựu PV ảnh Báo Tiền Phong Mầu Hoàng Thiết được trao tặng Giải thưởng Nhà nước. Mừng cho anh đã kịp đưa sự kiện người mẹ anh hùng ngoại thành vào cuốn sách ảnh Chứng nhân một thời máu lửa.

Ở xa lại đúng cữ COVID-19 hoành hành, nhận được tin ông bạn Phạm Yên nhắn cựu PV ảnh Tiền Phong cao niên Mầu Hoàng Thiết đã mất!

Anh Hoàng Thiết ơi, bài viết này như nén hương muộn kính nhớ nhân sắp trăm ngày của Anh và cũng là dịp tờ báo anh từng mấy chục niên phụng sự  chuẩn bị đón ngày truyền thống 21/6!

MỚI - NÓNG