Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2021: Bộ GD&ĐT nói gì về phổ điểm "lạ" của môn Tiếng Anh và GDCD?

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh lần đầu tiên ghi nhận 2 đỉnh tích điểm. Điểm trung bình của mỗi đỉnh này đều cao hơn năm 2020 và đỉnh tích điểm thứ hai tiến dần đến mức điểm khá. Còn môn Giáo dục công dân thì lại có số điểm 10 tăng đột biến.

Môn tiếng Anh xuất hiện 2 đỉnh tích điểm trong cùng một phổ điểm

Mới đây, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT, đã giải thích về hai phổ điểm lạ: Môn tiếng Anh có 2 đỉnh và môn Giáo dục công dân thiên lệch hoàn toàn về bên phải.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã phân tích chi tiết phổ điểm môn tiếng Anh. Ông Trinh cho rằng, phổ điểm chung của cả nước đối với môn thi này xuất hiện 2 đỉnh và dường như là phép cộng của 2 phổ điểm chuẩn. Một phổ điểm ứng với vùng có số điểm thấp, một phổ điểm ứng với vùng có số điểm cao hơn.

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2021: Bộ GD&ĐT nói gì về phổ điểm "lạ" của môn Tiếng Anh và GDCD? ảnh 1

Phổ điểm môn tiếng Anh - kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1.

Bên cạnh đó, phổ điểm môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của cả nước khá đồng dạng với phổ điểm thi tiếng Anh của một số tỉnh, thành phố lớn vốn có sự khác biệt rõ về điều kiện dạy học, nhất là điều kiện dạy học môn ngoại ngữ giữa các quận, huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.

Để có cách nhìn toàn diện, chính xác với phổ điểm môn tiếng Anh, đại diện Bộ GD&ĐT đã phân tích phổ điểm của từng nhóm thí sinh ở các vùng miền khó khăn và vùng miền có điều kiện dạy học thuận lợi.

Đối với nhóm thí sinh thuộc vùng miền khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… đặc biệt 2 năm qua bị ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh phải học trực tuyến khiến việc học Ngoại ngữ bằng hình thức này có những thiệt thòi nhất định. Kết quả phân tích phổ điểm của nhóm thí sinh thuộc vùng miền này cho thấy điểm trung bình thấp hơn nhưng dạng phổ điểm gần với phân bố chuẩn.

Tương tự phân tích với nhóm thí sinh ở vùng có điều kiện thuận lợi hơn thì kết quả điểm trung bình tốt hơn, có nhiều điểm cao hơn và phổ điểm cũng gần với phân bố chuẩn.

Từ việc phân tích như vậy cho thấy rằng đề thi môn tiếng Anh năm nay đã phản ánh khách quan kết quả học tập của thí sinh, cũng như phản ánh trung thực điều kiện dạy học của các nhà trường là khác nhau, đặc biệt giữa các nhà trường ở vùng thuận lợi và vùng khó khăn.

Cùng quan điểm trên, PGS Nguyễn Phong Điền, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng cho rằng nguyên nhân khiến phổ điểm môn tiếng Anh có 2 đỉnh là do phân hóa về điều kiện dạy học, như cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, sự quan tâm đầu tư của phụ huynh và học sinh đối với môn học này.

Qua phân tích phổ điểm cho thấy, TP.HCM có điểm trung bình môn tiếng Anh cao nhất cả nước, với mức điểm 7,226. Như vậy, đây là năm thứ 4 liên tiếp TP.HCM là địa phương đứng đầu cả nước về điểm trung bình tiếng Anh. 2 địa phương đứng ở vị trí thứ 2 và 3 không thay đổi so 2 năm trước là Bình Dương (7,106 điểm) và Bà Rịa - Vũng Tàu (6,736 điểm). Hà Nội năm nay tụt 2 bậc so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 6 với 6,447 điểm. Hải Phòng vượt 2 bậc so với năm ngoái và đứng thứ 4, Nam Định giữ nguyên vị trí như năm ngoái (thứ 5).

Môn Giáo dục công dân có phổ điểm ngả về bên phải với "mưa" điểm 10

Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng trong nhiều năm qua, đổi mới giáo dục trong các nhà trường phổ thông đã được triển khai theo định hướng hình thành phẩm chất, năng lực học sinh; công tác giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật trong các nhà trường cũng được quan tâm và nâng cao.

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2021: Bộ GD&ĐT nói gì về phổ điểm "lạ" của môn Tiếng Anh và GDCD? ảnh 2

Phổ điểm môn Giáo dục Công dân - kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1.

Bên cạnh các chương trình giáo dục trong nhà trường, còn có các chương trình, dự án hỗ trợ nhà trường trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho học sinh.

Định hướng ra đề thi môn Giáo dục công dân những năm gần đây và năm 2021 không đặt nặng vào việc yêu cầu học sinh phải ghi nhớ máy móc hoặc học thuộc lòng, mà tăng cường các câu hỏi có tính chất vận dụng pháp luật, câu hỏi gắn liền với đạo đức lối sống, những gì diễn ra trong đời sống xã hội hằng ngày, thậm chí trong quan hệ bạn bè, thầy cô, gia đình.

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2021: Bộ GD&ĐT nói gì về phổ điểm "lạ" của môn Tiếng Anh và GDCD? ảnh 3

Một số câu hỏi gây ấn tượng trong đề thi môn Giáo dục công dân - kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1.

Chính vì vậy, bằng phương pháp vận dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống, nhiều học sinh đã giải quyết được vấn đề trong thực tế.

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2021: Bộ GD&ĐT nói gì về phổ điểm "lạ" của môn Tiếng Anh và GDCD? ảnh 7
Theo Thanh Niên, Tuổi Trẻ
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm