Tội ác
Vụ án Nguyễn Võ Quỳnh Trang hành hạ khiến bé gái 8 tuổi con người tình tử vong gây dậy sóng dư luận. Hôm thứ Sáu tuần qua (ngày 25/11), khi phiên tòa xét xử sơ thẩm diễn ra tại TPHCM, rất nhiều người dân đã đến để dõi theo, đồng thời bày tỏ thái độ của mình đối với hành vi tội ác.
Người thân của bé Vân An đem theo di ảnh của cháu đến tòa. Gương mặt bầu bĩnh, sáng rỡ và nụ cười nhẹ của bé khiến mọi người không khỏi nhói đau và tiếc nuối khi cuộc đời cháu phải kết thúc một cách đau đớn, tức tưởi ở tuổi lên 8.
Quỳnh Trang tại phiên tòa sơ thẩm, ngày 25/11/2022 |
Khi Quỳnh Trang từ chiếc xe thùng bước ra sân tòa trong bộ đồ màu đen tang tóc và thân hình tiều tụy, già sọm so với tuổi tác, cũng là lúc hình ảnh cô bé Quỳnh Trang trong trẻo ngày nào ùa về trong ký ức của tôi.
Bố mẹ Quỳnh Trang và tôi là bạn cùng lớp đại học. Dù ở cách xa nhau hàng trăm cây số, chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ suốt ba chục năm qua. Vì vậy, tôi có nhiều dịp tiếp xúc và chụp ảnh cho Quỳnh Trang khi cô còn bé. Mặc dù chưa từng được gặp cháu Vân An, nhưng tôi tin ở lứa tuổi lên 8, Vân An sau này cũng không khác Quỳnh Trang ngày ấy bởi sự hồn nhiên, đáng yêu và trong sáng.
Khi Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái (bố của bé Vân An) có quan hệ tình cảm, họ đã hai lần đưa bé Vân An về gia đình của Quỳnh Trang ở Gia Lai thăm chơi, đó là vào dịp Tết 2021 và mùa hè trước đó. Cả hai lần bé Vân An đều nhận được sự yêu thương của gia đình Quỳnh Trang. Hai bên đã tính đến chuyện tương lai lâu dài. Trong lúc mọi việc đang diễn tiến theo chiều hướng tích cực thì cuối năm đó xảy ra sự cố. Tất cả kết thúc, đổ vỡ trong sự bàng hoàng và tột cùng đau xót.
Cũng như nhiều đứa trẻ khác con bạn bè tôi, ngày ấy dù gia cảnh còn rất khó khăn, song Quỳnh Trang được sống trong vòng tay yêu thương của bố mẹ cùng người thân và được dạy dỗ trong gia đình có nền tảng học thức với mẹ là giáo viên, cha là cán bộ tòa án. Ngày còn bé, Quỳnh Trang đáng yêu, nhu mì, thậm chí có phần yếu đuối. Và đó là lý do tôi không thể lý giải được tại sao lại có một Quỳnh Trang sau này, như mọi người đã biết. Nó nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi và nhiều người quen biết.
Khi sự ích kỷ lấn át
Khi kết luận điều tra cũng như cáo trạng được công bố, tôi chú ý đến một chi tiết: Vì không được gia đình Thái đồng ý cho kết hôn, không được người tình cho sinh con, nên Trang trút sự ghen tức lên đầu bé Vân An, đánh cháu bất kể lúc nào.
Chi tiết này giúp tôi phần nào lý giải được nguyên cớ dẫn đến sự bốc đồng và những hành vi của Quỳnh Trang, nhưng tôi vẫn chưa thể hiểu tại sao có sự thay đổi 180 độ trong con người Quỳnh Trang, từ một cô bé thơ ngây, nhút nhát ngày nào đến một kẻ hành hạ trẻ con không biết ghê tay.
Hội đồng xét xử, Viện kiểm sát và luật sư nhiều lần hỏi về động cơ đánh cháu Vân An tàn nhẫn, nhưng Trang đều cho là "không lý giải được". Bị cáo nhận thức được hành vi của mình là quá tàn nhẫn và xin lỗi gia đình nạn nhân.
Cứ cho là Trang ích kỷ, muốn độc chiếm tình yêu nên đã mù quáng, nhưng còn Thái, tại sao vẫn tiếp tay, đồng lõa, thậm chí che giấu cho kẻ đã sát hại cốt nhục của mình? Trước tòa, Thái cho biết, có nhiều lần nhắc Trang không được đánh con nhưng vì "nhu nhược, không có động thái quyết liệt nên dẫn tới hậu quả đáng tiếc".
Nhưng đó chưa phải toàn bộ nguyên nhân dẫn đến hành vi của Thái. Nhiều bậc cha mẹ không ngần ngại can thiệp sâu vào chuyện con cái, ngay cả ngăn cản tình yêu của con mình và cha mẹ Thái là một ví dụ. Họ cho đó là thương con, nhưng thực chất đó là một sự ích kỷ. Do không được gia đình đồng ý mối quan hệ với Trang nên có thể Thái cho rằng con gái chính là “chướng ngại vật” đối với hạnh phúc mới của mình nên đã phản ứng bằng một cách tiêu cực, thờ ơ với tính mạng của con. Ngoài ra, dù sống chung như vợ chồng nhưng Thái lại không muốn có con với Trang, và đó là ích kỷ. Khi người phụ nữ bị chính người mình yêu thương từ chối quyền được làm mẹ, là nguyên nhân quan trọng dẫn đến thảm kịch.
Trong phòng xử án hôm ấy, có một người đàn ông nhỏ con, mặt phờ phạc, ngồi chết lặng phía dưới. Đó là Kh., cha của Quỳnh Trang và cũng là bạn tôi. Với gần 30 năm làm cán bộ tòa án, Kh. từng can dự vào rất nhiều phiên tòa, nhưng chưa bao giờ nghĩ mình phải ngồi ở vị trí này và chứng kiến cảnh này. Vì rất hiểu những việc con gái mình gây ra nên Kh. chỉ biết chấp nhận sự thật.
Cuối ngày, sau khi con gái bị tòa tuyên tử hình, Kh. về phòng khách sạn nằm vật vã, không thiết ăn uống. Đêm muộn, sau khi xong việc ở cơ quan, tôi đến nơi Kh. nghỉ để động viên bạn và đưa bạn đi ăn lót dạ. Trước mặt là bát cháo nóng thơm phức nhưng Kh. chỉ hững hờ húp mấy thìa rồi thôi, thân tâm rã rời tựa như chính mình bị tuyên án vậy.
Kh. kể chuyện với giọng rời rạc. Buổi trưa, khi tòa tạm nghỉ, hai cha con được gặp nhau khoảng 30 phút và đây là lần đầu tiên họ gặp nhau kể từ khi Trang bị bắt. Kh. chỉ biết động viên con gái cố gắng giữ gìn sức khỏe. Trang thú tội với cha mình, nhưng cũng không lý giải được vì sao mình lại có những hành vi tội ác như thế. Từ khi bị bắt, Trang ăn chay vì sám hối. Ở khu vực tòa không có món chay, người cha đã tìm mua vài chiếc bánh ngọt cho con dùng tạm bữa trưa.
Tôi hỏi Kh, dư luận cho rằng hành động đê hèn của Quỳnh Trang xuất phát từ sự ích kỷ, ông đánh giá thế nào về điều đó? Kh. trầm ngâm một lát rồi thở dài với cái lắc đầu vì không biết phải giải thích thế nào. Suốt cuộc nói chuyện, Kh. không bào chữa cho con gái và luôn bày tỏ sự ray rứt tột cùng bởi thấy có trách nhiệm người làm cha mẹ của mình trong đó.
Quỳnh Trang (bé gái đứng giữa) ở tuổi lên 10 và tác giả đứng ở rìa trái. Ảnh chụp mùng 3 Tết, tức ngày 11/2/2005, trước mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng trên núi Thiên Ấn, Quảng Ngãi (Ảnh tư liệu của tác giả). |
“Hạnh phúc” đắng cay
Hành vi dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của Trang và Thái là điều không có gì để biện minh và không thể biện minh. Trước tòa, Trang cũng đã thừa nhận những hành vi tàn nhẫn của mình "đáng phải nhận mức án tử hình" và chấp nhận mức án này. Mặc dù vậy, người nghe vẫn cảm thấy gờn gợn trước lập luận của cơ quan tố tụng: "Mặc dù trong quá trình điều tra bị cáo thành khẩn, nhưng xét thấy bị cáo không có khả năng cải tạo, cần phải loại bỏ ra ngoài xã hội".
Gợn, bởi nhận định mang nhiều cảm tính và có phần thiếu logic. Trang đã thành khẩn khai báo, hợp tác với cơ quan điều tra; hơn nữa Trang phạm tội lần đầu, chưa kể có nhân thân tốt, cơ sở nào để cơ quan công tố “nhận thấy bị cáo không có khả năng cải tạo”? Cho rằng Trang có “hành vi đê hèn”, song xuyên suốt phiên tòa, không ai khẳng định Trang có động cơ giết người ngay từ đầu. Có nghĩa rằng, hậu quả chết người là ngoài ý muốn và không có chủ đích. Những gì Trang và Thái gây ra là không thể khắc phục, song nếu không có cái nhìn thấu tỏ cùng lập luận xác đáng, tương thích với hành vi, hậu quả và động cơ…, sẽ khiến phán quyết của cơ quan thực thi công lý trở nên kém sức thuyết phục.
Dù thừa nhận tội lỗi và sẵn sàng đón nhận hình phạt ở mức cao nhất nhưng trong lúc tăm tối nhất của đời mình, Trang cũng không quên nhắc đến những khoảnh khắc yêu thương, hạnh phúc gia đình giữa Trang và cha con Thái. “Trong những ngày bị tạm giam, bị cáo rất sám hối... Xin tòa xem xét cho bị cáo con đường quay đầu...", Trang nói lời sau cùng.
Hạnh phúc từng hiện hữu, song sự mù quáng, ích kỷ của cả hai đã biến tình yêu, hạnh phúc của họ thành nấm mồ. Khi cánh cửa hạnh phúc đã đóng sập, rất khó có cơ hội để quay đầu.
Ích kỷ dẫn đến thảm kịch không chỉ là câu chuyện của Trang, của Thái hay một vài cá nhân nào đó, mà đang trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội, nhất là với những người trẻ vốn nhiều xốc nổi. Đó cũng là lời cảnh báo nghiêm khắc từ phiên tòa.