Kỹ sư mới ra trường: 100% phải đào tạo lại?

Theo các nhà tuyển dụng, rất nhiều kỹ sư khi ra trường phải đào tạo lại. Ảnh: Ngọc Châu
Theo các nhà tuyển dụng, rất nhiều kỹ sư khi ra trường phải đào tạo lại. Ảnh: Ngọc Châu
TP - Khảo sát tại một số công ty Nhật Bản đối với lao động Việt Nam cho thấy, 100% số kỹ sư mới tốt nghiệp được tuyển dụng đều phải trải qua đào tạo 1 đến 2 năm mới đáp ứng yêu cầu.

Nhiều hạn chế

Thông tin được nêu tại hội thảo mô hình dự báo nhu cầu đào tạo trình độ ĐH nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Việt Nam do Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 24/10.

Bà Lại Thị Thu Hường, phụ trách nhân sự Công ty TNHH YoKoWo Việt Nam (100% vốn đầu tư Nhật Bản) cho biết, nhóm nghiên cứu đã khảo sát 76 doanh nghiệp sản xuất nhằm thu thập ý kiến đánh giá về các chương trình đào tạo kỹ thuật và dạy nghề tại Việt Nam. Các doanh nghiệp được khảo sát thuộc các ngành điện/điện tử, ô tô/xe máy và các ngành cơ khí, đối tượng sở hữu gồm 48,7% là các doanh nghiệp Việt Nam, 31,6% là các doanh nghiệp Nhật Bản, 19,7% là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác. Kết quả, các doanh nghiệp khá hài lòng về việc tuân thủ nghiêm túc các quy định, các tiêu chuẩn vận hành trong sản xuất, sinh viên tốt nghiệp ra trường có khả năng thích nghi nhanh với các thiết bị mới.

Tuy nhiên, bà Hường cũng chỉ ra một số hạn chế của sinh viên tốt nghiệp như không tích cực trong việc sử dụng các kỹ thuật cơ bản; không có ý thức về việc giữ gìn nhà xưởng sạch sẽ; thiếu kiến thức cơ bản như đọc bản vẽ thiết kế chi tiết; cài đặt các điều kiện gia công sản phẩm; thiếu kỹ năng mềm trầm trọng như giao tiếp, soạn thảo văn bản.

Bà Hường lấy ví dụ có sinh viên tốt nghiệp ĐH không biết soạn thảo một công văn, gõ sai chính tả. Sinh viên làm việc nhóm, kỹ năng quản lý, thuyết trình, giải quyết vấn đề đều yếu. Không những thế, tư duy logic hạn hẹp dẫn đến làm việc thụ động, làm việc theo kiểu “chỉ đâu đánh đấy”. Việc sử dụng các công cụ hỗ trợ của sinh viên Việt Nam còn nhiều hạn chế vì tại các trường ĐH, những công cụ này có thể không còn phù hợp với thực tế đang sử dụng trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nơi trang thiết bị đều rất hiện đại.

 Mất kiến thức nền

Bà Lại Thị Thu Hường nhận xét, sinh viên Việt Nam ra trường rất thiếu tác phong làm việc công nghiệp, không chịu được phong cách làm việc chuẩn xác, trung thực và nghiêm khắc tuyệt đối của doanh nghiệp nước ngoài.

Thậm chí sinh viên tốt nghiệp khối kỹ thuật không nắm được kiến thức cơ bản đã được học trong nhà trường. “Đối với vị trí công nhân kỹ thuật, rất nhiều ứng viên trình độ ĐH không làm được những bài toán đơn giản do chúng tôi đưa ra như tính diện tích hình thang, tính cạnh của 1 tam giác vuông, vẽ mạch điện đơn giản” - bà Hường nêu ví dụ. Hay như với vị trí nhân viên kỹ thuật, bài kiểm tra yêu cầu kiến thức chuyên sâu và phức tạp hơn, liên quan đến tính toán sức bền vật liệu, lực tác dụng lên bề mặt vật liệu khi có tác động… nhưng số sinh viên đạt điểm theo yêu cầu không nhiều.

“Thông qua các bài tập tình huống, phỏng vấn trực tiếp chúng tôi nhận thấy bên cạnh ngoại ngữ, các kỹ năng mềm khác như sử dụng máy tính, thuyết trình, giải quyết vấn đề của sinh viên mới tốt nghiệp đều không tốt. Thậm chí khi trình bày một vấn đề bằng tiếng Việt cũng rất khó khăn hoặc lúng túng trong việc lý giải được câu hỏi của nhà tuyển dụng. Điều đó phản ánh thực trạng thiếu tự tin của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đây là rào cản cho họ khi tìm việc” - bà Hường phân tích.

Không những thế, một thực tế đáng buồn là sinh viên không tâm huyết với sản phẩm của mình là đồ án tốt nghiệp, đề tài đồ án không có tính thực tiễn

Bà Hường cho rằng để việc đào tạo khối ngành kỹ thuật không bị tụt hậu so với các nước thì cần tìm ra những phương thức hợp tác giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để tăng cơ hội đào tạo thực hành. Đồng thời, chú trọng đào tạo kỹ năng mềm ngay từ khi sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, nên có nhiều bài tập lớn, đồ án chuyên đề, tiểu luận liên quan trực tiếp sau mỗi môn học.

Theo nghiên cứu của PGS Phạm Văn Sơn và PGS Ngô Tứ Thành thuộc Viện Sư phạm kỹ thuật (Ðại học Bách khoa Hà Nội), năm 2020, nhu cầu kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp chiếm 36%, trong khi nhu cầu về kỹ năng kỹ thuật chỉ chiếm 12%, nhu cầu năng lực thể chất chỉ 4%. Mối đe dọa về việc làm của con người là ở tự động hóa, trí thông minh nhân tạo và số hóa.

Tuy nhiên, tự động hóa không thể thay thế con người trên phương diện ra quyết định và linh hoạt trong nhận thức. Vì vậy, nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số phải sở hữu những kỹ năng mà máy móc không thể thay thế như sự sáng tạo, trí tuệ cảm xúc và linh hoạt trong nhận thức.

Ðể nâng cao chất lượng đào tạo đối với nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ nói riêng và các ngành nói chung, TS Trần Sâm, Vụ Giáo dục ÐH, Bộ GD&DT cho rằng  việc tổ chức và quản lý học tập phải giúp người học phát triển năng lực của mình để áp dụng công nghệ mới, giúp người học phát triển kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo và khả năng thích nghi với những yêu cầu mới.

MỚI - NÓNG
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
TPO - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong 48 giờ qua, hầu hết các kho vũ khí chiến lược ở Syria đã bị tấn công. Hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng vũ khí của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập và khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.