Kỹ sư Hà Nội chỉ thêm điểm chưa phù hợp trong thiết kế cầu Trần Hưng Đạo

0:00 / 0:00
0:00
Kiến trúc vòm cầu tọa lạc ở địa hình đồng bằng như TP Hà Nội, sẽ không thích hợp, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên; kinh phí đầu tư thi công xây dựng sẽ gia tăng...

Đó là những điểm chưa phù hợp được kỹ sư Nguyễn Thành Lập (Hà Nội) đưa ra.

Trong tháng 3, Ban quản lý dự án (PMU) Giao thông Hà Nội, đã tổ chức triển lãm trưng bày các phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo trưng cầu ý kiến rộng rãi trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án tối ưu.

Trong triển lãm có ba phương án thiết kế số 7 (biểu tượng chỉ là những hàng cột thép treo hình chữ V), số 12 (biểu tượng Vô tận) và số 18 (biểu tượng Hào khí Đông Á - Hào khí Rồng thiêng) đã nhận được các giải nhất, nhì, ba - trước khi đem ra trưng bày. Đặc biệt là phương án số 12 được giải nhất với logo, biểu tượng “Vô tận”….

Về biểu tượng, tên gọi hoặc kiến trúc cách điệu là cần thiết, có từ lâu nay đối với các công trình xây dựng nói chung và công trình cầu nói riêng. Thí dụ mật thiết với Thăng Long, ở Hà Nội có “Ngự Long - Rồng hạ xuống hồ Tây”, cầu Thăng Long, đại lộ Thăng Long (Láng Hòa Lạc) và cầu Long Biên (được kiến trúc cách điệu một con Rồng khổng lồ).

Kỹ sư Hà Nội chỉ thêm điểm chưa phù hợp trong thiết kế cầu Trần Hưng Đạo ảnh 1

Thế nên tôi cho rằng, để không trùng lặp Thăng Long và Rồng; các chuyên gia tư vấn Nhật Bản đã thiết kế phương án số 12 (được giải nhất), với biểu tượng, kiến trúc cách điệu “Vô tận”… đối với cầu Trần Hưng Đạo.

Cụ thể thiết kế phương án này thì cầu Trần Hưng Đạo vĩnh cửu, với các dầm bê tông cốt thép dự ứng lực (hay còn gọi là bê tông cốt thép ứng suất trước) chịu lực. Và các trụ cầu bằng bê tông cốt thép là rất chuẩn rồi.

Những điểm chưa phù hợp

Tuy nhiên, các chuyên gia đã thiết kế thêm những dây văng, những vòm cầu nghiêng ngả, uốn lượn chụm các đỉnh vòm vào nhau để kiến trúc cách điệu, biểu tượng “Vô tận”…

Thiết kế như vậy, kinh phí đầu tư thi công xây dựng sẽ gia tăng, sẽ không phù hợp với tiêu chí kinh tế của dự án. Đấy là chưa kể kiến trúc vòm cầu tọa lạc ở địa hình đồng bằng như thành phố Hà Nội, sẽ không thích hợp, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên như ở các tỉnh khác, có địa hình đồi, núi.

Tôi cũng đồng quan điểm với các tác giả đã viết bình luận phương án thiết được giải nhất: Trông các đường nét rất phức tạp, “rối rắm”, vẽ rắn thêm chân. Và ẻo lả, yếu đuối vô cùng… không phù hợp với cầu Trần Hưng Đạo ở Hà Nội…

Do đó, tôi kiến nghị PMU Giao thông và lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội xem xét phương án thiết kế kiến trúc tối ưu cầu Trần Hưng Đạo - không nên chọn logo, biểu tượng “Vô tận”…mà nên chọn logo, biểu tượng: “Mặt Trời mọc trên sông Hồng”.

Bởi vì nói đến Hà Nội là phải nói đến Thăng Long, Đông Đô…mà Thăng Long chúng ta đã nói đến nhiều rồi. Bây giờ, tôi hy vọng được nhiều người chúng ta nói đến Đông Đô như một Kinh thành đằng Đông, có “Mặt Trời mọc trên sông Hồng”.

Còn chi tiết thiết kế logo, biểu tượng, hay kiến trúc cách điệu “Mặt Trời mọc trên sông Hồng” như thế nào, là tùy thuộc các chuyên gia tư vấn.

Song theo chủ quan tôi, cực kỳ đơn giản kiến trúc cách điệu Mặt Trời, chỉ là vòng tròn kiểu vành nón (không cần đặc) trong lan can, hay trên thành cầu Trần Hưng Đạo (phía ngoài lan can), nhưng sẽ có thể trường tồn tại thủ đô Hà Nội mến yêu...


Link gốc:

https://vietnamnet.vn/ky-su-ha-noi-chi-them-diem-chua-phu-hop-trong-thiet-ke-cau-tran-hung-dao-827673.html

Theo vietnamnet
MỚI - NÓNG