Kỷ niệm năm dự bị đại học ở Tashkent 1975-1976

Kỷ niệm năm dự bị đại học ở Tashkent 1975-1976
TPO - Mỗi khi tới ngày Cách mạng Tháng Mười Nga, anh em cựu sinh viên đã từng học tập ở Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô-viết (Liên Xô) hay ôn lại những kỷ niệm của một thời thanh niên sôi nổi.

Sau một năm học tiếng tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, chúng tôi lên đường đi Liên Xô bằng xe lửa liên vận quốc tế từ Việt Nam, qua Trung Quốc, chạy dọc hồ Baikan và dừng chân ở thành phố Irkusk thuộc vùng Siberi của Nga một tuần để khám sức khỏe rồi đi thẳng về Trung Á, đến Tashkent, thủ đô của nước Cộng hòa XHCN Xô-viết Uzbekistan, nay là Cộng hòa Uzbekistan.

Trước đó 9 năm, vào năm 1966, thủ đô Tashkent của Uzbekistan đã bị san phẳng bởi trận động đất mạnh 7,5 độ richter, khiến hàng trăm ngàn người mất nhà cửa, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo bị hủy hại. Khi chúng tôi tới đó học, Tashkent vẫn đang trong quá trình xây dựng lại, chưa có metro, chỉ mới có khu vực trung tâm thành phố với đại lộ mang tên nhà thơ lớn của Uzbekistan ở thế kỷ thứ XV Alisher Navoiy, quảng trường trung tâm, nơi có tòa nhà Chính phủ cao nhất là tương đối hoàn chỉnh.

Tashkent từng là một trung tâm phát triển văn hóa của khu vực Trung Á từ thời cổ đại, có vai trò quan trọng trên Con đường tơ lụa, huyết mạch giao thương Đông-Tây và ngày nay vẫn là một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa lớn của vùng Trung Á.

Uzbekistan là nước sản xuất và xuất khẩu bông hàng đầu thế giới. Chúng tôi còn nhớ mãi khẩu hiệu phấn đấu đạt sản lượng 1 triệu tấn bông ngày đó có ở khắp mọi nơi. Hàng năm, vào mùa thu hoạch bông, các sinh viên, giáo viên, bác sỹ, y tá và nhân viên công sở… đều được khuyến khích tham gia thu hoạch bông ở các nông trại trồng bông.

Ngày đó Uzbekistan còn nằm trong Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-Viết. Khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Uzbekistan trở thành quốc gia độc lập. Chúng tôi hoàn toàn không cảm nhận được sự cách biệt giữa các dân tộc cùng chung sống  ở đây. Tất cả đều hết mực thân thiện, quý mến và luôn sẵn lòng giúp đỡ các sinh viên Việt Nam. Đến bây giờ chúng tôi vẫn còn nhớ câu chào hỏi phổ biến của người Tashkent là assalomu aleykum.

Cho đến khi lên tàu đi từ Irkutsk về Tashkent,  hơn 40 anh chị em chúng tôi còn chưa biết hết nhau mặc dù đã học tập cả năm ở Khoa Lưu học sinh, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, nhưng ở các lớp khác nhau.

Vừa mới tới nơi, chúng tôi đã được các anh chị năm trên từ nhiều trường như Tổng hợp, Bách khoa, Y khoa, Nông nghiệp đến thăm hỏi, giúp đỡ. Cũng có thể các anh năm trên từ khu đại học Vuzgorodok muốn đến “coi mặt” các bạn nữ mới sang để kết bạn vì người mình bên đó “hiếm”mà. Những phút bỡ ngỡ ban đầu ở nơi đất khách quê người nhanh chóng trôi qua. Trong suốt cả năm học dự bị, các anh chị năm trên luôn tận tình giúp đỡ chúng tôi, dạy chúng tôi chụp ảnh, tráng phim, phóng rửa ảnh, tự may quần áo, tự cắt tóc,... hay rủ đi dã ngoại, chơi thể thao.     

Khoa dự bị của Đại học Tổng hợp Tashkent nằm biệt lập với khu trường chính ở ngay trung tâm thành phố, trên đường Bogdan Khmennitsky, trong một tòa nhà cổ kính, có sân vườn rộng. Tới nơi đã là cuối hè, đầu thu, chúng tôi được nhà trường đưa đi mua sắm quần áo ấm ở Cửa hàng Bách hóa tổng hợp. Đồ dùng học tập được nhà trường cấp miễn phí. Học bổng 70 rúp một tháng được dùng cho ăn uống, sinh hoạt.

Chúng tôi ở tầng 3 và 4, học ở tầng 1 và 2 trong cùng một tòa nhà. Chúng tôi nấu ăn chung theo từng nhóm. Tắm chung ở tầng hầm. Tất nhiên là có khu vực riêng cho nam và nữ. Ngoài sinh viên Việt Nam còn có nhiều sinh viên đến từ châu Phi, châu Á, Đông Âu. Hồi đó, kỷ luật trong lưu học sinh rất nghiêm. Ngày đó, năm 1975, chúng tôi còn bị cấm không được xem phim Mỹ, nhảy đầm hay yêu đương. Tất cả phải tập trung cho học tập với khẩu hiệu là lời dạy của Lê-nin “Học, học nữa, học mãi”.

Chúng tôi là một tổ chức có đơn vị trưởng lãnh đạo, có chi đoàn, cấp ủy. Khi đó anh Hoàn làm đơn vị trưởng của chúng tôi. Tuy nhiên, ở gần trường có một công viên văn hóa, có bãi nhảy đầm, và rồi chúng tôi cũng mon men ra đó xem người ta nhảy đầm vào cuối tuần hay dịp lễ hội.

Cô giáo chủ nhiệm lớp tôi tên là Elena, người Ucraina, có chồng là sỹ quan Hồng quân đang phục vụ ở Trung Á. Được thầy cô rất nhiệt tình dạy dỗ cộng với thường xuyên được giao tiếp với người dân địa phương nên tiếng Nga của chúng tôi tốt lên nhanh chóng. Ngoài tiếng Nga, chúng tôi còn học thêm các môn tự nhiên cũng bằng tiếng Nga, để tiếp cận dần các từ ngữ, thuật ngữ khoa học chuyên ngành, phục vụ cho việc nghe giảng ở các trường đại học sau này.

Thời tiết ở Tashkent là thời tiết sa mạc, lạnh vào mùa đông và rất khô, nóng vào mùa hè, có khi nóng tới 40 độ. Ngay trong một mùa, nhiệt độ giữa ngày và đêm cũng chênh lệch hàng chục độ. Mùa đông năm đó, chúng tôi được trường cho đi nghỉ đông ở làng Kumushkan, cách không xa Tashkent. Mùa tuyết rơi đầu tiên thật là ấn tượng. Tất cả lao ra sân nghịch tuyết, vo tuyết lại và ném vào nhau. Mùa hè, chúng tôi thường đi chơi ở hồ thủy lợi Tuyabugus, thường gọi là Tashmore, cách thành phố Tashkent khoảng 30 km về phía Nam.

Chợ Kuiluk cũng là nơi lũ sinh viên chúng tôi thường lui tới mua rau thịt tươi. Chợ này có đông người Triều Tiên bán hàng nên có cả món thịt chó nấu theo kiểu Triều Tiên, chủ yếu là thịt hầm. Những món ăn địa phương mà chúng tôi thích là mỳ Lakhman, gạo nấu Plov và thịt cừu nướng kiểu Uzbek.

Mùa hè, chúng tôi tham gia các đội xây dựng của sinh viên gọi là stroyotriad. Các hoạt động văn nghệ, thể thao của sinh viên tất nhiên là rất sôi nổi. Ngày đó, chúng tôi chung tiền mua máy quay đĩa loại sách tay, rồi mua các đĩa nhạc của Beatles, Humperdinck,… của Anh hay Samosvetu, Pesnjaru, Sinnaya Ptitsa,… của Nga về nghe.

Cho tới tận bây giờ, anh chị em chúng tôi vẫn hay gặp nhau. Rất nhiều các anh chị cùng học thời đó sau này giữ nhiều trọng trách trong bộ máy nhà nước, hệ thống tư pháp, truyền thông. Anh Lương Phan Cừ, cựu sinh viên luật Đại học Tổng hợp Tashkent, sau nhiều khóa làm đại biểu Quốc hội, nay là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Uzbekistan. Các anh Đặng Quang Phương, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, giáo sư Nguyễn Đăng Dung, Đại học Quốc gia Hà Nội, anh Lê Hưng Quốc, nguyên Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hồ Chí Minh, anh Lê Thạch Hùng…, cựu sinh viên Tashkent, vẫn thường tụ tập nhóm cựu sinh viên chúng tôi sinh hoạt.

Sau năm học dự bị đại học, chúng tôi lại tỏa đi khắp các trường khác nhau, học các ngành nghề khác nhau ở các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô-viết. Đã 42 năm trôi qua nhưng chúng tôi vẫn luôn nhớ mãi những kỷ niệm đầu tiên về Liên Xô trong năm đầu học tập ở Tashkent, Uzbekistan.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.