Kỳ nhân phá Tam Giang

Ông tìm đúng vị trí chiếc đò nhà mình đang lọt thỏm giữa nhiều loại ghe thuyền mà không cần ai chỉ vẽ Ảnh: Ngọc Văn
Ông tìm đúng vị trí chiếc đò nhà mình đang lọt thỏm giữa nhiều loại ghe thuyền mà không cần ai chỉ vẽ Ảnh: Ngọc Văn
TP - Cả đời sống trong bóng tối, nhưng có nhiều công việc sông nước trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, từ thời chiến cho đến thời bình, ngay cả người sáng mắt cũng ít ai bì kịp ông. Đó là ngư dân mù Nguyễn Dê, 64 tuổi, trú xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh TT- Huế. Người trong vùng quen gọi ông là “kỳ nhân” Tam Giang.
Ông tìm đúng vị trí chiếc đò nhà mình đang lọt thỏm giữa nhiều loại ghe thuyền mà không cần ai chỉ vẽ Ảnh: Ngọc Văn
Ông tìm đúng vị trí chiếc đò nhà mình đang lọt thỏm giữa nhiều loại ghe thuyền mà không cần ai chỉ vẽ. Ảnh: Ngọc Văn.

Ghé trụ sở UBND xã Vinh Hưng hỏi đường, anh cán bộ văn phòng không cần nghĩ ngợi: “Nhà bác Dê ở cuối làng Trung Hưng. Cứ vừa đi vừa hỏi, dân xã này ai mà không biết bác ấy. Nói về nghề sông nước quê tôi, bác còn thạo hơn cả nhiều người sáng mắt”.

Ông Dê sang nhà hàng xóm có việc từ sáng sớm, chỉ bà Dưỡng vợ ông ở nhà. Bọn trẻ đùa chơi trước sân nhanh nhảu đi gọi ông về. Tưởng ông phải dùng đến chiếc gậy dò đường, hay nhờ người thân dắt về nhà. Ai dè, chưa kịp nhấp xong tách trà, đã thấy ông từ chỗ hàng xóm xa hơn 200m thẳng bước về đến bậu cửa. Con đường đất trước nhà lỗ chỗ ổ gà.

Thấy chúng tôi trân mắt nhìn ra, anh Nguyễn Thành bên hàng xóm sang chơi, nói: “Cả vùng sông nước Tam Giang - Cầu Hai mênh mông như rứa mà bác Dê còn chưa đi nhầm đường, huống chi trong cái xóm vạn chài nhỏ bé ni”. Ông Dê tự tay kéo thêm ghế, châm lại ấm trà nóng, lấy chiếc gạt tàn và gói thuốc lá bật lửa mời khách.

Hằng ngày ông vẫn thả lừ, buông lưới bắt cá kiếm sống trên phá Ảnh: Ngọc Văn
Hằng ngày ông vẫn thả lừ, buông lưới bắt cá kiếm sống trên phá.
Ảnh: Ngọc Văn.

Ông Dê bị mù không do bẩm sinh. Theo ký ức đã nhạt nhoà qua hơn 55 năm, vào một sáng tỉnh giấc, đôi mắt cậu bé Dê mới lên 8 tuổi bỗng tối tăm, mọi thứ ánh sáng xung quanh vụt tắt. Ông vĩnh viễn trở thành người mù từ đó do di chứng bệnh đậu mùa. Người mù như ông, sống trên cạn để tìm kiếm miếng cơm qua ngày đã khó, huống hồ, nơi ông ở là bốn bề sông nước. Từ một người bình thường, ông phải tự dò dẫm học cách sống của người khiếm thị.

“Nói thì nghe đơn giản rứa, chứ ban đầu cứ đi đến mô là va đổ đồ đạc trong nhà đến đó. Té ngã rách da, u đầu, trẹo tay là chuyện thường. Tui không nản. Cứ dùng tai nghe, bàn tay, bước chân đo chừng khoảng cách để đi và nhận biết xung quanh. Lên 10 tuổi, tui xin ba mẹ theo đò ra phá đánh cá. Năm này qua tháng khác, cứ thử làm nhiều việc, rồi dần dà cái chi cũng thuần thục”, ông Dê kể.

Tuổi trẻ của ông trải qua chiến tranh khốc liệt. Nhà ông ban đầu ở xã Vinh Giang, huyện Phú Lộc. Ông bất chấp tật nguyền và đạn bom để góp sức tiếp tế quân lương cho cách mạng. Chuyện ông đi tiếp tế hồi xưa, giờ cả xóm chài đều biết. Cả xóm lúc đó chỉ có bố mẹ ông sắm được đò lớn, cán bộ cách mạng bí mật liên lạc vận động dùng con đò này tham gia vận chuyển quân lương.

“Hồi đó, cứ đêm xuống, ông Dê cùng 3 người em ruột là Nguyễn Điền, Nguyễn Sỹ, Nguyễn Thị Gái ra nơi tập kết lương thực của du kích để chuyển quân lương vượt phá về căn cứ cách mạng ở xã Lộc Bình cách nơi anh em ông sinh sống hàng chục cây số. Nhờ mù mắt, ông dọc ngang cùng người nhà tiếp tế lương thực trong thời gian dài mà không bị nghi ngờ. Sau ni sợ lộ, cả nhà phải chuyển về Vinh Hưng”, bà Dưỡng, vợ ông nhớ lại.

Bà Dưỡng là em ruột của một cán bộ cách mạng. Cảm mến lòng dũng cảm và tài sông nước của ông Dê mà bà đã cùng ông nên vợ thành chồng. Cuối năm 1971, đang tiếp tế quân lương, đò của anh em ông Dê bị giặc pháo kích, 3 người em hy sinh, ông may mắn thoát chết nhưng bị bắt, bị tra khảo tàn ác. Biết những đứa em đã anh dũng ngã xuống, ông càng gan lì không hé răng nửa lời về cơ sở cách mạng. Sau mấy ngày tra tấn, giặc không khai thác được gì nên phải thả ông...

Tự tay quay máy nổ để chạy đò ra phá đánh cá Ảnh: Ngọc Văn
Tự tay quay máy nổ để chạy đò ra phá đánh cá. Ảnh: Ngọc Văn.

Ngồi ôn chán chuyện xưa, ông Dê rủ chúng tôi ra thăm hồ nuôi tôm do hai vợ chồng tự tay tạo lập giữa đầm nước Tam Giang mênh mông. Thay vội chiếc áo đi làm, ông phăm phăm thẳng tiến ra chỗ neo đò mà không cần ai dẫn đường.

Cũng không cần ai chỉ vẽ, ông tìm đúng vị trí chiếc đò nhà đang lọt thỏm giữa nhiều loại ghe thuyền của ngư dân trong vùng. Đứng xa nhìn loạt thao tác ông bước lên đò, sắp lại ngư cụ, tháo dây neo, chống đò ra xa và quay máy nổ... không ai nghĩ đây là người mù. Máy đò bỗng giở chứng, ông gò lưng quay mấy vòng liền không nổ. Ngồi xổm xuống sàn đò, ông vớ nhanh chiếc cờ-lê rồi thoăn thoắt tháo ốc vít xả bầu lọc khí, chỉnh lại kim bơm dầu, thuần thục như một thợ máy diesel lành nghề.

Anh Huỳnh Tỳ ở đò kế bên kể: “Tuy bị mù và không qua trường lớp sửa máy nổ, nhưng bác Dê không bao giờ chịu bó tay mỗi khi đò giở chứng. Rất nhiều lần, bà con trong vùng nhờ bác sửa giúp máy đò bị hỏng. Bác Dê bị hỏng mắt, nhưng đôi tay và đầu óc sáng lắm”.

Chiếc đò máy của ông Dê rùng rùng chuyển động sau 4 phút chỉnh sửa. Chúng tôi thẳng tiến ra phá. Tranh thủ trên đường đi, ông Dê thả vội mấy cheo lờ và đặt thử vài tấm lưới mới do tự tay ông đan hai ngày trước, để kiếm thêm con cá. Đang mải mê ghi hình các ngư dân đánh cá, chùm chìa khóa trong túi áo của anh bạn đồng nghiệp rơi tõm xuống đáy nước sâu.

Chưa hết bối rối vì không biết chiều nay lấy đâu ra chìa khóa mở xe trở về thành phố, chúng tôi nghe ùm một tiếng ở sau lưng, nước đầm bắn lên tung tóe. Trên đò chỉ còn vợ ông Dê và hai ngư dân cùng xóm. Họ im lặng. Hơn một phút trôi qua. Bỗng từ dưới đáy nước, ông Dê trồi lên, tay lắc lắc chùm chìa khóa. Lúc này, các ngư dân đi trên đò cười òa.

Anh Nguyễn Thành đi cùng đò, nói, ông Dê là một trong những ngư dân bơi lặn giỏi nhất vùng, đặc biệt là lặn hến. Một ngày ông có thể lặn được gần nửa tạ hàu, hến, ốc ở giữa phá. Hễ trong làng có ai đánh rơi chìa khóa, đồng hồ, vòng đeo tay, điện thoại, nhẫn, hay bất cứ thứ gì xuống giữa phá, họ đều nhờ ông lặn tìm. Bao nhiêu năm ở xóm chài, ông chưa bao giờ vào nhầm bất kỳ nhà ai. Từ nhà ra chợ mua đồ hay đi việc làng, ông thẳng bước như người sáng mắt mà không cần đến công cụ hỗ trợ.

Hai năm lại đây, khi xây xong nhà kiên cố, có đò máy và sắm được nhiều thứ ngư cụ cần thiết, vợ chồng ông Dê dồn sức làm hồ nuôi tôm. Những gì ông lão mù tạo dựng được đang khiến nhiều người sáng mắt ở vùng quê sông nước Tam Giang phải ao ước. Bảy mặt con của vợ chồng ông Dê giờ cũng đã lớn khôn, cưới vợ lấy chồng. “Chừng mô, đôi vợ chồng già bọn tui còn đủ hơi đủ sức theo đuôi con tôm, con cá để tự nuôi sống thân mình, chừng đó, tụi tui vẫn không muốn phiền lụy đến con, đến cháu”, ông Dê nói.

Ông Dê có tài lặn canh tiếng động luồng cá đi ăn để đặt lừ, giăng lưới. Bà Dưỡng kể: “Cứ mỗi lần hồ nuôi gần thu hoạch, ông lại lặn xuống kiểm tra tôm và đoán sản lượng để báo trước cho người mua. Ông nhà tui ít khi dự đoán sai lắm”. Bà Dưỡng cho biết, nhờ rành rẽ từng ngõ ngách trên phá Tam Giang như là ở nhà mình, mỗi mùa lụt bão lớn, ông Dê đã cứu giúp nhiều người thoát chết giữa biển nước, trong đó có cả bà. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG