Kỳ nhân làng vật Yên Thế hạ

Kỳ nhân làng vật Yên Thế hạ
TP - Từ lúc ở tuổi mẫu giáo, đến nay đã lên “lão ngang” (người trên 50 tuổi) nhưng đô vật Dương Văn Sản ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang không bao giờ ngưng niềm đam mê vật.

Ông đã trở thành người thầy của hàng trăm VĐV môn vật và chưa hề thu một đồng học phí nào. Nói về vật, ông có thể ngồi với tôi cả ngày không chán và khi đang nói cũng có thể xốc tới, quật tôi xuống sàn để diễn  một miếng vật nào đó!

Kỳ nhân làng vật Yên Thế hạ ảnh 1
Ông Sản huấn luyện học trò trường THCS Song Vân

Ra đường là nhìn… “khoang khoáy”

Có người thích ngắm phụ nữ đẹp, có người thích nhìn xe ô tô để đánh giá, bình phẩm, xuýt xoa…nhưng ông Sản từ hàng chục năm trước khi còn trẻ tuổi chỉ chăm chăm nhìn “khoang khoáy” xem anh chàng này, cô nàng này có thể trở thành…đô vật được không!

Và không chỉ nhìn “khoang khoáy” của người ta khi ra đường ngẫu nhiên, ông Sản còn lóc cóc chủ động đi tìm người khắp nơi để lôi về, dụ về sới vật. Cũng từ chuyện ưa nhìn “khoang khoáy” để tìm tố chất của VĐV vật, ông đã túm được anh chàng Lê Thanh Luyện khi anh này đánh nhau bị bắt vào CA xã để làm kiểm điểm.

Nhìn thấy Luyện, ông Sản đã kết lắm rồi liền bảo: “Sao mày dại thế, đánh nhau làm gì để CA xã bắt! Đi theo tớ hay hơn nhiều!” Ít lâu sau, Lê Thanh Luyện đã trở thành đô vật có tiếng của tỉnh rồi trở thành thành viên của Đội tuyển Vật Quốc gia đạt danh hiệu Kiện tướng cấp Quốc gia!

Một trường hợp khác, đó là khi ông Sản nghía thấy anh chàng đẩy xe nứa lên dốc. Xe nứa này đầy đến mức khi nó bị hỏng, anh chàng này phải san sang hai xe khác và một mình đẩy lên dốc. Nhìn từ phía sau, cặp đùi săn chắc, thân hình cân đối vạm vỡ ông Sản thấy hay quá liền dụ về sới. Mấy năm sau, anh chàng đẩy xe nứa hôm nào cũng đã được ông huấn luyện trở thành Kiện tướng môn vật.

Đi ăn trưa, thấy một thanh niên có dáng vẻ hộ pháp, ông Sản bảo tôi rằng anh này đô con nhưng trán lép, không được lắm! Tôi phì cười vì cái sự ưa xem “khoang khoáy” của ông nên bảo: “Người ta làm thương nhân, sao anh lại cứ bắt đi vật?” Ông Sản ngoác miệng cười : “ Thì cứ nói thế, chứ đã bắt họ đi vật ngay đâu!”.

Kỳ nhân làng vật Yên Thế hạ ảnh 2
Đô Sản (người ngoài cùng bên phải) thời còn trẻ   Ảnh: Đỗ Sơn

“Bê” sới vật về nhà!

Trong khu nhà của ông Dương Văn Sản tại xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên (xưa gọi là vùng Yên Thế hạ), tỉnh Bắc Giang có một sới vật.  Ông Sản kể: “Từ lúc tôi còn nhỏ lắm, đi học mẫu giáo gì đó đã mê vật nhau lắm rồi!

Trẻ con hồi đó, nếu muốn được vật nhau phải được sự đồng ý, sắp đôi của người lớn. Tôi mồ côi cha, không có người bảo hộ, nên cứ đứng sấn trước mặt để xếp hàng đầu, mong ai đó cho vật. Thắng hay thua đều đau đáu đến mất ăn mất ngủ. Khổ thế đấy!”. Nói khổ nhưng ông lại cười ha hả.

Chuyện về vật, ông xả cả ngày không chán và khi đang nói có thể xốc tới, quật tôi xuống sàn để diễn một miếng vật nào đó! Tôi không phải là người ham thích môn vật cho lắm nhưng khi ngồi với ông - một người rừng rực cháy bỏng niềm đam mê vật thì tôi bỗng cảm thấy một dòng khí nóng chạy khắp trong cơ thể và… muốn vào sới!

Tại sới vật này và hàng chục câu lạc bộ ở khắp huyện, ông đã trở thành người thầy của hàng trăm VĐV môn vật và chưa hề thu một đồng học phí nào. Trong số rất nhiều học trò của ông, đã có tới hàng chục VĐV cấp Kiện tướng, 8 VĐV cấp I và nhiều đô vật nặng ký lừng danh trong huyện ngoài tỉnh.

Chồng đam mê vật quên cả việc nhà nhưng vợ ông không phàn nàn gì, nhiều khi còn phải mất công phục vụ thầy trò cơm nước để vật nhau uỳnh uỵch suốt ngày. Nhìn sới vật của ông, tôi đoán chắc ông đã phải dẹp bỏ chuồng trâu và bếp để có đủ đất đổ trấu, trải bạt làm sới.

Niềm đam mê của ông cũng đã truyền sang, ngấm vào những người trong gia đình. Cả vợ lẫn con ông đều hiểu và trân trọng niềm đam mê đó. Con gái ông là Dương Thị Cúc không hiểu sao cũng có máu giống bố, ham môn vật. Được bố trực tiếp huấn luyện, đến năm 2007, cô  gái chân yếu tay mềm trở thành Kiện tướng môn vật. Hiện, Dương Thị Cúc đang là VĐV của đội tuyển Hà Nội.

Đưa vật vào trường học

Một người bạn của tôi đang công tác tại Sở TDTT cũng rất mê vật nói rằng “khi các môn thể thao khác đang dần chiếm ưu thế thì “kiếm” được những người đam mê như ông Sản chẳng dễ chút nào!

Vật cũng như nhiều môn thể thao khác, có sức hấp dẫn riêng, đặc biệt là vật dân tộc! Nhìn người ta xe đài, có thể biết đô vật đó đến từ vùng đất nào, ví như đô vật đến từ Hà Tây động tác xe đài sẽ là những hành động như thể se tơ dệt vải; với đô vật miền biển, động tác sẽ giống như quăng chài, kéo lưới, chèo thuyền; với vùng Kinh Bắc xưa, động tác sẽ giống như đại bàng tung cánh, sư tử vờn cầu hay hiền hòa uốn lượn như “dòng sông Cầu nước chảy lơ thơ, sông Thương nước chảy đôi dòng…

Ngoài xe đài, trong vật dân tộc còn có những thủ tục hàm chứa đầy ý nghĩa tâm linh như “keo vật thờ”, “tiếng trống chầu”. Qua đó người ta cảm nhận được hồn dân tộc, hồn quê hương và cốt cách của những người nông dân Việt Nam”.

Chứng kiến cảnh đất vật Hiệp Hòa “đánh trống là thành hội”, ông Sản thèm lắm. Lóc cóc đi tìm người có “khoang khoáy” để đưa vào sới vật rất mất thời gian và lại ở tình trạng “may hơn khôn” nên ông Sản trằn trọc nhiều đêm.

Suy đi tính lại nát nước nát cái, ông Sản thấy rằng muốn chọn được những đô vật thượng hạng phải làm sao đó để có nhiều người tham gia môn này cái đã. Từ suy nghĩ ấy ông đã mở sới vật ở nhà, thành lập các câu lạc bộ trong huyện và đáng nói hơn cả là ông bàn với lãnh đạo Trung tâm Thể thao - Văn hóa huyện phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo đưa môn vật vào trong trường học phổ thông.

Hơn hai năm qua, lần lượt các trường THCS như Song Vân, Lam Cốt, Ngọc Châu, Hợp Đức, Cao Xá… đều đưa môn vật vào trường học và coi đó như một môn học ngoại khóa, một sân chơi đậm chất truyền thống cho các em học sinh rèn luyện, thư giãn.

Có lẽ đây là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước đưa môn vật vào trường học và đã cho kết quả khả quan.

Thầy Nguyễn Anh Đào- Hiệu trưởng trường THCS xã Song Vân, huyện Tân Yên cho biết: “Các em đóng góp mỗi người một bao trấu để lập sới. Hiện tại sới vật của trường có hơn 40 học sinh tham gia. Tôi cho rằng việc đưa môn vật vào nhà trường là hợp lý.

Các em có điều kiện để rèn luyện sức khỏe và thư giãn sau những giờ học căng thẳng”. Hơn cả những gì thầy Nguyễn Anh Đào nói, sới vật trong trường có sức hấp dẫn đặc biệt đến mức có những học sinh đã xin chuyển từ trường khác về để được là thành viên sới vật.

Khi thấy các bạn tập luyện, nhiều học sinh khác cũng nộp đơn xin vào và đến khi lớp vật đã hơn 40 người thầy giáo dạy môn Thể dục của trường đã phải tuýt còi, không dám nhận thêm vì sợ quá tải!

Tìm hiểu, tôi được biết thầy giáo dạy Thể dục ấy là Tạ Xuân Phúc cũng chính là học trò của ông Sản đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Bắc Giang, Khoa Sinh thể. Ngoài giờ dạy chính khóa, thầy Phúc cũng giống như thầy Sản của mình, dành hầu hết thời gian nghỉ để dạy vật miễn phí cho học trò.

Bây giờ, trong nhiều ngôi trường ở huyện Tân Yên môn vật đã trở nên gần gũi, thân thiết với hàng ngàn học sinh. Với ông Sản, người có niềm đam mê cháy bỏng môn vật thì việc có nhiều học sinh vào sới sẽ cho ông cơ hội nhiều hơn so với việc lóc cóc ra đường để nhìn “khoang khoáy”, dụ người ta về sới để được huấn luyện.

Như thế, nỗi lo canh cánh về sự mai một của môn thể thao truyền thống sẽ không còn đè nặng trong lòng.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.