Kỳ nhân Ðặng Ðình Hưng

TP - Tối 20/1 tại Viện Pháp ở Hà Nội diễn ra sự kiện “Ðặng Ðình Hưng- một bến lạ” giới thiệu cuốn sách của ông do NXB Hội Nhà văn ấn hành (gồm 6 tác phẩm thơ và trên 20 tác phẩm hội họa cùng những bài bình luận về thơ và người Ðặng Ðình Hưng). Xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha về hiện tượng Ðặng Ðình Hưng.
Kỳ nhân Ðặng Ðình Hưng ảnh 1

Bìa cuốn sách của Ðặng Ðình Hưng vừa ra mắt trang trọng

Đặng Đình Hưng là một kỳ nhân. Ngày thơ ấu, nhờ bộ đội tiếp quản Hải Phòng ngày 13/5/1955 dạy hát, tôi đã thuộc lòng giai điệu: “Rừng chập chùng non cao - Ấm êm quê hương ta - Đồng ruộng đầy hai mùa lúa chín thơm phơi ngoài ánh sáng vàng - Rừng núi ơi thắm lòng thiết tha - Đồng lúa đây chính của chúng ta. Là mồ hôi tay ta chốn đây bao năm trời đồng ruộng này…”. Anh tôi bảo đấy là ca khúc Mừng chiến thắng Tây Bắc của Đặng Đình Hưng (lời Đào Vũ - Thái Ly). Ca khúc như một bản Rondo có thể hát đi hát lại và nhảy vòng tròn không dứt. Anh còn nói bâng quơ với các chị tôi: “Khổ! Người tài vậy mà bị dính Nhân văn Giai phẩm, chả biết bao giờ mới ngóc đầu lên được”.

Khi tôi gặp Đặng Đình Hưng và làm quen với ông ở quán rượu Giảng Võ, ông đã “ngóc đầu lên” được hai năm. Đấy là mùa thu 1980 khi Đặng Thái Sơn- con trai ông với nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Liên- đoạt giải Nhất cuộc thi Chopin về dương cầm với tư cách nghệ sĩ châu Á đầu tiên.

Nhờ sự quan tâm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đặng Đình Hưng được cấp một căn nhà ở khu tập thể Giảng Võ. Cái buồng ấy ở tầng hai, đầu tòa nhà, trên đầu cửa hàng miễn thuế Intershop. Vừa ngồi uống rượu với tôi, ông vừa nói và chỉ tay ra cửa. Đặng Đình Hưng có tướng mạo một quan võ hơn quan văn. Phía trước gương mặt chữ điền của ông, có cảm giác như bảng lảng khói sương của một hồi ức mờ ảo và nghèn nghẹn xót xa.

Làng Thụy Hương thuộc huyện Chương Mỹ - Hà Đông nơi ông thường đạp cái xe đạp mini về để mang lên Hà Nội những bong bóng đựng rượu “cuốc lủi”, vừa bán vừa đãi bạn bè, là nơi ông sinh ra ngày 9/3/1924. Bây giờ cũng là nơi ông yên nghỉ tại nghĩa trang làng, dưới một rặng duối già.

Là con nhà danh gia vọng tộc, ông và em trai- Đặng Đình Áng được ra Hà Nội học trường Bưởi. Năm 1942 tốt nghiệp trường Bưởi, ông vào học trường Luật Đông Dương, chưa tốt nghiệp thì Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Kháng chiến chống Pháp, ông theo Việt Minh lên Vĩnh Yên làm tuyên truyền. Ông Đặng Đình Áng ở lại học toán, sau đi học ở Mỹ để trở thành tiến sĩ Toán dạy ở Sài Gòn. Hai anh em đều mê nhạc. Ông Hưng thì làm tới Đoàn trưởng kiêm chính trị viên Đoàn văn công Nhân dân Trung ương. Chính ở đấy, ông đã gặp nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Liên du học Tiệp Khắc trở về. Bà Liên vốn là vợ nhà cách mạng quá cố Trần Ngọc Danh. Lúc ấy, ông Hưng đã có vợ. Nhưng tình yêu khiến hai người tìm đến nhau bất chấp dư luận. Còn ông Áng, dạy toán nhưng thổi sáo flute rất hay.

Ông Hưng có tính uống rượu, thường đậy chén rượu bằng miếng bìa carton nhỏ. Ông bảo để rượu không bị bay hơi. Quán rượu Giảng Võ mà tôi và ông hay uống ở gần chợ Giảng Võ. Thời bao cấp đói kém, ông Hưng hay viết về cảm giác đó bằng những câu thơ “thèm quá, thèm cả một cái chợ” hay “nhai rau ráu cả cái chợ”… Ngồi uống rượu, chuyện trò, thỉnh thoảng ông lại thủng thẳng thả ra vài câu thơ kỳ dị. Thỉnh thoảng, tôi cũng đọc ông nghe những bài thơ của tôi.

Ông Hưng bị phát hiện ung thư năm 1974. Lúc ấy, cả miền Bắc xơ xác. Cứ ngỡ ông không qua khỏi. Chính lúc ấy, ông viết thơ - tập Bến lạ (NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1991). Thơ đã dìu ông qua nhiều năm khốn khó. Đến khi Đặng Thái Sơn đoạt giải Chopin, ông vừa được phân nhà, vừa được Sơn chu cấp đều đặn. Thế nên, ông có những năm tháng cuối cùng chơi nghệ thuật. Chơi để chiến thắng chính mình. Chiến thắng nỗi cô đơn. Một trong những trò chơi nghệ thuật là trò vẽ chữ. Trò chơi này giúp ông giải tỏa, thanh thoáng tâm hồn hơn. Năm 1989, ông đã in một tập vẽ chữ như thế.

Ông ít chia sẻ, thành ra người đời thường đồn đại, thêu dệt nhiều về ông. Dĩ nhiên ông là một cá tính không dễ hiểu. Ngồi nhiều với ông ở quán rượu Giảng Võ, tôi được ông mời đến nhà uống rượu. Chiếu rượu đủ các loại anh tài Hà Nội. Ngoài những bạn bè Nhân văn Giai phẩm như Văn Cao, Tử Phác, Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Cung…còn những danh họa như Sáng - Nghiêm - Liên - Phái và nhạc sĩ như Chu Minh, Trọng Bằng, Vĩnh Cát, Hoàng Dương, Hải Thoại… Trong chiếu rượu, ông Hưng hay có cách trình diễn thơ rất lạ. Bài thơ Khóc Mỵ Châu của ông được ông trình diễn luôn trong trạng thái “lên đồng”. Có đoạn ông khóc thật, có đoạn ông hát lẩm nhẩm, ề à làm tê dại đi một bi kịch trong dã sử.

Một ngày mùa đông năm 1982 Nhâm Tuất, ông đạp xe “con vịt” đến cửa đơn vị tôi ở đình Hào Nam. Lính gác vào gọi tôi ra, ông hớt hải nói: “Văn Cao muốn gặp mày. Tao sẽ tổ chức chiều nay ở Quán Tiên Điền. Mày đến nhé”.

Đấy là một chiều buốt lạnh, xám sẫm như ùa ra từ bức tranh Những người ăn khoai của Van Gogh. Tôi và Trần Vũ Mai đến quán Tiên Điền trước. Sở dĩ gọi là quán Tiên Điền vì quán rượu nằm ngay trên đường Nguyễn Du gần ngã tư Nguyễn Du và Quang Trung. Lát sau, Đặng Đình Hưng xuất hiện. Một lúc nữa, một ông già nhỏ thó, tóc cước, râu cước bước vào. Nghe ông Hưng giới thiệu tôi mới biết đấy là Văn Cao. Đặng Đình Hưng chính là chìa khóa để mở tung cánh cửa văn nghệ một thời để tôi có thể bước vào chiêm nghiệm và đồng cảm. Chiều hôm ấy, chúng tôi uống khá say. Văn Cao cứ nhấp từng ngụm, chậm rãi. Ông ít nói và đôi khi vuốt râu. Bất chợt, ông đọc bài thơ Người đi dọc biển:

Người đi

             dọc biển

Bình minh dưới chân

Một cái chai lấp lánh

Sóng biển còn hơi rượu

             *

Người đi

             dọc biển

Lối cát chưa có dấu chân

Chân trời còn gối biển

             *

Người đi

              dọc biển

Không để lại

Dấu chân

Tôi thấy tâm sự của các ông quả là rất giống nhau. Đặng Đình Hưng cũng viết thật cay đắng: “Hễ mưa, một cái túi to/ tôi ra đường vồ sẹo”. Nhờ Đặng Đình Hưng, chiều ấy tôi lại có thêm Văn Cao.

Kỳ nhân Ðặng Ðình Hưng ảnh 2

Nhà thơ Ðặng Ðình Hưng (trái) và họa sĩ Lê Thiết Cương

Đã có bao nhiêu cuộc rượu ở nhà Đặng Đình Hưng, tôi không nhớ nữa. Nhưng càng qua thời gian, nhất là qua thời Đổi mới, Mở cửa, tâm sự trong ông lúc say càng bộc lộ bản ngã. Có lúc say, ông đã ôm mặt khóc nức lên: “Sơn ơi! Sơn của bố ơi”. Đúng Đặng Thái Sơn là một trong ba thứ trời cho Đặng Đình Hưng. Hai thứ kia là trí thông minh và tài thơ. Trí thông minh đã làm cho ông điêu đứng trong đói khổ bệnh tật, căng thẳng bao nhiêu năm. Từ chỗ là một người làm Tạp chí Âm nhạc, ông bị ghép vào tội đồng lõa với nhóm Nhân văn Giai phẩm, nhiều năm đi lao động cải tạo ở Nông trường Quân đội. Nhưng nỗi điêu đứng này lại giúp cho ông hoàn thiện được điều trời cho thứ hai là tài thơ. Ông là một thi sĩ thứ thiệt. Ông cách tân thơ âm thầm nhưng không hề cố ý. Bằng tất cả tình yêu da diết con người và cuộc đời, ông đã thốt lên bằng cái giọng “kim” rất Việt như chính mệnh Hải Trung Kim của ông, những gì ông đã trải nghiệm, đã thấm thía. Nếu Bến lạ mang nhịp điệu cầu kinh thì Ô mai mang nhịp điệu nhạc Rap. Thơ ông có hơi thở dân dã như Hoàng Cầm, sắc bén như Lê Đạt, quyết liệt như Trần Dần, triết lý như Văn Cao nhưng vẫn mang riêng một giọng u uẩn của mình.

Trong căn buồng “siêu hầm” của mình, Đặng Đình Hưng đã đắm chìm trong cơn thể nghiệm. Cái “siêu hầm” ấy trở nên một cõi thiền để ông thoát hết thảy mọi cô đơn trong suốt cuộc rong rêu phận người gớm ghiếc và lạnh lẽo. Cũng ở “siêu hầm” ấy, ông đã truyền hết công lực của tư tưởng thẩm mỹ hiện đại sang họa sĩ Lê Thiết Cương - con trai của nghệ sĩ quay phim Phương Thảo. Chị Phương Thảo là một trong rất ít những người thân thiết với Đặng Đình Hưng những năm tháng cuối cùng. Và Lê Thiết Cương đã tìm đến hội họa tối giản từ ông, từ cái “siêu hầm” ấy.

Chiến thắng cô đơn, ông lại trở thành bạn của nó. Trong căn buồng “siêu hầm” của mình, ông chỉ chơi với cô đơn. Ai muốn thăm phải được sự đồng ý của ông. Nếu tự tiện, ông sẽ nổi cáu. Trò chơi “cô độc” này, vừa làm ông sướng, nhưng cũng làm khổ ông. Rất ít gần gặn để chia sẻ cùng ông những dằn vặt cuối. Nếu Bến lạ là cơn mê sảng của một tâm hồn đầy khát vọng bị dồn nén, thì Ô mai lại như một sự giải thoát.

Sự giải thoát ấy đã thực sự chấm dứt vào ngày 21/12/1990. Trong cái căn buồng “siêu hầm” ấy, tôi thấy Đặng Đình Hưng nằm im lặng như những lúc thiền. Nằm, im lặng như vẫn âm thầm ngẫm nghĩ những câu thơ, những nét vẽ, những mảng màu. Bỗng thấy một cái gì đó bồng bềnh không nhìn rõ cứ bay bay trong ánh sáng huyền ảo của lúc ông “Tạ mùa đi”. Bay bay mà để lại mãi mãi trên cuộc này chân dung của một kỳ nhân.

Buổi ra mắt Ðặng Ðình Hưng- một bến lạ tối 20/1, trong số diễn giả có NSND Ðặng Thái Sơn, con trai nhà thơ. Một số trích đoạn thơ Ðặng Ðình Hưng được vang lên, cả song tấu piano một etude cho piano lấy cảm hứng từ thơ Ðặng Ðình Hưng do Ðặng Hữu Phúc soạn. Ðặng Thái Sơn và Ðặng Hữu Phúc trình diễn. Cuối buổi, họa sĩ Lê Thiết Cương giới thiệu triển lãm cùng tên của Ðặng Ðình Hưng với 21 tác phẩm tại sảnh l’Espace, bày đến 28/2.

Một số câu thơ Ðặng Ðình Hưng:

* Tôi già rồi/ Tôi không làm gì được quyển lịch

* Hễ mưa, một cái túi to/Tôi ra đường vồ sẹo

* Tôi đã tìm ở sau cái gương/cũng không có gì hết.

* Căng lên cái yếm thắm nồng nàn của đám cưới năm ngoái hong ra khoe…

* Bến lạ giữa buồng mình cái giường quen cầu thang nhẵn thín.

* Một nắm hột khuya rắc vào bến lạ/ Ðời jì/ Sao cứ đi đi, những cái va li cứ về bến lạ.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.