Kỹ năng tiết kiệm khi du học

Kỹ năng tiết kiệm khi du học
Biết được cách tiết kiệm chi phí tối đa mà vẫn đảm bảo học tập tốt ở đất nước sở tại là ưu thế lớn của bất kỳ du học sinh nào.

Nếu du học theo học bổng bạn sẽ không phải lo nhiều tới chi phí học, ăn ở. Nhưng nếu du học tự túc, con số chi phí này quả là không nhỏ khi bạn phải giải quyết cùng lúc cho các chi phí về học tập, chỗ ở, ăn uống, quần áo, giải trí, điện thoại, di chuyển… thậm chí là cả chi phí du lịch.

Nhóm 20 du học sinh Việt Nam tại Hiroshima, Nhật Bản nấu ăn cùng nhau để tiết kiệm chi phí.
Nhóm 20 du học sinh Việt Nam tại Hiroshima, Nhật Bản nấu ăn cùng nhau để tiết kiệm chi phí..

Tận dụng mọi cơ hội tiết kiệm

Để tiết giảm hết mức có thể các khoản chi phí, theo kinh nghiệm Nguyễn Trần Lê Minh - cựu du học sinh ĐH Massachusets Dartmouth, Mỹ, thì: “Phải lên kế hoạch ngay từ đầu cho tất cả khoản chi phí mà bạn phải tốn trong một tháng. Nên ghi tất tần tật các khoản tiền tiêu xài ra một cuốn sổ. Chỉ khi nhận thức rõ về những khoản phải chi tiêu mới giúp phân loại thứ tự chi tiêu và tìm cách để tiết kiệm”.

Ở gần trường: Nếu được xếp ở ký túc xá thì bạn sẽ nhẹ gánh hơn, còn nếu phải ở ngoài (homestay) thì bạn nên chọn nơi ở gần trường nhất hoặc dễ di chuyển nhất. Một khi đã chọn nơi ở, bạn cần tận dụng đồ đạc của các du học sinh khóa trước để lại như nồi cơm điện, bàn tủ, thậm chí sách vở. Đây là cách giúp bạn không phải mang vác đồ đạc lỉnh kỉnh từ nhà sang hoặc bỏ tiền mua sắm mới.

Nấu ăn chung: Bạn tuyệt đối tranh thủ tự nấu ăn thay vì mua đồ ăn sẵn. Và ngay cả khi đã tự nấu ăn, bạn cũng nên rủ thêm càng đông du học sinh khác cùng hùn tiền nấu ăn chung. Nguyễn Thúy Vi - du học sinh ĐH INSEEC Bordeaux, Pháp, chia sẻ trải nghiệm: “Tôi rủ thêm ba bạn sinh viên người Việt cùng nhà đi chợ Việt và nấu ăn. Tính ra mỗi tuần chúng tôi tiết kiệm được ít nhất 100 euro so với mỗi người tự nấu ăn một mình”.

Lùng hàng giảm giá: Hãy chịu khó lùng sục ở khu vực bán đồ giảm giá trong các chợ hay siêu thị. Chẳng hạn, ở các siêu thị lớn tại Anh thường có những chương trình khuyến mãi cho những sản phẩm gần hết hạn sử dụng. Ban đầu họ sẽ giảm từ 10% đến 20% nhưng sau đó những sản phẩm còn tồn sẽ được giảm đến tận 70%-80%. Hay các chợ “dọn kho” bán đồ cũ ở Pháp chỉ với mức giá tượng trưng 1 euro cho mỗi món hàng.

Kết thân với máy bay giá rẻ: Một nhu cầu khác phát sinh sau khi các du học sinh đã yên ổn cuộc sống mới nơi xứ người, đó là khao khát được thăm thú khắp đất nước bản xứ và cả các nước trong khu vực. Cũng chẳng phải là mong muốn xa xỉ, nếu bạn biết cách săn vé máy bay giá rẻ.

Ví dụ, ở Anh có rất nhiều hãng máy bay giá rẻ, trong đó phổ biến nhất là Ryanair, với nhiều chuyến bay đến hầu hết các thành phố lớn ở châu Âu. Trần Quốc Kiệt - du học sinh Trường ĐH Chester phấn chấn kể: “Có lần đặt vé sớm, tôi ẵm được cái vé bay từ Manchester đến London chỉ tốn có... 4 bảng Anh”.

Nhanh tay rinh học bổng: Nhiều du học sinh dồn sức làm một công đôi việc: Chăm chỉ học để vừa có thể hoàn thành mục đích chính khi quyết định du học, vừa có thể kiếm được món tiền từ nguồn học bổng. Nhật là một nước nổi tiếng với các loại học bổng vô cùng đa dạng.

Ngoài chế độ cấp học bổng cho du học sinh của chính phủ Nhật Bản, còn có các loại học bổng do Quỹ trợ giúp học sinh Nhật Bản hay các chính quyền địa phương, các quỹ giao lưu quốc tế, các quỹ học bổng tư do các tập đoàn, công ty lớn cấp… “Nhờ có học bổng của chính quyền địa phương tỉnh Aichi mà mỗi tháng tôi nhận được khoảng 40.000 yen” - Nguyễn Văn Thắng, du học sinh tại tỉnh Aichi, Nhật Bản, cho biết.

Tích cực làm thêm

Ngoài việc kiếm được một khoản thù lao “ấm túi”, rất nhiều du học sinh đi làm thêm bởi nhiều lợi ích khác như để cải thiện khả năng ngoại ngữ còn hạn chế, để nhanh chóng hòa nhập vào nước sở tại. Đa số những công việc mà các du học sinh chọn thường không đòi hỏi tay nghề quá cao như: thu ngân, làm cho các nhà hàng của người Việt, chạy bàn, phụ bếp và cả rửa chén.

Lê Quỳnh Thy - du học sinh ĐH Vân Nam, Trung Quốc, chia sẻ: “Vào mùa hè tôi thường ở nhà bán quần áo hoặc bán thẻ điện thoại. Công việc nhẹ nhàng nhưng thu nhập cũng ổn”. Còn Huỳnh Tiến Dũng - du học sinh ĐHQG Singapore kể: “Tôi thường làm nhân viên marketing qua điện thoại, trợ lý phòng thí nghiệm cho một vài dự án khoa học, trợ lý trong các trung tâm nghiên cứu của trường…”.

Một số đông khác lại chọn cho mình công việc gia sư tiếng Việt cho người nước ngoài hoặc là con cái của các gia đình người Việt đã định cư lâu năm ở nước ngoài. Hoặc làm cho các nhà hàng, các tiệm ăn của người Việt, Trung Quốc. Thu nhập từ việc làm thêm ở nước ngoài không tệ. Thúy Vy cho biết: “Ở Pháp, nếu bạn đi làm toàn thời gian trong ba tháng hè, thu nhập có khi lên tới 4.000-5.000 euro”.

Tuy nhiên, trong năm học các bạn cần chú ý đi làm không được vượt quá số giờ quy định và phải đảm bảo tính trung thực, nghiêm túc. Thường thì sinh viên không được làm thêm quá 28 giờ trong một tuần.

Theo Nhật Tú
Pháp luật TPHCM

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG