Kỳ lạ ché “khóc” ở Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
Giàn ché trong gia đình người Mạ ở Lâm Đồng
Giàn ché trong gia đình người Mạ ở Lâm Đồng
TP - Một số buôn làng ở Tây Nguyên vẫn còn giữ phong tục khi một người trong gia đình mất đi, người thân sẽ bẻ một miếng trên miệng chiếc ché quý hiếm chôn theo người chết để bày tỏ lòng thương tiếc. Chiếc ché bị bẻ còn gọi là ché “khóc”, được xem như thành viên trong gia đình, cũng có hồn và để tang cho người chết.

Ông Bon Tô Sa Nga, già làng ở buôn Đưng K’Si (xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) cho chúng tôi xem 2 ché cổ mà người K’Ho gọi là sơn-tồ. “Mỗi cái ché thế này có giá trăm triệu đồng. Đặc biệt một trong hai ché có khảm miếng kim loại, như là thép, đạn bắn không thủng”, già vừa chỉ cho chúng tôi xem miếng kim loại trên ché vừa nói.

Cũng theo già Sa Nga, Tây Nguyên có rất nhiều lễ hội, từ lễ phát rẫy, đốt rẫy, tỉa lúa đến lễ đưa lúa về kho, cúng lúa mới, đua voi, bỏ mả, cúng bến nước... Bất cứ nghi lễ nào cũng không thể thiếu ché rượu cần. Lễ hội càng lớn thì ché rượu càng nhiều. Trong thực hành nghi lễ, ché rượu được coi là lễ vật đầu tiên dâng cúng các thần linh và khi mở ché rượu, mỗi tộc người lại có bài khấn thần linh riêng.

Hầu như gia đình nào ở các buôn làng Tây Nguyên cũng có những chiếc ché, ít thì vài ba chiếc, nhiều từ 5 đến 10 chiếc, thậm chí một số nhà sở hữu hàng chục chiếc ché lớn nhỏ khác nhau. Người Tây Nguyên rất chuộng loại ché “mẹ bồng con”, nghĩa là chiếc ché lớn có một hoặc vài ba chiếc ché nhỏ đính xung quanh, biểu tượng cho sự phồn thực, sinh năm đẻ bảy, làm ăn phát đạt. Những chiếc ché trên 100 tuổi được xem là ché quý, vừa sử dụng đựng rượu cần, vừa là tài sản riêng của các gia đình.

Kỳ lạ ché “khóc” ở Tây Nguyên ảnh 1

Ché mẹ bồng con trong bộ sưu tập của ông K’Tâm

Ông K’Tâm ở đường Lương Thế Vinh (TP Đà Lạt) có bộ sưu tập khổng lồ với hơn 3.000 hiện vật của các tộc người thiểu số Tây Nguyên, trong đó có hàng chục chiếc ché quý. Có người trả hàng tỷ đồng để mua bộ sưu tập này nhưng ông không bán mà mở bảo tàng cho người yêu cổ vật tham quan miễn phí. K’Tâm là tên mà người K’Ho đặt cho Thượng tá Đặng Minh Tâm vì cảm mến tấm lòng của ông. Ông Tâm vốn là lính của tiểu đoàn 1, được Bộ Công an tăng cường vào Lâm Đồng chống Fulrô từ năm 1981.

Nhiều nhà nghiên cứu “phát sốt” trước bộ sưu tập ghè cổ của ông K’Tâm, nhất là ché đổi voi, ché thế mạng (nếu làm chết voi, chết người có thể đền bằng những chiếc ché này), ché mẹ bồng con… Nhiều loại ché được phủ men màu nâu sáng, cá biệt có chiếc tráng men màu xanh lục, vàng sẫm, xám xanh; hoa văn trang trí phổ biến là vẽ chìm dưới men.

K’Tâm kể đã mê văn hóa Tây Nguyên ngay từ lần đầu bước chân vào ngôi nhà dài giữa đại ngàn. Sau gần 10 năm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào, ông được tặng khá nhiều kỷ vật. Đến khi về hưu, ông dồn hết thời gian, công sức, tiền của vào việc sưu tầm. Ông trở thành “kho tư liệu” sống về Tây Nguyên, am hiểu tường tận những đồ vật mà mình lưu giữ.

“Những chiếc ché quý hiếm được người Tây Nguyên xem như đồ gia bảo thiêng liêng, cũng có hồn như thành viên trong gia đình. Mỗi khi trong nhà có người nhỏ tuổi mất đi, người thân sẽ bẻ một miếng nhỏ trên miệng chiếc ché để bày tỏ lòng thương tiếc. Trong trường hợp chủ nhà hoặc người lớn tuổi qua đời thì bẻ một miếng lớn. Những mảnh ché bị bẻ sẽ được chôn theo người chết và người ta gọi chiếc ché bị bẻ là ché “khóc”, như để tang”, ông K’Tâm chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.