Ký họa chiến trường và triển lãm 'lưu động'

Ký họa chiến trường và triển lãm 'lưu động'
TP - Họa sỹ Lê Trí Dũng là bộ đội ở chiến trường Quảng Trị những năm 1972- 1973. Ông có một gia tài gồm hàng trăm bức ký họa chiến tranh và có ý giữ cho riêng mình khi “loại tranh này hiện nay ít được coi trọng”.

> Họp nhiều thành yêu tinh
> Chuyện kể cây dẻ

Tranh “chết” giữa đường

Sinh 1949, năm 12 tuổi Lê Trí Dũng đỗ vào Hệ Sơ trung 7 năm trường Mỹ thuật Việt Nam, tiếp đó là 5 năm đại học trong bối cảnh cuộc chiến ngày một khốc liệt.

 “Tranh ký họa có một thứ mà các loại tranh khác không có được, đó là “thần và khí” của chủ thể trong tranh rất sống động, chân thực”. 

Họa sĩ Lê Trí Dũng

Năm 1971 đi lính, Lê Trí Dũng lặng lẽ ghi chép lại cuộc chiến bất kỳ lúc nào có thể với chiếc cặp vẽ luôn bên mình. Ông ký họa trên giấy báo, giấy crôki, sổ tay, mặt sau tài liệu, vỏ bao bì với các đề tài như: Thời điểm chuẩn bị chiến đấu, thu dọn chiến trường, tình quân dân, họp bàn kế hoạch tác chiến, băng bó cho chiến sĩ bị thương sau trận đánh.

Cầm trên tay những bức ký họa chiến trường, ông “chú thích”: “Đây là bức tranh chiến sĩ tăng gia (nuôi lợn) trên chốt, thể hiện tinh thần lạc quan. Chuồng lợn làm bằng thùng gỗ chứa đạn của quân thù, máng lợn làm bằng quả bom cưa đôi theo chiều dọc.

Còn đây là bức tranh chiến sĩ lau pháo cao xạ, bên cạnh có bãi xương rồng và người chiến sĩ phải chui xuống gầm pháo để lau chùi. Đây nữa, là bức ghi lại cảnh những cành cây bị bom đạn kẻ thù đánh phá nhưng chiến sĩ vẫn cho xe tăng đi ngang qua một cách rất hiên ngang, bất khuất”.

Lê Trí Dũng thích nhất bức Xe tăng vượt qua trọng điểm ở Trường Sơn. Ông thuyết trình: “Bức này nói được nhiều điều cùng lúc. Xe tăng vượt qua đỉnh đèo với địa hình là một bên vách núi, một bên vực sâu. Nếu người lái xe tăng không cứng tay lái thì sẽ bị lật, rơi xuống vực. Do đó, xe tăng vượt qua trọng điểm nói lên khả năng chiến đấu kiên cường của anh bộ đội Cụ Hồ. Tiếp nữa, góp tay cho những chiến công là các cô gái thanh niên xung phong làm đường cho xe tăng đi trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Bức tranh còn thể hiện được tính chất dữ dội - tính mạng chiến sĩ công binh và thanh niên xung phong lơ lửng treo trên sợi tóc”.

Trong khói lửa chiến tranh, những bức ký họa được họa sĩ bảo quản cẩn thận. Mỗi bức sau khi vẽ được cuộn tròn lại, bọc lớp nilon cho vào trong ống pháo sáng hoặc ống rốc-két (vũ khí thu được của địch). Trường hợp không có ống rốc-két hay ống pháo sáng, các bức tranh sẽ được cho vào lòng ống tre mang theo ba-lô bên người, sau đó tìm cách gửi ra Bắc cho gia đình phòng khi ông bị đạn lạc. Phần lớn những bức tranh trong ống tre thường bị “chết” giữa đường do nước mưa hay thấm nước khi vượt sông, nếu không thì lại mối mọt, ẩm mốc.

Và triển lãm “lưu động”

Trong chiến tranh, từng có nhiều ký họa của các họa sĩ Huỳnh Phương Đông, Lê Lam, Tấn Long Châu, Thái Hà… từ miền Nam gửi ra Bắc để triển lãm. Ghi lại nhiều khoảnh khắc chân thực chẳng khác gì ảnh chụp trực tiếp. Vì lẽ đó tranh kí họa, nhất là kí họa thâm diễn (vẽ kĩ) đã bồi đắp tinh thần chiến đấu, yêu nước của quân dân.

Khoảng năm 1972 – 1973 có lần Lê Trí Dũng tập hợp lại và làm một “triển lãm lưu động”. Họa sĩ nhớ lại: “Các bức ký họa được treo ngay tại các trạm quân bưu, ở mỗi nơi dừng chân, căn nhà hầm, thậm chí cả cành cây. Nẹp kẹp tranh làm bằng cành cây tre, sau đó buộc với sợi dây dù để treo giữa rừng hay bất cứ nơi nào có thể để trưng bày tranh. Vài lần “triển lãm” như vậy khiến tôi thêm yêu và quý những bức ký họa chiến trường”.

Năm 2010, Lê Trí Dũng từng được nhiều người biết đến khi cùng các đồng nghiệp tổ chức một triển lãm tái hiện hình ảnh ác liệt tại con đường Trường Sơn huyền thoại, về chiến trường Quảng Trị, nơi ông từng cầm súng, vào sinh ra tử.

Ngày nay, ông cũng như nhiều họa sĩ cùng thế hệ ít công bố hay triển lãm tranh ký họa chiến trường bởi muốn giữ tranh làm kỷ niệm. Hơn nữa, tranh ký họa trong thời buổi kinh tế thị trường ít được coi trọng.

Dù thế, Lê Trí Dũng nhấn mạnh, tranh ký họa nói chung, ký họa chiến trường nói riêng có một thứ mà các dòng tranh khác không có được, đó là “thần và khí” của chủ thể trong tranh rất sinh động, chân thực, là tinh hoa của dòng tranh kí họa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG