100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Kỳ cuối: Vị tướng nhân văn

TP - Theo các nhà nghiên cứu và những người thân cận Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, ông là vị tướng có lòng bác ái, yêu thương rộng lớn, đặc biệt đối với những người bất hạnh. Từ nhỏ ông đã biết căm thù hành động của thực dân Pháp khi đánh đập dân lành, trong chiến trận ông tìm mọi cách để giảm thiểu thương vong cho binh sỹ, đến thời bình, bất cứ việc gì ông cũng nghĩ đến lợi ích của dân…

Thương dân nên đi làm Cách mạng

Ông Nguyễn Thành Huế, cháu gọi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên bằng bác ruột biết rất nhiều chuyện về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Có chuyện thì được nghe bà nội, cha, mẹ kể lại, có chuyện ông chứng kiến.

Kỳ cuối: Vị tướng nhân văn ảnh 1

Ông Thành Huế giới thiệu chiếc cột nhà của dòng họ bị lính Pháp dùng dao chặt nhiều nhát để đe dọa khi biết cậu bé Nguyễn Hữu Vũ Đồng Sỹ Nguyên đi theo cách mạng.

Bà nội của ông Huế, vẫn thường lấy tấm gương của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên để răn dạy cháu, chắt sau này noi theo. “Bà kể bác Nguyên khi mới 9-10 tuổi đã biết thương yêu người dân thấp cổ bé họng. Chứng kiến mỗi lần Tây đoan lên chợ Sải bắt bớ, đánh đập những người bán rượu, bác ấy rất ấm ức, chạy về mách với mẹ và đặt ra nhiều câu hỏi: Vì sao rượu dân mình nấu ra thì bị gọi là rượu lậu? Vì sao người Pháp có quyền đánh đập dân mình? Chính những lần như thế khiến một cậu bé ngây thơ biết căm thù giặc sâu sắc, để rồi ông ra đi làm Cách mạng và hun đúc nên một vị tướng kiệt xuất sau này” - ông Huế nói.

Tiến sĩ Sử học Nguyễn Khắc Thái cho rằng trong lịch sử chiến tranh trên thế giới, không ít vị tướng bất chấp sinh mạng quân lính để giành chiến thắng. Còn riêng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thì khác, ông chỉ huy cả vạn quân, nhưng một người lính hy sinh cũng khiến ông đau xót, trăn trở tìm cách giảm thiểu thương vong.

“Việc ông quyết định tăng cường vận tải quân lương và mở đường trên dãy Trường Sơn bằng phương tiện cơ giới là một trong những giải pháp giảm thiểu thương vong của quân lính. Nếu trước đây vận tải bằng sức người, 5 tấn hàng hóa cần phải có cả trăm người tham gia, nhưng nếu vận tải cơ giới chỉ cần 1 người và 1 ôtô. Lỡ bị máy bay địch đánh trúng thì cũng chỉ 1 người thương vong” - Tiến sĩ Sử học Nguyễn Khắc Thái nói.

Ông Thành Huế kể: Một lần về thăm mẹ trong thời kỳ chiến tranh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên biếu mẹ 5 cân gạo, 2 cân đường và 1 củ sâm. Bà thấy vai ông đeo chiếc radio National, bà ngỏ lời xin ông để theo dõi tin tức cho đỡ nhớ con, ông liền đáp: “Mong muốn của mẹ con không thể đáp ứng, đây là tài sản quốc gia giao cho con sử dụng thôi”. Sau này ông Thành Huế mới biết, gạo, đường và sâm là tiêu chuẩn của Nhà nước cấp cho cá nhân ông, ông bớt lại cho mẹ, còn chiếc radio là tài sản quốc gia không thể tuỳ tiện được.

Cũng theo ông Thái, trước khi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vào đảm trách Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, công sự và hầm ẩn nấp rất sơ sài và chỉ dành cho lực lượng trực tiếp chiến đấu. Sau này ông chỉ đạo phải gia cố công sự, hầm chữ A thật kiên cố. Đặc biệt, phải đào nhiều hầm chữ A hai bên đường tại các trọng điểm đánh phá, để khi máy bay địch ném bom, các lái xe và bộ đội hành quân có chỗ ẩn nấp.

Bên đó có dân

Ông Thành Huế kể: Trong một lần về thăm quê năm 1999, đứng ở bến đò Phú Trịch (phía Bắc sông Gianh), Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã nói với những người đi cùng: “Quê tôi ở bên kia, tôi ra đi làm Cách mạng năm 16 tuổi, năm nay 76 tuổi, tức là 60 năm đi theo Đảng làm Cách mạng. Tôi ra đi làm Cách mạng trên con đò, 60 năm sau làm đến Phó Thủ tướng, về quê cũng đi trên con đò. Theo Đảng mà nghèo thế này thì ai tin tưởng theo. Ở đây phải có một cây cầu hoặc ít ra cũng phải có một bến phà để người dân đi lại thuận tiện, kinh tế phát triển, cuộc sống ấm no lên thì người dân mới tin Đảng, đi theo Đảng”.

Kỳ cuối: Vị tướng nhân văn ảnh 2

Cầu Quảng Hải bắc qua sông Gianh, nối 9 xã vùng Nam Quảng Trạch.

Từ gợi ý của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình thời kỳ đó đôn đáo chạy xin Trung ương vốn về làm cầu bắc qua sông Gianh, nối 9 xã vùng Nam với huyện lị huyện Quảng Trạch. Tuy nhiên, để có gần 200 tỷ đồng làm cầu thời điểm đó là quá khó khăn với Trung ương nên xin mãi nhưng vẫn chưa được cấp vốn. Trong một lần đi cùng Thủ tướng Phan Văn Khải về làm việc với Quảng Bình, sau khi nghe lãnh đạo Quảng Bình đề đạt nguyện vọng xin làm cầu Quảng Hải, Thủ tướng Phan Văn Khải liền hỏi: “Bên ấy có gì?”, đang ngồi ngay cạnh Thủ tướng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên liền đáp lời: “Báo cáo Thủ tướng, bên đó có dân!”.

Nhờ câu nói của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên mà Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan sắp xếp vốn, hơn 170 tỷ đồng để Quảng Bình bắc cầu qua 9 xã vùng Nam Quảng Trạch.

Theo ông Thành Huế, ngày đó đất nước còn khó khăn, việc chi ra một số tiền lớn để bắc cầu cho dân đi lại là rất hiếm, nên ý của Thủ tướng Phan Văn Khải là bên ấy có khu công nghiệp hay khu kinh tế gì không mà Quảng Bình năm lần, bảy lượt xin tiền Trung ương để bắc cầu. Câu nói của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên lúc đó đã động vào lòng trắc ẩn của Thủ tướng, nhờ đó mà người dân gần một nửa huyện Quảng Trạch có cầu để đi lại.

Cũng theo ông Thành Huế, nếu không có sự quyết liệt bảo vệ của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thì không có con đường Hồ Chí Minh nhánh Tây như hiện nay. Khi Chính phủ quyết định xây dựng đường Hồ Chí Minh thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nằm trong ban chỉ đạo và là đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, ông đã trực tiếp đi khảo sát và đề xuất làm thêm nhánh Tây đường Hồ Chí Minh, điểm đầu tại sân bay Khe Gát, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vào đến Thạch Mỹ (Quảng Nam).

Tại thời điểm đó, một số tổ chức bảo vệ thiên nhiên phản đối, vì đường đi trong lòng Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, khiến nhiều người trong Ban chỉ đạo cũng chao chạnh. “Lúc tranh cãi gay gắt nhất, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nói: “Trong chiến tranh, đồng bào các dân tộc thiểu số che chở, đùm bọc bộ đội. Bây giờ hòa bình rồi, cán bộ về phố hết, quên đồng bào. Làm con đường này là để tri ân, trả nợ đồng bào”.

Ông Thành Huế nói, sau khi thống nhất làm thêm nhánh Tây, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ đạo đội ngũ thiết kế cố gắng nắn đường làm sao gần nhất với các bản đồng bào dân tộc mà con đường đi qua.