Kỳ bí 'ngọn hải đăng' 10.000 năm tuổi dưới đáy biển sâu

Khối đá bị vỡ đôi thành 2 phần riêng biệt (trên) và có 3 lỗ khoan (trái và phải, bên dưới).
Khối đá bị vỡ đôi thành 2 phần riêng biệt (trên) và có 3 lỗ khoan (trái và phải, bên dưới).
Một khối đá nặng được các nhà khoa học tìm thấy dưới đáy biển cách đảo Sicily, miền Nam Italia chừng 60km được cho là "ngọn hải đăng" được con người tạo tác cách đây 10.000 năm.

Khối đá - được cho là xẻ từ tảng đá nguyên khối trên núi - nặng 15 tấn bị tách làm đôi và có 3 lỗ khoan. Theo các nhà khoa học, khối đá tương tự di tích cổ Stonehenge ở nước Anh có thể giúp làm sáng tỏ bí ẩn về những nền văn minh sớm nhất của con người trước khi các đảo bị nhấn chìm xuống nước.

Địa điểm khảo cổ được các nhà khoa học sử dụng công nghệ địa chất và địa - vật lý tiên tiến nhất để nghiên cứu. Một lỗ khoan chạy xuyên suốt khối đá dài 12 mét trong khi 2 lỗ khác nằm ở hai bên.

Hai nhà khoa học Zvi Ben-Avraham (Đại học Tel Aviv, Israel) và Emanuele Lodolo (Viện Quốc gia Hải dương học và Địa - Vật lý Thực nghiệm ở Trieste, Italia) công bố nghiên cứu trên Tạp chí Journal of Archaeological Science: "Không có cơ sở hợp lý để tin rằng những yếu tố này sinh ra do tự nhiên".

Khối đá bí ẩn được phát hiện nằm ở độ sâu 40m trong lòng biển tại một địa điểm mà ngày xưa là hòn đảo mang tên Pantelleria Vecchia Bank, nằm giữa Tusinia và Sicily (còn được gọi là kênh Sicily). Hòn đảo bị nhấn chìm hoàn toàn xuống nước trong một trận lụt cách đây 9.500 năm, sau kỷ Băng hà cực đại cuối cùng (Last Glacial Maximum - LGM). Đây là giai đoạn cuối cùng trong lịch sử khí hậu trái đất khi mà những tảng băng to nhất tan rã.

Hai nhà khoa học giải thích: "Kênh Sicily là một trong những bãi đá nông của khu vực nằm giữa Địa Trung Hải, nơi diễn ra những biến đổi mạnh mẽ nhất do hậu quả của nước biển dâng cao. Đặc điểm địa lý cổ của lưu vực Địa Trung Hải biến đổi một cách sâu sắc do mực nước biển dâng cao sau kỷ LGM. Sự kiện này dẫn đến việc nhấn chìm xuống nước những vùng bờ biển, đặc biệt là những khu vực đất nông và thấp như kênh Sicily".

Trước đó, phần tây bắc nông nhất của kênh Sicily được kết nối với Sicily làm hình thành một bán đảo tách rời khỏi Bắc Phi chừng 48km. Sau đó phần lớn bán đảo bị chìm ngoại trừ một số điểm cao hình thành nên một quần đảo bao quanh bởi vùng biển nông, trong đó bao gồm hòn đảo Pantelleria Vecchia Bank.

Việc phát hiện khối đá ngầm bí ẩn được cho là tiết lộ một nền văn minh thời tiền sử từng phát triển thịnh vượng trên hòn đảo núi lửa Pantelleria Vecchia Bank. Tiến sĩ Emanuele Lodolo cho rằng, phát hiện tiết lộ trình độ phát triển công nghệ cao của con người thời kỳ đồ đá giữa tại khu vực kênh Sicily trước khi hòn đảo bị chìm cách đây 9.500 năm. Khối đá được xẻ ra từ một tảng đá nguyên khối cho thấy người cổ có trình độ cao về kỹ thuật xẻ đá, vận chuyển, cắt gọt và tạo thành một tượng đài hết sức ấn tượng.

Kỳ bí 'ngọn hải đăng' 10.000 năm tuổi dưới đáy biển sâu ảnh 1

Emanuele Lodolo, Viện Quốc gia Hải dương học và Địa - vật lý Thực nghiệm ở Trieste, Italia (Ảnh trái). Zvi Ben-Avraham, Đại học Tel Aviv, Israel.

Tiến sĩ Lodolo nhận định: khối đá phục vụ lợi ích cho cộng đồng người cổ trong vấn đề thông thương với các hòn đảo lân cận. Theo Lodolo, khối đá có thể là "ngọn hải đăng" hay loại đèn hiệu địa phương dành cho người đi biển hoặc thậm chí là một nơi để thuyền neo đậu. Hiện thời, các nhà khoa học vẫn chưa biết được khối đá này là duy nhất hay một phần của công trình lớn hơn - điều tương tự quan sát thấy ở quần thể đá Stonehenge ở Anh - công trình tượng đài cự thạch được xây dựng vào khoảng năm 2600 trước Công nguyên, được Liên Hiệp Quốc công nhận là Di sản thế giới năm 1986.

Quần thể đá Stonehenge thuộc thời kỳ đồ đá mới nổi tiếng ở hạt Wiltshire miền Nam nước Anh được người cổ sử dụng để nghiên cứu bầu trời hay vào nhiều mục đích khác như dùng đây làm nơi hội họp để thực hiện nghi lễ tôn giáo vào dịp đông chí và hạ chí. Một số nhà khoa học cũng cho rằng Stonehenge  là nơi tiến hành tang lễ, trong khi số khác coi đây có thể là nơi dùng để chữa bệnh do đặc tính thần bí của loại đá xám xanh. Trước đây, khám phá khảo cổ học nổi tiếng nhất về thời kỳ đồ đá mới là quần thể đền phức hợp Gobekli Tepe ở miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Được khai quật bởi các nhà khoa học Đức vào thập niên 60, quần thể này được cho là tồn tại cách đây khoảng 11.600 năm và được tin là một trung tâm tôn giáo hay nơi tôn nghiêm phục vụ cho cộng đồng dân cư có trình độ tổ chức xã hội cao.

Trở lại với khối đá ngầm ở Địa Trung Hải, tiến sĩ Lodolo tin rằng công trình giúp lấp đầy lỗ hổng kiến thức về các nền văn hóa cổ trong khu vực. Nhà khoa học lập luận: "Hầu như mọi thứ mà chúng ta biết được về các nền văn hóa thời tiền sử đều xuất phát từ những công trình tượng đài hiện nằm trên mặt đất. Trong khi đó, những phát hiện khảo cổ quý giá nhất lại nằm dưới đáy biển, trên các thềm lục địa của chúng ta. Nếu muốn xây dựng lại nguồn gốc của các nền văn minh ở khu vực Địa Trung Hải, chúng ta phải tập trung tìm kiếm những vùng đất cạn mà ngày nay đã chìm sâu dưới nước".

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.