Kỳ án gỗ trắc: Chín năm đằng đẵng…

Ông Trần Đình Diện, bố của anh Trần Đình Quang (bìa phải): “Gia đình tui rứa là tan nát…” . Người ngồi bên là ông Trương Huy Liệu. Ảnh: PXD
Ông Trần Đình Diện, bố của anh Trần Đình Quang (bìa phải): “Gia đình tui rứa là tan nát…” . Người ngồi bên là ông Trương Huy Liệu. Ảnh: PXD
TP - Theo lịch, ngày 3/7, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng sẽ xét xử phúc thẩm vụ “kỳ án gỗ trắc" mà trước đó Tiền Phong đã có loạt bài phản ánh nhiều dấu hiệu vi phạm của cơ quan điều tra. Phán quyết cuối cùng thuộc về HĐXX. Tuy nhiên để rộng đường dư luận, Tiền Phong đã gặp gỡ những người trong cuộc…

Nỗi niềm bị cáo

Ngồi trò chuyện trong buổi chiều hè hầm hập của dải đất miền Trung, ông Trương Huy Liệu, Phó GĐ Công ty TNHH Ngọc Hưng cay đắng: “Trước lúc vụ án xảy ra, công ty tôi đang ăn nên làm ra, có tiếng ở Quảng Trị, đặc biệt là tôi không bao giờ dính vào chuyện buôn lậu, vì tôi nghĩ làm như vậy không bền. Tôi đã có mối quan hệ bạn hàng rất tốt ở các tỉnh của nước bạn Lào, lại có những đối tác làm ăn có uy tín ở trong nước và nước ngoài, nghĩa là mọi chuyện làm ăn rất thuận lợi. Nhờ vậy, tôi cho ba đứa con ăn học nước ngoài, chấp nhận chi phí cao vì muốn đầu tư cho tương lai. Rồi vụ án như trời sập, tôi vướng vào lao lý, vợ ở nhà cũng bức xúc, hoang mang, gia đình rối tung, con cái phải bỏ học về nước. Tất cả đều dang dở…”. 

Kỳ án gỗ trắc: Chín năm đằng đẵng… ảnh 1 Trụ sở Công ty Ngọc Hưng ở TT Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) Ảnh: PXD

Im lặng một lúc, ông thở dài: “Anh biết đó, người xưa bảo tam thập nhi lập, nhưng theo tôi tuổi khỏe mạnh, chín chắn, tích lũy nhiều kinh nghiệm là ở độ bốn mươi, năm mươi. Lúc bị bắt, tôi cũng mới ngoài năm mươi, có rất nhiều khát vọng và cũng có điều kiện để thực hiện mong muốn của mình. Nhưng rồi, vụ án như một nhát dao lạnh lùng chém ngang cuộc sống đang yên lành của gia đình tôi. Đến bây giờ qua gần 9 năm vẫn chưa biết đã kết thúc chưa và kết thúc như thế nào đây. Đời con người ta ai cũng chỉ sống có một lần...”.

Tôi tìm gặp lại ông Lê Xuân Thành, công chức hải quan Quảng Trị - người trong vụ án này đã bị lãnh án sơ thẩm 9 tháng tù treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, đã kháng án giờ đang chờ phúc thẩm. Hỏi rằng, những năm qua ông đã sống như thế nào. Ông Thành trả lời không cần suy nghĩ: “Từ khi vụ án xảy ra, tôi ở nhà giúp vợ con buôn bán, còn lương thì cơ quan trả 2,5 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng quan trọng nhất là tinh thần bất an, khó ngủ, sức khỏe ngày càng giảm sút. Qua bản án sơ thẩm vừa rồi, càng thấy bất an hơn. Thậm chí hoang mang khi thấy tòa tuyên án khẳng định có gỗ hương trong lô gỗ trắc trong khi vật chứng không còn. Thật không sao hiểu nổi!”.

Ngừng một lát, tôi lại hỏi: “Vợ con anh ra sao?”, ông Thành thở dài: “Vợ con tôi rất  buồn khi tôi phải chịu tiếng mang tăm. Vợ tôi cũng mất ngủ, trầm cảm phải đi khám tâm thần ở Huế và Hà Nội nhiều lần”.

Tôi hỏi tiếp về phiên tòa phúc thẩm sắp tới, ông Thành nói trong ấm ức: “Tòa phúc thẩm nếu đọc kỹ hồ sơ sẽ thấy rõ oan sai còn nếu không thì thật là đáng sợ vì như thế oan vẫn không được giải và dư luận cũng như ý kiến của ĐBQH cũng bị thách thức”.

Gia đình tui rứa là tan nát! 

Khơi lại nỗi đau của người khác chắc là điều không ai muốn nên tôi đến nhà anh Trần Đình Quang, nguyên là nhân viên Công ty Ngọc Hưng ở thị trấn Lao Bảo trong tâm trạng không mấy nhẹ nhàng.

Gần 6 năm đã trôi qua nhưng nỗi buồn sinh ly tử biệt như vẫn còn đọng lại trong ngôi nhà của anh. Trần Đình Quang (sinh năm 1986) là nhân chứng trong “kỳ án gỗ trắc”, bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an liên tục triệu tập. Sáng 22/5/2013, vừa làm việc với C44 từ Hà Nội về đến nhà, Quang đã treo cổ tự tử để lại di thư và nhiều đơn kêu oan gửi các cấp tố cáo bị “ép cung”, khiến gia đình bàng hoàng đau xót.

Tôi không dám hỏi chuyện người mẹ của Quang, sợ nước mắt của tình mẫu tử lại rơi thêm lần nữa trong phẫn uất, tiếc thương. Ngồi đối diện với ông Trần Đình Diện, bố anh Quang tôi lựa lời hỏi chuyện mất mát của gia đình. Ông Diện lắc đầu rồi kể: “Sáng đó, cháu vô phòng tắm. Thấy lâu ra, em nó chạy vào kêu thì nó đã treo cổ tự tử để lại thư nói rằng mình bị đe dọa, đánh đập, ép cung. Cháu chết rồi, cả nhà suy sụp, không ai trong gia đình chịu thấu. Vợ chưa cưới của cháu, gia đình đã đi thăm nhà để tính chuyện cưới xin, nay bỏ dở nửa chừng. Em út của Quang, đứa thì học xong lớp 12 cũng không chịu thi đại học; đứa em khác chán nản theo chúng bạn rủ rê, gia đình tui rứa là tan nát...”.

Ông Diện ngừng lại vì quá xúc động, nước mắt ứa ra trên gương mặt già trước tuổi, tôi vội quay đi. Ngừng một lúc, ông nói tiếp: “Anh biết không, tôi nặng từ 62 ký nay chỉ còn 52 ký, đi khám bệnh cũng không thấy bệnh gì nhưng người sống không thể nào thanh thản được nữa”.

Hỏi ông có chờ đợi gì về phiên tòa phúc thẩm sắp tới, mắt ông long lên phẫn uất: “Nói gì thì con tôi cũng đã chết oan uổng. Tin vào công lý à, hãy làm cho chúng tôi tin, người dân tin đi rồi mới nói chuyện khác, còn nếu chỉ nói suông thì thử hỏi ai tin?”.

Liên quan kỳ án này, ngày 31/5/2019, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án về tội “ra quyết định trái pháp luật” xảy ra tại Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an. Đồng thời, HĐXX sơ thẩm cũng kiến nghị Bộ Công an và VKSND tối cao điều tra làm rõ việc ép cung nhân chứng Trần Đình Quang và làm rõ trách nhiệm của những người liên quan trong việc làm thất lạc tờ khai của Quang ngày 20/5/2013; kiến nghị Tổng cục Hải quan làm rõ việc bắt giữ tang vật là lô gỗ trắc nhưng không lập biên bản thu giữ ngay làm ảnh hưởng quá trình điều tra.

Ngày 23/8/2018 tại phiên sơ thẩm, TAND TP. Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Trương Huy Liệu (SN 1959, phó GĐ Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng có trụ sở tại Hướng Hóa, Quảng Trị) 1 năm 16 ngày tù giam . Vì án tuyên đúng bằng thời gian tạm giam nên ông Liệu được thả tại tòa. Trần Thị Dung (SN 1961, GĐ Cty Ngọc Hưng, vợ ông Liệu) 9 tháng tù treo. Bà Dung bị truy tố về tội “buôn lậu” hơn 21 m3 gỗ giáng hương trị giá 470 triệu đồng chở cùng lô 614m3 gỗ trắc. Toàn bộ số gỗ trắc được coi là vật chứng nói trên đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an C44 ra quyết định bán trong quá trình điều tra, các cán bộ hải quan là Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành bị 9 tháng tù treo và Đỗ Danh Thắng 6 tháng tù treo cùng vì tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị cáo sau đó đồng loạt kháng cáo.

MỚI - NÓNG