Kỳ án giết mẹ vì 1,5 chỉ vàng: Lần thứ ba bị đề nghị tuyên án tử

Bị cáo Vi Văn Phượng tại tòa
Bị cáo Vi Văn Phượng tại tòa
TP - Dù bị cáo kêu oan, tố bị bức cung nhưng cơ quan truy tố khẳng định người này giết mẹ mù lòa vì khó khăn, phải chăm sóc nhiều năm nên cần nhận án tử hình. Luật sư của bị cáo cũng thu thập thêm tài liệu chứng minh ngoại phạm nhưng kiểm sát viên đề nghị bác bỏ.

Tố bị bức cung, nhục hình

Ngày 24/5, TAND tỉnh Bắc Giang xét xử Vi Văn Phượng (SN 1968, ở Bắc Giang) về tội “Giết người” với tình tiết tăng nặng, giết mẹ đẻ - tức bà Nguyễn Thị Vui (SN 1926). Theo kiểm sát viên, nạn nhân vốn mù lòa, sống cùng con trai và cháu nội Vi Văn Hồ (SN 1997). Ông Phượng từng vay mẹ 1,5 chỉ vàng và bị mẹ  đòi nhiều lần nhưng tháng 10/2012, người này mới trả nợ. Tuy nhiên, bà Vui cho rằng con trai trả vàng giả nên xảy ra cãi vã.

Sáng 5/10/2012, cháu Hồ nấu mỳ tôm cho bà nội ăn rồi đi học còn Vi Văn Phượng đi làm thuê cùng ông Lăng Đức Mạnh. Đến hơn 10h, cả 2 ăn uống tại nhà ông Lê Quang Trường (ở khác thôn). Đúng 11h, ông Phượng lấy lý do nấu ăn cho mẹ nên về trước. Tới nhà, thấy bà Vui nằm ngủ trên giường, bị cáo lấy dao quắm chém nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong. Sau đó, Phượng ra ngoài ngồi hút thuốc trước khi thông báo cho mọi người rằng bà Vui bị ai đó sát hại.

Người giữ quyền công tố cho rằng, vì phải nuôi dưỡng mẹ già mù lòa trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn; bà Vui không thông cảm lại thường xuyên đòi vàng nên bị Vi Văn Phượng ra tay sát hại. Vì vậy, bị cáo này cần nhận án tử hình.  

Ngược lại, Vi Văn Phượng khẳng định bị oan, nói nhận tội trong giai đoạn đầu vì điều tra viên Trịnh Nguyên Lượng đánh đập, dọa bắt con. “Ông Lượng bảo tao có quyền, tao bắt ai cũng được. Bị cáo nghĩ mình không có tội vẫn bị bắt, con mình cũng bị bắt và nếu bị đánh cháu sẽ nhận tội nên bị cáo phải nhận trước... Bị cáo bị tra tấn, dùng móc sắt treo cổ bị cáo lên cửa sổ, đánh ở cằm, đốt râu... Bị cáo nghĩ phải nhận xong ra kêu oan, còn để bị đánh sẽ chết” - ông Phượng khai.

Đáp lại, điều tra viên Trịnh Nguyên Lượng (hiện là Phó phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bắc Giang) nói: “Những gì Phượng khai hoàn toàn không đúng sự thật, chúng tôi tuân thủ đúng quy định của luật tố tụng, không làm việc luật cấm”.

Tranh luận chứng cứ ngoại phạm?

Được tranh luận, luật sư Đinh Anh Tuấn bảo vệ bị cáo Phượng dẫn kết luận điều tra thể hiện thân chủ của mình ăn xong, rời nhà ông Lê Quang Trường vào 11h00; về nhà mất khoảng 16 phút; giết mẹ rồi hút thuốc hết 6 phút và đến 11h23 đã gọi điện cho anh trai và mọi người báo mẹ bị người khác giết.

Luật sư Tuấn cho rằng, thời gian biểu trên là sai vì các nhân chứng ăn cơm cùng bị cáo đều khẳng định hơn 11h mới về nhà. Trong đó, ông Trường khai khi ăn cơm, con trai mình ăn xong sớm nhất rồi đi học khoảng 10 phút, ông mới thấy Phượng ra về. Vợ ông Trường cũng khai: “Con trai tôi ăn cơm xong đi học, tôi nhìn đồng hồ đeo tay thấy 11h nên hỏi con sao đi học sớm... Sau đó, tôi ăn xong ra ngoài, một lát chồng gọi lên dọn mâm cơm lúc đó vẫn thấy Phượng ngồi”.

Tiếp đến, luật sư Tuấn dẫn lời khai của Phượng thể hiện, bị cáo này rời nhà ông Trường phải đi chậm vì gặp các cháu học sinh tan học; Phượng còn được 1 học sinh là con gái trưởng thôn chào, hỏi. Ông Tuấn cho biết đã về trường học nói trên ngay trong sáng 24/5 và lập biên bản với nội dung hiệu trưởng trường này khẳng định đầu tháng 10/2012, học sinh tan học vào 11h15 phút. “Vài phút sau 11h15, các học sinh mới ra khỏi cổng trường nên Phượng không thể có mặt ở nhà vào 11h15 để chém mẹ” - vị luật sư nêu quan điểm.

Đối đáp, kiểm sát viên cho rằng biên bản thời gian tan học của luật sư Đinh Anh Tuấn không đủ chứng minh Vi Văn Phượng có mặt ở cổng trường lúc 11h15 vì có thể có lớp ra sớm, lớp ra muộn. Các lời khai của nhân chứng tại bữa cơm hoặc của chính bị cáo thể hiện Phượng rời nhà anh Trường sau 11h không đúng vì từ nhà anh Trường về nhà Phượng mất 16 phút. Nếu bị cáo về lúc 11h10 sẽ không kịp về nhà, phát hiện mẹ chết rồi gọi điện vào 11h23 phút - thời gian trên điện thoại.

Sau tranh tụng, chủ tọa cho biết sẽ tuyên án vào sáng 27/5.  

Vi Văn Phượng từng bị TAND tỉnh Bắc Giang và TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên tử hình trong các phiên xử sơ - phúc thẩm. Năm 2016, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử Giám đốc thẩm đã phát hiện nhiều vấn đề chưa được làm rõ nên hủy các bản án đã tuyên với ông Phượng đồng thời yêu cầu điều tra lại vụ án.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...