Kỳ án 'giết mẹ' mù lòa vì 1,5 chỉ vàng: Đề nghị làm rõ có bức cung?

Bị cáo Vi Văn Phượng tại tòa ngày 26/4.
Bị cáo Vi Văn Phượng tại tòa ngày 26/4.
TPO - Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao yêu cầu làm rõ Vi Văn Phượng có bị bức cung, nhục hình nên phải nhận đã giết mẹ đẻ?

Triệu tập thêm người liên quan

Ngày 26/4, TAND tỉnh Bắc Giang xét xử sơ thẩm bị cáo Vi Văn Phượng (SN 1968, ở Lục Nam, Bắc Giang) về tội “Giết người”. Nạn nhân trong vụ án là bà Nguyễn Thị Vui (SN 1926) - mẹ bị cáo.

Trước đó, năm 2013, TAND tỉnh Bắc Giang và TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên các bản án sơ - phúc thẩm và xác định ông Phượng đã sát hại mẹ đẻ nên tuyên bị cáo tử hình. Năm 2016, vụ án được xét xử Giám đốc thẩm, kết quả ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án TAND Tối cao thay mặt Hội đồng thẩm phán ra quyết định hủy các bản án đã tuyên với ông Phượng, yêu cầu điều tra lại vụ án.

Năm 2018, VKSND tỉnh Bắc Giang ra cáo trạng, giữ nguyên quan điểm Vi Văn Phượng đã sát hại bà Vui. Cụ thể, nạn nhân vốn bị mù, sống cùng gia đình con trai.

Năm 2009, ông Phượng vay 1,5 chỉ vàng của mẹ cho con đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Thời điểm 2012, các con của bị cáo đã lớn nên ở nhà chỉ còn vợ chồng ông Phượng, bà Vui và con trai út là Vi Văn Hồ (SN 1997) sống cùng nhau.

Bà Vui đã nhiều lần đòi Phượng trả nợ nhưng tháng 10/2012, bị cáo mới mua 1,5 chỉ vàng để trả mẹ tuy nhiên bà Vui cho rằng con trả cho mình vàng giả nên 2 mẹ con xảy ra cãi vã.

Sáng 5/10/2012, Hồ nấu mỳ tôm cho mình và bà nội ăn rồi đi học còn Vi Văn Phượng đi làm thuê cùng ông Lăng Đức Mạnh (SN 1970) và đến hơn 10h, cả 2 ăn cơm tại nhà ông Lê Quang Trường (SN 1967).

Khoảng 11h, Phượng lấy lý do nấu ăn cho mẹ nên về trước. Trên đường về, bị cáo vào quán tạp hóa của bà Bùi Thị Tuyến (SN 1960) để mua 2 gói mỳ.

Tới nhà, bị cáo thấy mẹ đang nằm ngủ trên giường nên lấy 1 con dao quắm chém nhiều nhát vào người bà Vui khiến nạn nhân tử vong do mất máu. Sau đó, Phượng ra ngoài ngồi trấn tĩnh khoảng 4 - 5 phút trước khi thông báo cho mọi người bà Vui bị ai đó sát hại.  

Tại tòa hôm nay (26/4), luật sư Đinh Anh Tuấn - bào chữa cho Vi Văn Phượng đề nghị dẫn giải nhân chứng Lăng Đức Mạnh vì người này có nhiều lời khai tự mâu thuẫn và mâu thuẫn với lời khai của bị cáo Phượng nhưng chưa được đối chất.

Ông Tuấn cũng đề nghị triệu tập giám định viên Đào Quốc Tuấn vì đã đưa ra kết luận giám định về thời gian chết của bà Vui lúc từ 3 - 4 tiếng sau khi ăn, lúc lại kết luận tử vong từ 3 - 5 tiếng sau ăn; triệu tập điều tra viên Trịnh Nguyên Lượng vì đây là người được bị cáo Vi Văn Phượng khẳng định đã lấy cung ban đêm, dùng búc cung, nhục hình khiến mình nhận tội.

Tương tự, luật sư Trần Văn An cũng đề nghị triệu tập nhân chứng Lăng Đức Mạnh. Tuy nhiên, ông An cho rằng việc triệu tập sẽ mất thời gian nên đề nghị hoãn phiên tòa.

Sau hội ý, chủ tọa cho biết do bị cáo kêu oan nên đảm bảo khách quan, chính xác, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để triệu tập các nhân chứng, người liên quan. Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 23/5.

Nhiều mâu thuẫn 

Quyết định Giám đốc thẩm vụ án đã chỉ ra các mâu thuẫn trong quá trình điều tra, xét xử Vi Văn Phượng. Trước hết, việc xác định bà Vui bị sát hại 3 - 4 tiếng sau ăn dựa trên thức ăn trong dạ dày với lời khai về thời điểm ăn của Vi Văn Hồ là chưa chính xác.

Tiếp đến, cơ quan điều tra chưa xác định chính xác bị cáo Phượng mặc 2 hay 1 áo vào sáng bà Vui bị sát hại; tại sao quần của bị cáo Phượng không dính máu khi cúi xuống chém mạnh như vậy; dao quắm cong nên khi chém có tạo dấu vết trên giường, chiếu; tại sao có dấu máu nhỏ giọt trên chiếc quạt?...

Quan trọng hơn, TAND Tối cao cho rằng bị cáo được hàng xóm, bạn bè đánh giá là người sống tình cảm, có hiếu với mẹ; dù bà Vui bị mù lòa nhiều năm nhưng bị cáo vẫn chăm sóc, không ngược đãi, việc vay vàng bị cáo đã trả... Vì vậy, các căn cứ để xác định động cơ phạm tội của bị cáo còn có mâu thuẫn.

Từ đó, Hội đồng thẩm phán cho rằng để giải quyết vụ án cần làm rõ khi thấy mẹ chết, Vi Văn Phượng có hô hào hàng xóm tới không; Phượng có mâu thuẫn đất đai với mẹ hoặc có mâu thuẫn gì với hàng xóm, bạn bè...

Tiếp đến, cần làm rõ thời gian cháu Vi Văn Hồ rời nhà và có mặt tại hiện trường khi nào? Đồng thời, tại cơ quan điều tra và tại các phiên tòa, bị cáo khai nhận tội do bị cơ quan điều tra dọa bắt con là Vi Văn Hồ và bị điều tra viên đánh nhiều, các lời khai do điều tra viên viết sẵn và đưa cho ký tên. Do đó, cần làm rõ sự đánh đập, ép cung, bức cung, nhục hình không?...

Tuy nhiên, cáo trạng gần đây của VKSND tỉnh Bắc Giang không giải thích rõ các yêu cầu trên của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. 

MỚI - NÓNG