Chính quyền Sài Gòn những ngày hấp hối:

Kỳ 7: Tiểu xảo “rọi đèn pha” và tham vọng của Pháp

Kỳ 7: Tiểu xảo “rọi đèn pha” và tham vọng của Pháp
Kỳ 7: Tiểu xảo “rọi đèn pha” và tham vọng của Pháp ảnh 1
Cựu Thủ tướng Chính quyền Sài Gòn Trần Thiện Khiêm (phải) và Hoàng Đức Nhã (em họ Tổng thống Thiệu)

Vài ngày sau khi bí mật gặp Đại sứ Pháp Jean Marie Merillon, tướng Dương Văn Minh mời cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm tới biệt thự riêng của mình. Tại đây, Dương Văn Minh nói với Khiêm rằng Pháp đã coi Minh là người thay thế Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và là người có thể hòa giải được với Hà Nội.

Minh đề nghị Khiêm ủng hộ. Cuối cuộc nói chuyện, Trần Thiện Khiêm đã bày tỏ sự ủng hộ và hứa giúp đỡ Minh đến cùng. Cả Dương Văn Minh và Khiêm không hề biết rằng cuộc nói chuyện của họ bị CIA bí mật theo dõi.

Các điệp viên CIA đã báo cáo đầy đủ về Đại sứ quán Mỹ mọi diễn biến liên quan đến âm mưu phế truất Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Các thông tin mật liên quan đến các toan tính xung quanh Thiệu được báo về ĐSQ Mỹ ngày càng nhiều, củng cố thêm quan điểm của Đại sứ Graham Martin và chỉ huy trưởng CIA Thomas Polgar rằng thương lượng với Hà Nội là giải pháp tốt nhất.

Việc phế truất Thiệu không phải do Dương Văn Minh và Trần Thiện Khiêm nghĩ ra mà đúng hơn là người Pháp đã khởi xướng và thúc đẩy  cho điều đó trở thành hiện thực.

Kể từ khi Thủ tướng Jacques Chirac gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn tại Paris, người Pháp luôn là động lực đằng sau việc tìm kiếm một giải pháp chính trị vào phút chót. Paris hy vọng với tình hình Sài Gòn cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 1975, nếu các nhà ngoại giao Pháp nhanh chân rất có thể chiến tranh Việt Nam được kết thúc theo hướng có lợi cho Pháp.

 Mục tiêu mà người Pháp tự đặt ra là thúc đẩy tình hình để Việt Nam trở lại thời kỳ bị phân chia thành 3 miền Bắc, Trung và Nam Kỳ trước đây. Kể từ khi Đà Nẵng thất thủ, tại Hà Nội, Paris và Sài Gòn người Pháp ráo riết mở các cuộc gặp gỡ bí mật với các bên liên quan với tham vọng đạt được các mục tiêu “chiến lược 4 gọng kìm”.

Theo chiến lược này, “4 gọng kìm” là:1-  Phải thuyết phục để Hà Nội chấp nhận kết thúc chiến tranh bằng thương lượng. 2- Đối với Nguyễn Văn Thiệu, phải khiến ông ta chấp nhận từ chức. 3- Với Mỹ, làm sao để họ hiểu rằng tình hình đã đến mức chỉ còn một giải pháp duy nhất là đồng ý để cho Pháp đứng ra làm trung gian. 4- Còn với Dương Văn Minh, cần thuyết phục để ông ta chấp nhận là người thay thế  vào vị trí của Tổng thống Thiệu.

Đại sứ Pháp tại Sài Gòn Jean Marie Merillon chỉ có 2 điều đam mê, đó là vận động ngoại giao và săn bắn. Nhậm chức Đại sứ tại Sài Gòn mới được hơn một năm nhưng ông Merillon đã khiến mọi người phải khâm phục tiểu xảo “chiếu rọi đèn pha” sở trường của ông trong hai lĩnh vực nói trên.

Khi đi săn đêm, đầu tiên Merillon tìm cách làm lóa mắt con thú bằng cách chiếu rọi đèn pha thẳng vào mắt hoang thú. Bị chiếu đèn pha bất ngờ, con thú nào cũng chỉ còn biết đứng im nhìn chằm chằm vào nguồn sáng. Đó là lúc tốt nhất cho người đi săn nổ súng.

Trong hoạt động ngoại giao ở Sài Gòn những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, Đại sứ Merillon cũng áp dụng “tiểu xảo chiếu rọi đèn pha” một cách diệu nghệ.

Trong tuần đầu tiên của tháng 4/1975, Đại sứ Merillon tìm cách áp dụng chiến thuật tiểu xảo này đối với Hoàng Đức Nhã - em họ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Sau khi phân tích về tình hình cho phép thúc đẩy giải pháp chia cắt Việt Nam thành 3 vùng như đã từng một thời tồn tại trong lịch sử, Merillon thúc giục Nhã ủng hộ.

Bằng vẻ mặt không hề có biểu hiện nào của sự mỉa mai,  Merillon dẫn ra ví dụ năm 1940 nhờ việc quân đội Pháp thương lượng với Đức phát xít mà nước Pháp tránh được sự tàn phá của Đức. Nghe điều này, Hoàng Đức Nhã vô cùng tức giận, buông ra những lời khiếm nhã đối với Đại sứ Merillon: “Ông điên rồi sao? Đó là một kế hoạch lố bịch”.

Nhưng Đại sứ Merillon không hề thất vọng. Vài ngày sau, ông ta lại dùng “tiểu xảo rọi đèn pha” vào “con mồi” xa hơn. “Con mồi” lần này chính là Đại sứ Mỹ Graham Martin.

Nhà riêng của Đại sứ Merillon tại Sài Gòn ở liền kề tòa nhà ĐSQ Mỹ. Điều này  cho phép Merillon ghé thăm Đại sứ Martin bất cứ lúc nào trong ngày để cùng nhau chia sẻ các ý tưởng bên tách cà phê.

Mỗi lần như vậy, Merillon đều cố gắng làm cho Martin hiểu rằng chưa có sự đảm bảo chắc chắn nào rằng Bắc Việt Nam chấp nhận giải pháp kết thúc chiến tranh bằng thương lượng. Nhưng cứ thử cố làm xem, điều đó có hại gì đâu.

Phản ứng lúc đầu của Đại sứ Martin là không nhất trí với các phân tích và quan điểm của Merillon. Vì trước đó, Martin và Ngoại trưởng Mỹ Kissinger đã từng thống nhất quan điểm với nhau rằng bất cứ một sự thay đổi nào đối với ban lãnh đạo ở Sài Gòn thì cũng phải được thực hiện một cách hợp pháp.

Làm như thế cốt để giữ được sự ổn định và tối đa hóa cơ hội thương lượng giữa người kế nhiệm Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và những người Cộng sản. Mặc dù vậy, Đại sứ Martin cũng không bác bỏ hoàn toàn ý tưởng của Pháp. Đại sứ Mỹ vẫn giữ cầu bằng cách để ngỏ mọi khả năng thảo luận tiếp với Merillon.

Nhằm tránh các cặp mắt tò mò soi mói, Đại sứ Martin bảo cấp dưới đục tường ĐSQ Mỹ để mở một lối thông sang nhà riêng Đại sứ Pháp Merillon. Ngoài ra, Martin còn cho nối một đường dây điện thoại bí mật với người đồng nghiệp Pháp để có thể trao đổi kín bất cứ lúc nào. B

ên phía nhà riêng của mình ông Merillon lắp một điện thoại trong nhà tắm dành riêng cho ông ở cách xa nơi  làm việc cốt để tránh tai mắt của các nhân viên và thư ký người Việt phục vụ trong khuôn viên. Mỗi khi cần trao đổi riêng với người đồng nghiệp Mỹ, Đại sứ Merillon đều phải ra nhà tắm để trao đổi qua điện thoại.

Các cuộc trao đổi như vậy diễn ra nhiều lần trong một ngày  khiến ông Merillon cứ phải liên tục ra nhà tắm. Mỗi lần ra nhà tắm ông Merillon đều nói dối là đi vệ sinh. Các nhân viên giúp việc và thư ký cho Đại sứ Merillon nghe vậy đều tin là ông bị đau bụng nên tỏ ra rất lo ngại cho sức khỏe của ngài Đại sứ của họ.

(Còn nữa)

Kỳ sau:  Tổng thống Thiệu cướp ngân khố quốc gia

MỚI - NÓNG