Kỳ 3: Nuôi trồng và khai thác thủy sản theo hướng hàng hóa

0:00 / 0:00
0:00
Xác định khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên, lợi thế của biển để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất kinh tế biển – ngành kinh tế chủ lực đạt bình quân 10- 12%/năm, những năm qua Thái Thụy đã tích cực huy động các nguồn lực xã hội để phát triển tổng hợp kinh tế biển. 

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Đào Đức Viện cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 4 cảng cá và 02 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, 02 nhà máy đóng tàu, 02 doanh nghiệp sản xuất và ương thuần các giống thuỷ hải sản như tôm sú, tôm Thẻ chân trắng, cua, cá vược, ngao... Các đơn vị đã đáp ứng một phần giống phục vụ nuôi trồng thủy sản và các điều kiện cần thiết cho khai thác thủy sản, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 1.000 lao động.

Kỳ 3: Nuôi trồng và khai thác thủy sản theo hướng hàng hóa ảnh 1

Người dân huyện Tiền Hải khai thác thủy sản trên đầm nuôi.

Chế biến thủy sản phát triển tương đối phong phú, đa dạng cả về chủng loại, hình thức và quy mô. Số đơn vị chế biến thủy sản tăng mạnh, trên địa bàn huyện có 04 doanh nghiệp trong nước, 01 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (Công ty TNHH thực phẩm Rich Beauty Việt Nam), khoảng trên 100 cơ sở và hộ gia đình tham gia chế biến với 4 làng nghề chế biến hải sản tập trung được UBND tỉnh công nhận. Có 04 cơ sở ương thuần giống tôm sú, 10 cơ sở dịch vụ thức ăn thuốc thú y thuỷ sản. Ngoài ra còn hàng chục cơ sở sản xuất nước đá, sửa chữa tàu thuyền, dệt lưới... nằm ở các xã ven biển đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 1.000 lao động.

Một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu và có thị trường trên toàn quốc như nước mắm Hải sản Diêm Điền, nước mắm Minh Phú, Bột cá Thụy Hải, cá mai khô, nộm sứa, chả cá, chả tôm... Lĩnh vực chế biến thủy hải sản phát triển giải quyết tốt việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn, thúc đẩy nuôi trồng và khai thác thủy hải sản phát triển. Thu nhập bình quân đầu người các xã ven biển đạt từ 4,5 đến 6,0 triệu đồng người/tháng, chất lượng cuộc sống của nhân dân ven biển có nhiều chuyển biến tích cực.

Kỳ 3: Nuôi trồng và khai thác thủy sản theo hướng hàng hóa ảnh 2

Nông dân ven biển Thái Bình thu hoạch thủy sản.

Bảo đảm hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản phát triển ổn định, Thái Bình đã tiếp tục phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản ven biển, duy trì mô hình nuôi cá lồng trên sông và phát triển mạnh công tác sản xuất giống thủy sản; phát triển đa dạng các hình thức, đối tượng nuôi theo phương thức ứng dụng công nghệ mới. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2022 đạt 15.665,1 ha, tăng 2,73% so với năm 2018. Trong đó, diện tích nuôi nước lợ 3.556,5 ha (diện tích nuôi tôm sú 2639,2 ha, diện tích tôm thẻ đạt 311,9 ha, có 212,42 ha diện tích nuôi thâm canh, công nghệ cao, tăng 86,7ha so với năm 2018); nước mặn 3.169 ha, tăng 100 ha so với năm 2018 (nuôi thương phẩm 2.489 ha, ương giống ngao 680 ha). Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2022 đạt 181.878 tấn, tăng 21,6% so với năm 2018; trong đó sản lượng nước mặn (ngao) 122.520 tấn, năng suất đạt 38,5 tấn/ha; sản lượng nuôi nước lợ 14.618 tấn, sản lượng nuôi nước ngọt 44.740 tấn. Giá trị sản xuất ước đạt 4.161,1 tỷ đồng, tăng 23,3% so với năm 2018.

Tại huyện Thái Thụy, từ việc tổ chức triển khai Đề án "Phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh Thái bình giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025" theo Quyết định số 3012/QĐ-UBND ngày 17/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh, đã hình thành được các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn. Đó là mô hình nuôi tôm công nghệ cao với diện tích trên 100 ha/năm theo phương thức liên kết với doanh nghiệp nuôi từ 3 - 4vụ/năm mang lại được hiệu quả kinh tế cao, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đầm nuôi. Với năng suất trung bình đạt 10 - 15 tấn/ha/vụ, cá biệt có hộ đạt 15 - 18 tấn/ha/vụ, cho lợi nhuận 800 -1.000 triệu đồng/ha/vụ.

Kỳ 3: Nuôi trồng và khai thác thủy sản theo hướng hàng hóa ảnh 3

Người dân ven biển chế biến hải sản khô.

Về dịch vụ hậu cần nghề cá, trên địa bàn tỉnh hiện có 61 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, tăng 08 cơ sở so với năm 2018; 46 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản, cơ bản đáp ứng được nhu cầu chế biến sản phẩm từ khai thác và nuôi trồng thủy sản. Có 20 cơ sở ương dưỡng, sản xuất giống nuôi biển, tăng 08 cơ sở so với năm 2018, sản lượng trung bình trên 10 tỷ con mỗi năm, đáp ứng được khoảng 19% nhu cầu thả nuôi của người dân trong tỉnh. Năm 2022, giá trị sản xuất giống đạt 98,6 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Toàn tỉnh hiện có 756 tàu cá đã được đăng ký và cập nhật vào phần mềm dữ liệu tàu cá Quốc gia với tổng công suất 142.432CV, tăng 19.922,2 CV, gấp 1,1 lần so với năm 2018. Cơ cấu tàu khai thác hải sản đang chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tàu khai thác ven bờ, tăng tàu khai thác xa bờ; được định hướng, phát triển theo hạn ngạch quy định nhằm khai thác có hiệu quả, phù hợp với nguồn lợi thủy sản trên biển, số tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình 176/181 tàu, đạt 97,2%; đã cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm 174/181 tàu cá, đạt 96,17%. Sản lượng khai thác năm 2022 đạt 98.461 tấn, tăng 23,6% so với năm 2018, trong đó sản lượng khai thác nước mặn ước đạt 94.095 tấn, sản lượng khai thác nước ngọt ước đạt 4.366 tấn; giá trị khai thác thuỷ sản ước đạt 1.494,9 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2018, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành thủy sản. Kết quả năm 2022, tổng sản lượng thủy sản đạt 280.340 tấn, tăng 22,34% so với năm 2018. Giá trị sản xuất thủy sản đạt 5.754,8 tỷ đồng (giá cố định 2010), tăng 22,78% so với năm 2018.

Hướng tới, Thái Bình sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới, phát triển đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế (ngao, tôm thẻ, cua, cá song, cá sủ, cá chim vây vàng, hàu...), đa dạng các hình thức nuôi (bãi triều, lồng bè, ao đầm) phù hợp với điều kiện môi trường và lợi thế của từng địa phương. Từng bước đầu tư, cải tạo, nâng cấp mới kết cấu hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá (cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão) đáp ứng nhu cầu phát triển thủy sản của ngư dân ven biển. Khai thác thủy sản phát triển theo hướng hiện đại, đổi mới trang thiết bị, công nghệ và đảm bảo an toàn hàng hải; đồng thời đẩy mạnh việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, xây dựng nghề cá phát triển bền vững với các mô hình liên kết sản xuất giúp đỡ nhau trên biển...

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.