Kỳ 15 : Di tản hoảng loạn và sụp đổ

Kỳ 15 : Di tản hoảng loạn và sụp đổ
Ngày 28/4/1975, tướng Pháp Francois Vanuxem ghé thăm Dương Văn Minh tại nhà riêng để hối thúc Minh tạo dựng chính quyền mới.

Tướng CIA Charles Timmes buổi chiều cùng ngày cũng đã tới nhà Dương Văn Minh 3 lần. Timmes hỏi Minh về thành viên nội các mới, đề nghị thiết lập đường dây nóng nối văn phòng của Minh với ĐSQ Mỹ. Timmes hỏi quan điểm của Minh về tương lai thế nào? Dương Văn Minh mỉm cười, sau đó hạ giọng nói rằng vẫn còn một cơ hội cho đàm phán với Hà Nội vì Sài Gòn, Tây Ninh, và đồng bằng sông Cửu Long chưa hoàn toàn rơi vào tay đối phương.

Timmes hỏi tiếp đại ý: Nếu những vùng này rơi nốt vào tay Bắc Việt thì điều gì sẽ xảy ra? Tổng thống Minh sẽ làm gì? ĐSQ Mỹ sẵn sàng chấp nhận Minh cư trú chính trị? Nghe hỏi câu này, Dương Văn Minh lại mỉm cười và lắc đầu nói: “Người Việt Nam là nhân dân tôi mà. Tôi không đi đâu cả”. Sau đó, Minh đề nghị Charles Timmes giúp dàn xếp cho con gái của mình (kết hôn với một đại tá quân đội Sài Gòn) cùng các cháu ngoại của Minh đi di tản.

Chiều 28/4, trời Sài Gòn bỗng nổi cơn giông sấm chớp ầm ầm. Khoảng 16 giờ hơn 200 nghị sĩ, tướng lĩnh về hưu, và các quan chức cao cấp khác tập trung tại phòng khánh tiết Dinh Tổng thống để chúc mừng tân Tổng thống. Trong bài phát biểu của mình, Dương Văn Minh là Tổng thống Chính quyền Sài Gòn đầu tiên chính thức thừa nhận sự tồn tại của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CMLT).

Minh kêu gọi ngừng bắn ngay tức khắc để thương lượng trong khuôn khổ “Hiệp định Paris” đồng thời cam kết thành lập một chính phủ rộng rãi bao gồm mọi cá nhân theo tinh thần hòa giải. Minh cam kết sẽ trả lại tự do cho những tù nhân chính trị nhằm đáp ứng đòi hỏi trước đây của Chính phủ CMLT về việc xóa bỏ hoàn toàn bộ máy đàn áp của Chính quyền Sài Gòn.

Đại sứ Graham Martin theo dõi tường thuật trực tiếp bài diễn văn của Dương Văn Minh qua phiên dịch. Khi Minh kết thúc bài phát biểu, khoảng 18 giờ thì một phi đội gồm 5 chiếc máy bay A–37 được trang bị pháo MK 81 bắn phá phi trường Tân Sơn Nhất.

Khu vực đỗ máy bay của không lực Chính quyền Sài Gòn đã bị trúng 6 quả bom làm ít nhất 3 chiếc AC – 119 và một số chiếc C–47 bị phá hủy hoàn toàn. Hai quả bom khác rơi đúng điểm giữa tòa nhà Phòng tác chiến và tháp chỉ huy. Sau này được biết viên phi công chỉ huy tốp máy bay ném bom này là Nguyễn Thành Trung – một cựu sĩ quan không lực của Chính quyền Sài Gòn. Trước đó 3 tuần, cũng chính phi công này đã cùng đồng đội lái 3 máy bay A–37 ném bom xuống Dinh Tổng thống.

Trong khi đó, sau loạt bom đầu tiên, ĐSQ Mỹ tin rằng kẻ đứng đầu vụ ném bom Tân Sơn Nhất không ai khác là viên tướng hay nhiễu sự Nguyễn Cao Kỳ. Nhưng sau đó, thông qua người bạn thân của Kỳ là nhà báo Robert Shaplen viết cho tờ The New Yorker (Người New York) CIA mới biết Kỳ không liên quan.

Các máy bay A – 37 nói trên đã cất cánh từ sân bay Phan Rang mà quân đội Bắc Việt mới chiếm được. Đến thời điểm này, nội đô Sài Gòn đâu đâu cũng thấy các quan chức chính quyền và binh lính bỏ nhiệm sở đi di tản. Cảnh sát chính quyền Sài Gòn phải áp dụng giới nghiêm 24 giờ/ngày để ngăn cản mọi sự tụ tập ra đi.

Sau vụ phi công Nguyễn Thành Trung ném bom phi trường Tân Sơn Nhất, chỉ huy phụ trách hậu cần  Erich Von Marbod tới gặp Nguyễn Cao Kỳ nhờ cho lính lái toàn bộ số máy bay dự trữ đi cất giấu tại sân bay Takli (Thái Lan). Kỳ nhận lời nhưng không thực hiện. Kết quả là không một chiếc máy bay nào được đưa sang sân bay Takli cất giấu trước khi quân giải phóng dội tên lửa xuống phi trường Tân Sơn Nhất sáng 29/4/1975.

Tối 28/4 những người di tản đã làm náo động cả thành phố với những đoàn xe hơi, xe thùng bất chấp lệnh giới nghiêm cứ ùn ùn kéo về tòa ĐSQ Mỹ, phi trường Tân Sơn Nhất và các trung tâm di tản khác. Vào lúc này, phía quân đội Bắc Việt đã xác định xong các mục tiêu cuối cùng của họ. Sáng 29/4, các đơn vị quân đội Bắc Việt từ các hướng được lệnh tiến thẳng vào Sài Gòn. Lữ đoàn xe tăng thiết giáp 203 quân đội Bắc Việt đã vượt qua Biên Hòa đang ào ạt tiến về Sài Gòn từ phía Đông theo đường quốc lộ số 1.

Suốt đêm 28 và cả ngày 29/4, Sài Gòn rơi vào tình trạng di tản hoảng loạn. Các máy bay vận tải quân sự C–130 và các máy bay trực thăng bay kín bầu trời hối hả chở người Mỹ và các quan chức, binh lính Chính quyền Sài Gòn cùng gia đình họ ra tàu sân bay Mỹ ngoài khơi.

Đường phố Lê Quí Đôn, nơi có trụ sở Phòng Thông tin Hoa Kỳ chật cứng những người chạy di tản. Trưa 29/4 (giờ Sài Gòn) tại Washington lúc đó là nửa đêm, Tổng thống Mỹ Gerald Ford căng thẳng và mệt mỏi. Dưới tầng lầu, Ngoại trưởng Henry Kissinger đọc lướt các bức điện từ Sài Gòn dồn dập truyền về. Bức điện mới nhất từ tướng Homer Smith, Trưởng Phòng Tùy viên quân sự Mỹ (DAO) tại Sài Gòn, khẳng định quân đội chính quyền Sài Gòn đã sụp đổ và Bộ chỉ huy của nó không còn tồn tại nữa.

Vào lúc này, tại tổng hành dinh Bộ tổng tham mưu liên quân quân đội Chính quyền Sài Gòn, tư lệnh không quân Nguyễn Cao Kỳ đi bộ lững thững một mình trong những căn phòng trống rỗng. Trước đó, vào buổi sáng cùng ngày, Kỳ đã bố trí xong xuôi cho vợ con đi di tản. Kỳ điện thoại lên sở chỉ huy không quân, ai đó nhắc ống nghe nói rằng mọi người đã bỏ nhiệm sở chạy hết lên Phòng Tùy viên quân sự Mỹ chờ đi di tản.

Kỳ vừa đặt ống nghe xuống thì tướng Ngô Quang Trưởng, nguyên tư lệnh quân khu 1 bước vào dáng vẻ tiều tụy và cay đắng. Kỳ bước tới vỗ vai Trưởng nói: “Đi theo tôi”. Sau đó Kỳ và Trưởng lên chiếc trực thăng riêng của Kỳ bay thẳng ra tàu sân bay Mỹ USS Midway đỗ ngoài khơi.

Tại khuôn viên Phòng Tuỳ viên quân sự Mỹ, tướng Phú cựu tư lệnh quân khu 2 trong bộ quân phục là phẳng phiu tới gặp Tuỳ viên quân sự Homer Smith xin cho vợ con ông ta đi di tản. Phú không xin bất cứ điều gì cho mình. Sau khi vợ con Phú đã lên máy bay, Phú quay ra, rút súng tự dí vào đầu mình bóp cò tự sát. Tại Dinh Tổng thống, tư lệnh hải quân Diệp Quang Thủy tới mời Tổng thống Dương Văn Minh lên tàu thủy đi di tản. Minh buồn bã lắc đầu từ chối, nói rằng ông sẽ phải ở lại cho đến cùng.

Cuộc di tản trong hoảng loạn diễn ra hối hả đến tận sáng 30/4/1975. Sĩ quan cao cấp CIA Frank Snepp dìu Đại sứ Martin lên chiếc trực thăng đậu trên nóc tòa nhà ĐSQ Mỹ. Martin run lẩy bẩy bước lên máy bay, dường như  lúc này ông ta đã trở nên quá yếu đuối. Chiếc trực thăng chở Đại sứ Mỹ Martin rời Sài Gòn lúc 5 giờ sáng ngày 30/4. Khoảng 5 giờ 30, lữ đoàn xe tăng 203 quân đội Bắc Việt vượt cầu Tân Cảng tiến vào thành phố.

Chiếc trực thăng cuối cùng chở người di tản từ nóc nhà ĐSQ Mỹ cất cánh lúc 7 giờ 53 phút, trễ hơn nhiều so với hạn chót mà Washington đặt ra là 3 giờ 45 phút. Đến trưa cùng ngày, Chính quyền Sài Gòn sụp đổ, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Từ tàu sân bay USS Denver, Frank Snepp nghe đài BBC đưa tin: “Quân đội Bắc Việt đã tiến vào Sài Gòn. Họ đã đổi tên nơi đây là thành phố Hồ Chí Minh”.

* Các đầu đề do Tiền Phong đặt.

MỚI - NÓNG