Kỳ 13 : Trần Văn Hương xin làm Tổng thống thêm nửa ngày

Kỳ 13 : Trần Văn Hương xin làm Tổng thống thêm nửa ngày
Ngày 26/4/1975, dòng người di tản từ Biên Hòa chạy về hướng Sài Gòn đã đông kín xa lộ 4 làn đường. Xa lộ này từng là niềm tự hào của các kỹ sư Mỹ nay trở thành một dòng chảy xe cộ nối đuôi nhau san sát.

Các lực lượng an ninh Chính quyền Sài Gòn cố gắng lập nhiều trạm kiểm soát cách nhau khoảng 3 km nhằm ngăn chặn các lực lượng đối phương trà trộn để thâm nhập vào Sài Gòn. Nhưng chẳng bao lâu toàn bộ những trạm kiểm soát đó bị dẹp hết sang lề đường. Cùng ngày, các tướng lĩnh trong đó có Cao Văn Viên và Trần Văn Đôn đã đến Dinh Tổng thống và dành trọn buổi sáng để thuyết phục Trần Văn Hương từ chức.

 Cuối cùng khoảng đến gần trưa, Hương mới đồng ý  sẽ từ chức một cách miễn cưỡng. Hương đặt điều kiện là sự từ chức phải theo qui định của Hiến pháp. Trần Văn Hương nói chẳng có cơ sở và điều kiện nào để ông ta chuyển giao quyền lực thẳng cho Dương Văn Minh. Theo Hương, Quốc hội Chính quyền Sài Gòn phải hợp pháp hóa điều đó bằng cách tổ chức một cuộc bỏ phiếu chính thức để bầu Dương Văn Minh làm Tổng thống. Sau đó, Trần Văn Hương viết một lá thư gửi Quốc hội giải thích quan điểm của mình. Trong lá thư này, Hương viết: “Nếu các vị không thể quyết định thay tôi bằng tướng Minh, và nếu chúng ta không thể thương lượng thành công thì Sài Gòn sẽ biến thành một biển máu và chúng ta sẽ vẫn còn phải đấu tranh vì danh dự quốc gia”.

Đại sứ Mỹ Graham Martin cũng tin rằng Hà Nội có thể chấp nhận một giải pháp hòa bình dễ dàng. Trong khi đó, thật trớ trêu, lời bình luận tiêu cực về tuyên bố mới nhất của Hà Nội tại Sài Gòn lại xuất phát từ Đại sứ Quán Pháp. Tham tán ĐSQ Pháp Pierre Brochand trong một cuộc nói chuyện với chỉ huy trưởng CIA Thomas Polgar chiều 26/4 nói rằng ông ta đã nhanh chóng mất niềm tin  ở các triển vọng hòa bình và còn sợ rằng thậm chí cả cơ hội thương lượng đầu hàng cũng đã mất do sự chần chừ của các nhà chính trị Sài Gòn.

Trong khi các quan sát viên ở Sài Gòn và Washington tranh cãi nhau về ý định thực sự của Hà Nội thì quân đội Bắc Việt đã rầm rộ tiến quân trên con đường đầy bụi ở phía bắc quân khu 3. Rạng sáng ngày 26/4, quân đội Bắc Việt đã từ Lộc Ninh tiến về phía  Nam chiếm trại biệt kích quân đội Sài Gòn ở Bến Cát, cách Sài Gòn khoảng 40 km về phía Bắc. Chính từ một căn lều mái lá ở đây, tướng Văn Tiến Dũng đã cùng với các cộng sự của ông chỉ huy phối hợp giai đoạn cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trận tổng tiến công vào Sài Gòn của quân đội Bắc Việt đã bắt đầu rồi mà các nhà chính trị Sài Gòn vẫn còn bế tắc trong các cuộc tranh cãi. Đến cuối ngày 26/4 các phe phái trong Quốc hội Chính quyền Sài Gòn vẫn còn tranh cãi chưa ngã ngũ về vấn đề liệu có thể và bằng cách nào để cải tổ chính phủ cho phù hợp và có thể thương lượng được với Hà Nội. Các nghị sĩ thuộc phe Nguyễn Văn Thiệu thì cương quyết chống lại việc Dương Văn Minh ứng cử tổng thống vì sợ tướng Minh khi đã có quyền trong tay thì họ sẽ bị trả thù.

Các nghị sĩ thuộc cánh hữu thì muốn bầu Nguyễn Cao Kỳ làm Tổng thống thay cho Trần Văn Hương. Cuối cùng, sự bế tắc tuyệt vọng trong Quốc hội  đã khiến cả Hạ và Thượng viện Sài Gòn nhất trí trả vấn đề này lại cho Tổng thống Trần Văn Hương. Quốc hội đã thông qua với 100% phiếu thuận một nghị quyết chung cho phép Hương tiến hành bất cứ hành động nào mà ông ta thấy cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng. Nghị quyết này không nêu rõ việc thay đổi Tổng thống mà Trần Văn Hương đề nghị trước đây.

Trong lúc mọi việc đang rối bời, Trần Văn Hương lại gây chuyện. Hương thông báo cho Chủ tịch Thượng viện Trần Văn Lắm rằng trong khi Hương sẵn sàng bổ nhiệm Dương Văn Minh là người kế nhiệm, nhưng quyết định trình điều này ra phiên toàn thể của Quốc hội để thông qua. Như vậy nếu có sai sót gì thì không phải là một mình Hương chịu trách nhiệm. Ngay sau đó, Trần Văn Lắm triệu tập 134 nghị sĩ tới một phiên họp bất thường. Để đảm bảo chắc chắn rằng Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết cho phép hành động nhanh, Lắm mời các tướng Cao Văn Viên, Trần Văn Đôn, và Bộ trưởng Kinh tế Nguyễn Văn Hảo tới thông báo tình hình.

Tuy nhiên, lại một lần nữa, sự ghen ghét, đố kỵ chính trị trong các nghị sĩ đã không cho phép Thượng viện thông qua nghị quyết nào. Các cuộc tranh cãi không phân thắng bại kéo dài đến hết buổi chiều. Mỗi lần Thượng viện giải lao, Trần Văn Lắm lại sai người của mình đi gặp Dương Văn Minh để hỏi ý kiến. Minh và những người ủng hộ ông ta thống nhất quan điểm rằng nếu Quốc hội không nhanh chóng đạt được sự đồng thuận, Tổng thống Trần Văn Hương sẽ phải bị lật đổ bằng vũ lực.

Sau nhiều giờ tranh cãi, cuối cùng Quốc hội Chính quyền Sài Gòn cũng đi tới một quyết định. Với 1/ 3 số nghị sĩ vắng mặt, cả Thượng và Hạ viện đã bỏ phiếu hoàn toàn nhất trí thông qua nghị quyết trao toàn quyền cho Dương Văn Minh làm Tổng thống theo khuyến nghị của Trần Văn Hương. Lễ tuyên thệ nhậm chức của Dương Văn Minh sẽ được tổ chức ngay ngày hôm sau. Trần Văn Hương lên diễn đàn tha thiết xin Quốc hội cho phép không tổ chức lễ nhậm chức của Tổng thống mới Dương Văn Minh vào buổi sáng hôm sau mà rời sang buổi chiều. Hương giải thích rằng ông ta muốn kéo dài thêm nửa ngày làm Tổng thống để ông có thể nói với gia đình và bè bạn rằng Trần Văn Hương đã từng làm Tổng thống Chính quyền Sài Gòn được đúng một tuần.

Sau kỳ họp bất thường của Quốc hội Chính quyền Sài Gòn, Dương Văn Minh liền bắt tay vào việc phỏng vấn các ứng cử viên vào các ghế trong nội các mới. Đây là công việc đầy khó khăn vì hầu hết các nhà chính trị ở Sài Gòn lúc đó đều ít nhiều dính líu đến phe cánh Nguyễn Văn Thiệu. Chỉ có mỗi trường hợp ứng cử viên Vũ Văn Mẫu là Dương Văn Minh quyết định chọn ngay vào chức Thủ tướng. Biết mình không còn cơ hội nào để lên chức Tổng thống nữa, tư lệnh không quân Nguyễn Cao Kỳ liền chuyển sang ủng hộ hoàn toàn Dương Văn Minh. Ngoài ra, Kỳ còn ra lệnh cho những người dưới quyền ông ta làm theo như vậy

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.