Kỳ 11: Tổng thống Trần Văn Hương đón nhầm vận mệnh

Kỳ 11: Tổng thống Trần Văn Hương đón nhầm vận mệnh
Trước thất bại liên tiếp ngoài chiến trường và chiến sự đã diễn ra ngay tại cửa ngõ Sài Gòn, Chính quyền Trần Văn Hương đáng lẽ phải đoàn kết nhau lại để đương đầu với nguy cơ sụp đổ thì lại lún vào những sự ghen ghét đố kỵ và tranh giành quyền lực.

Nguyễn Cao Kỳ là kẻ cực hữu. Tại một bữa tiệc tổ chức hôm 23/4, Kỳ đã thúc giục quân đội chính quyền Sài Gòn tiếp tục chiến đấu để giúp cho một “nội các mới” có thể thương lượng được với Hà Nội. Trong khi đó, những nhân vật thực dụng hơn như các tướng Cao Văn Viên, Trần Văn Đôn thì vì sợ Kỳ và phe cánh của ông ta làm đảo chính nên tạm thời đồng ý với Kỳ theo cách riêng của mình.

Tướng Dương Văn Minh thì cổ xúy cho một sự thay đổi lãnh đạo không cần theo pháp luật. Minh không bao giờ chấp nhận việc Hương bổ nhiệm nhân sự nội các. Dương Văn Minh nói với tướng Cao Văn Viên rằng chỉ khi nào có một chính phủ liên hiệp không chính thức của những người trung lập mời ra làm Tổng thống thì Minh mới nhận lời.

Trong khi đó, viên tướng già cổ lỗ sĩ Trần Văn Hương vẫn tỏ ra muốn bám giữ chức Tổng thống Chính quyền Sài Gòn. Có lần Hương nói với Đại sứ Pháp Jean Marie Marillon rằng “Thiệu đã chạy trốn vận mệnh… Còn vận mệnh lại đến với tôi”.

Để chứng tỏ mình là người có thực quyền, Hương ra lệnh dỡ bỏ tất cả những khẩu hiệu, tranh áp phích có nội dung chống cộng sản trên toàn thành phố Sài Gòn. Đồng thời, Hương cử một trợ lý của mình ra phi trường Tân Sơn Nhất để mở “các cuộc thương lượng” với đoàn Bắc Việt Nam trong phái đoàn đại diện quân sự hỗn hợp.

Sáng 24/4, Hương thể hiện đạo đức giả, chỉ thị cho tướng Cao Văn Viên yêu cầu quân đội thực hiện rầm rộ việc “rút vào phòng ngự” cốt làm cho Hà Nội tin là Chính quyền Sài Gòn thực sự chân thành mong muốn hòa bình. Khi nhận được chỉ thị này, một số tướng lĩnh dưới trướng Cao Văn Viên đã công khai phản đối Hương.

Các tướng lĩnh này không ảo tưởng về sức mạnh của quân đội Chính quyền Sài Gòn nên chủ trương đánh mạnh trên chiến trường để có cái mặc cả trên bàn thương lượng theo cách có đi có lại. Tướng Nguyễn Văn Toàn gợi ý đề nghị Mỹ cho máy bay B52 ném bom lần cuối cùng.

Cao Văn Viên bác bỏ ngay đề xuất của Toàn vì trên thực tế làm gì còn B52. Tuy nhiên, Mỹ cũng hỗ trợ quân đội Sài Gòn bằng cách cho máy bay vận tải C-130 ném bom thảm sát CBU – 55  và bom Daisy Cutter xuống Xuân Lộc.

Phía quân đội Bắc Việt lập tức đáp trả bằng những đợt pháo kích dữ dội chưa từng có xuống sân bay Biên Hòa khiến không một đường băng nào còn nguyên vẹn. Dưới làn đạn pháo dữ dội của đối phương, các phi đội máy bay chiến đấu F – 5A phải chuyển về Sài Gòn trong khi các máy bay A – 37 phải lánh nạn dưới Cần Thơ.

Lúc này tại Sài Gòn, các doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu di tản nhân viên của họ ra nước ngoài bằng các chuyến bay hợp đồng riêng….

Trong khi các đơn vị quân đội Bắc Việt đang chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng vào Sài Gòn thì Tổng thống “già” Trần Văn Hương cũng đang đưa ra những nỗ lực cuối cùng. Trong các cuộc trao đổi bí mật với đoàn Hà Nội tại phái đoàn đại diện quân sự hỗn hợp ở Tân Sơn Nhất, Hương đề xuất cho phép cử ra Hà Nội một người trung gian để thảo luận ngừng bắn.

Đề xuất này bị phía Hà Nội bác bỏ thẳng thừng. Trần Văn Hương lại đưa ra đề xuất khác rằng ông ta sẽ cho mở cửa các nhà tù để trả lại tự do cho tất cả những “tù nhân chính trị” trong đó có cả 18 nhà báo bị bắt giam hồi tháng 2/1975. Hương coi đây là cử chỉ thiện chí của mình.

Phía Bắc Việt không thèm để ý đề xuất thứ hai của Hương. Họ cũng chẳng thèm bận tâm đưa ra lời bình luận nào. Trong cơn tuyệt vọng, Hương bí mật tới gặp tướng Dương Văn Minh để thuyết phục Minh chấp nhận chức Thủ tướng trong Nội các của  Hương. Nhưng Minh cũng lạnh nhạt với mọi đề xuất của Hương.

Trong khi đó, các nhân vật chính trị có máu mặt ở Sài Gòn đang tập hợp lực lượng để chống lại Trần Văn Hương. Một trong những người hăng hái nhất trong việc đòi lật đổ Hương là Trần Quốc Bửu -  lãnh tụ công đoàn từng cộng tác bí mật nhiều năm với CIA.

Một nhà sư công khai đề nghị Hương từ chức để nhường ghế Tổng thống cho Dương Văn Minh. Còn tư lệnh không quân Nguyễn Cao Kỳ thì tổ chức một cuộc biểu tình ở ngoại ô Sài Gòn với sự tham gia của 5.000 tín đồ Thiên Chúa giáo, hô những khẩu hiệu chống Hương.

Kỳ cho rằng, sở dĩ quân đội Bắc Việt giành được thắng lợi là vì các tướng lĩnh và sĩ quan quân đội Sài Gòn chưa đánh đã bỏ chạy.

Đến nước này, Tổng thống Hương bắt đầu nhìn lại những thành bại của mình trong mấy ngày qua. Hương cho rằng mình không có lỗi. Sở dĩ có các cuộc biểu tình chống chính quyền là do hậu quả của Nguyễn Văn Thiệu để lại.

Hương cho rằng vì Thiệu mà Hà Nội cũng không thèm đối thoại với Hương.  Nghĩ vậy nên Trần Văn Hương đi đến quyết định tìm cách tống cổ Thiệu ra khỏi Sài Gòn.

Kể từ khi từ chức, Nguyễn Văn Thiệu vẫn chưa muốn rời sân khấu chính trị. Ông ta vẫn nung nấu những ý đồ trả thù một số đối thủ chính trị và phục hồi danh dự.

Trong khi đó, vì quá sợ hãi, vợ Thiệu đã đáp chuyến máy bay thương mại ngày 25/4 đi Bangkok. Em ruột Thiệu khi đó đang làm Đại sứ ở Đài Loan thì bay về Sài Gòn để thuyết phục Thiệu đi di tản.

Thiệu bỏ ngoài tai mọi lời khuyên của vợ và em trai. Thiệu tin rằng mình vẫn có một vai trò ở Sài Gòn. Ông ta nói với người em họ Trần Đức Nhã: “Trường hợp bắt buộc phải chạy ra nước ngoài, tôi sẽ đi trong danh dự có một nhân viên của mình đi kèm”.

Trần Đức Nhã liền bảo Thiệu rằng chẳng còn thời gian để cho Thiệu thực hiện ý định trả thù và phục hồi danh dự nữa. Nhã thúc giục Thiệu phải rời Việt Nam ngay. Nghe nói vậy, Thiệu mới bừng tỉnh.

Hương muốn đẩy Thiệu ra nước ngoài nhưng không muốn tự mình làm việc đó vì sợ những kẻ thuộc hạ trung thành với Thiệu trả thù. Hương đến nhờ Đại sứ Mỹ Martin dàn xếp để Thiệu di tản. Martin không muốn mọi người hiểu là ĐSQ Mỹ đã tham gia phế truất Thiệu nên còn lưỡng lự.

Trong khi đó, đối thủ của Thiệu là Dương Văn Minh cho rằng tuy đã từ chức nhưng Thiệu luôn cản trở việc Minh lên làm tổng thống Chính quyền Sài Gòn. Minh cũng tới gặp tướng CIA Timmes để nhờ dàn xếp cho Thiệu đi cư trú ở nước ngoài.

(Còn nữa)

Kỳ sau: Cuộc ra đi trong nước mắt của kẻ thất sủng Nguyễn Văn Thiệu

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.