Kỳ 1: Tàu cũ, giá cao: Chắc chắn lỗ

Tàu Hoa Sen của Vinashin
Tàu Hoa Sen của Vinashin
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong về việc tiếp nhận các dự án, đội tàu từ Vinashin, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) Trần Hữu Chiều cho rằng, điều lo nhất là bên bàn giao Vinashin sẽ không nói hết sự thật từ tổng thể doanh nghiệp cho đến từng con tàu mà đơn vị này sẽ bàn giao cho Vinalines theo quyết định tái cơ cấu Vinashin của Thủ tướng Chính phủ.

>>Tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin
>> Loạt bài Cận cảnh con tàu Vinashin

Tàu Hoa Sen của Vinashin
Tàu Hoa Sen của Vinashin.


Dư luận đang đặc biệt quan tâm việc tái cơ cấu Vinashin, nhất là việc chuyển đội tàu cũ của Vinashin sang Vinalines, ông suy nghĩ gì về việc chuyển giao này?

Đây là vấn đề nóng bỏng trong thời gian qua. Vinalines là một tổng công ty 91 được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp nhận một số doanh nghiệp vận tải biển, cảng và khu công nghiệp từ Vinashin. Theo mục tiêu phát triển chiến lược biển của T.Ư Đảng, từ nay đến 2020 thì dầu khí là chính. Sau 2020 thì kinh tế hàng hải sẽ là chủ lực trong kinh tế biển.

Để chuẩn bị, Vinalines phải có sự đầu tư bứt phá trong việc phát triển đội tàu, cảng biển. Việc điều chuyển này thể hiện sự tập trung trong việc phát triển kinh tế biển, cụ thể là hàng hải. Lĩnh vực chính của Vinalines là vận tải biển, cảng, dịch vụ hàng hải.

Từ khi được thành lập đến nay, các địa phương, ngành khác cũng đã điều chuyển một số cảng biển về cho Vinalines, như cảng Cái Cui (Cần Thơ), cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Việc tái cơ cấu Vinashin và chuyển đội tàu, cảng cho chúng tôi là định hướng đúng. Chúng tôi đã yêu cầu Vinashin là mỗi đơn vị được chuyển giao đều phải có báo cáo cụ thể về tài chính, công nợ, tổ chức, nhân sự.

Vấn đề là một số tàu của Vinashin có tuổi quá cao, phải sửa chữa nhiều lần, vậy đây có phải là gánh nặng cho Vinalines?

Tôi được biết tuổi của đội tàu Vinashin đã cao, tình trạng kỹ thuật cũng kém. Nhưng thực trạng cụ thể thế nào chúng tôi chưa rõ. Sau khi nắm thực trạng từng con tàu, chúng tôi sẽ tổ chức lại với mục tiêu là phải đảm bảo đời sống cho người lao động. Muốn vậy, chúng tôi phải biết được bức tranh thực của các đội tàu này gồm: Tàu bao nhiêu tuổi, kỹ thuật ra sao, tàu đang bị bắt ở đâu, muốn giải tỏa ra thì cần bao nhiêu vốn?

Ông Trần Hữu Chiều
Ông Trần Hữu Chiều .

Chúng tôi hy vọng đội tàu của Vinashin không đến nỗi xấu lắm và khi về bên này chúng tôi chỉ bỏ một ít công sức để tổ chức lại. Từ nay đến 15-7 việc bàn giao đội tàu phải xong. Quan điểm là bàn giao nguyên trạng. Sau đó, chúng tôi sẽ thuê kiểm toán độc lập để xác định giá trị từng con tàu, doanh nghiệp và công nợ. Từ đó mới có cơ sở để giải quyết bước tiếp theo.

Trường hợp tàu đã quá tuổi sử dụng, không đáp ứng được yêu cầu vận tải thì Vinalines đã có hướng xử lý gì chưa?

Theo Luật Hàng hải, nếu tàu mua trên 15 tuổi là không được nhập cảnh vào Việt Nam, mà chủ tàu phải treo cờ nước ngoài. Những tàu trên 20 tuổi vẫn có thể hoạt động nếu chủ tàu thực hiện bảo dưỡng tốt. Trường hợp đã sửa chữa mà vẫn không đạt yêu cầu của cơ quan đăng kiểm thì rất căng.

Trong bối cảnh giá cước vận tải đang xuống, đội tàu tuổi càng cao thì càng bị chủ hàng ép giá. Nếu đánh giá thực trạng, thấy kinh doanh lỗ quá thì chúng tôi phải đề xuất HĐQT bán những tàu này đi. Phải cắt lỗ một lần. Ví như giá trị tàu còn khoảng 100 triệu, bán hiện nay chỉ được 40 triệu, bán lỗ ngay 60 triệu còn hơn để lỗ dây dưa năm này sang năm khác.

Ông có ngạc nhiên không khi một tập đoàn lớn như Vinashin lại mua đội tàu tuổi quá cao như vậy?

Những đơn vị kinh doanh vận tải biển chuyên ngành đi mua tàu không bao giờ chọn những tàu tuổi cao, tình trạng kỹ thuật thấp. Cũng có một số chủ tàu mua tàu già về khai thác một thời gian rồi bán đi. Nhưng trong quá trình mua bán phải tính toán để có giá thấp nhất, khai thác trong thời gian ngắn nhất, không để phải đầu tư, sửa chữa gì. Còn đội tàu của Vinashin, chúng tôi nghe là mua tàu cũ mà giá lại cao. Dư luận như vậy nhưng chúng tôi cũng chưa tiếp cận cụ thể. Trường hợp nếu mua tàu cũ, giá cao về kinh doanh vận tải thì chắc chắn là lỗ.

Nỗi lo

Vậy ông đánh giá phương thức đầu tư, phát triển lĩnh vực vận tải biển thời gian qua của Vinashin ra sao?

Cũng có lĩnh vực Vinashin có sức cạnh tranh, như lĩnh vực vận tải container. Còn đội tàu vận tải hàng hóa thì chúng tôi thấy cách đầu tư, quản lý của họ chưa có hiệu quả cao. Tốc độ phát triển đội tàu của Vinashin cũng không phải nhanh. Chỉ có điều là cung cách quản lý, nhất là công tác quản lý kỹ thuật, nhân lực không tốt, dẫn đến tình trạng đội tàu như hiện nay.

Vậy theo ông nguyên nhân dẫn đến tình trạng của Vinashin hiện nay là do quản lý kém hay chất lượng tàu?

Chất lượng tàu cũng phụ thuộc vào công tác quản lý. Trình độ quản lý tốt sẽ mua được tàu chất lượng, giá hợp lý. Còn nếu cán bộ không có chuyên môn sẽ mua tàu hớ, về khai thác không hiệu quả. Đấy là tôi chưa nói đến vấn đề trong quá trình đàm phán mua có điều này điều khác, thì không thể biết được.

Từ thực tế này, điều lo ngại nhất của Vinalines khi “ôm” đội tàu này là gì?

Lo nhất là bên bàn giao không nói hết sự thật, từ tổng thể doanh nghiệp cho đến từng con tàu. Cụ thể là tình trạng kỹ thuật, hiệu quả khai thác, trình độ đội ngũ sỹ quan thuyền viên, bộ máy quản lý. Nếu bộ máy của họ tương đối rồi, chỉ vì cách quản lý chưa tốt thì về đây chúng tôi đề xuất biện pháp để đưa vào quy chuẩn. Nhưng cả sỹ quan, thuyền viên, cán bộ kỹ thuật đều không chính quy thì nhận về chúng tôi cũng không biết lấy người ở đâu để thay thế vào. Muốn cải tạo thì đầu tiên phải có con người.

Bán tàu làm sắt vụn thì mất vốn

Đối với những con tàu quá cũ, nát thì việc bán thanh lý có quá khó khăn không, thưa ông?

Bán thì không khó. Nhưng khó nhất là xác định giá trị tàu còn bao nhiêu. Mua với giá cao mà bán làm sắt vụn thì mất vốn nhà nước. Vậy nhà nước có chấp nhận không? Chúng tôi chỉ sợ giá trị thực của tàu thấp hơn giá trị sổ sách. Khi tiếp cận cụ thể thì mới có biện pháp xử lý. Chúng tôi sẽ phân định từng doanh nghiệp, con tàu cụ thể. Góc độ nào thuộc thẩm quyền xử lý của tổng công ty, lĩnh vực nào phải các bộ, ngành can thiệp, cho ý kiến. Bước đầu nhận về là giữ nguyên trạng, chưa nhập vào đơn vị cụ thể nào. Các đơn vị vận tải của chúng tôi đa phần đã cổ phần hóa. Nên việc sáp nhập chưa đặt ra.

Đối với con tàu Hoa Sen, nhiều người nói con tàu này là biểu trưng cho cung cách làm ăn của Vinashin, vậy Vinalines suy nghĩ gì khi nhận lại con tàu này?

Lĩnh vực chuyên chở hành khách bằng đường biển đã có một doanh nghiệp của Vinalines thực hiện. Khi đó là thời kỳ bao cấp, đã được hỗ trợ mà vẫn lỗ. Do vậy, ngay khi Vinashin đầu tư tàu Hoa Sen chúng tôi đã thấy rất khó thành công. Bây giờ yêu cầu chuyển nguyên trạng thì chúng tôi vẫn phải tiếp nhận.

Cũng có thể sau này chuyển thành một khách sạn nổi, hoặc dùng để chạy trên một số đảo. Còn hướng bán con tàu này cũng khó khăn, do tàu mua với giá rất cao. Vậy bây giờ bán với giá bao nhiêu? Nếu vốn cá nhân thì có thể mạnh dạn bán đi để thu về được đồng nào hay đồng đấy. Nhưng đây là vốn nhà nước, nên cần tính toán kỹ.

(Còn nữa)

Hà Nhân (thực hiện)

MỚI - NÓNG