Kung fu - từ môn võ của sát thủ Trung Quốc đến thể thao đối kháng

Kung fu - từ môn võ của sát thủ Trung Quốc đến thể thao đối kháng
Võ thuật Trung Quốc từng được dùng bởi sát thủ và những người mãi võ để kiếm tiền trước khi phát triển thành môn thể thao hiện đại.

Thất bại ê chề của một võ sư Thái Cực Quyền Trung Quốc trước một võ sĩ MMA (võ tự do) đã khiến võ thuật Trung Quốc nhận được nhiều sự chú ý.

Võ thuật Trung Quốc có lịch sử hơn 2.000 năm, đóng góp vào nền văn hoá và văn học của nước này. Tiểu thuyết Trung Quốc thường mô tả kỹ năng chiến đấu cao cường của các nhân vật anh hùng.

Nhưng võ thuật Trung Quốc, còn được gọi là kung fu, đã được thực hành với nhiều lý do hơn là chiến đấu đơn thuần. SCMP đã nhìn lại lịch sử của kung fu qua các triều đại.

Sát thủ và đấu sĩ

Trong vài trăm năm trước khi triều đại nhà Tần (221 - 207BC) bắt đầu, giới quý tộc Trung Quốc đã thuê sát thủ để bảo vệ họ hoặc xâm chiếm địa bàn của kẻ thù. Sau đó, một số gia đình giàu có còn nuôi các đấu sĩ, buộc họ phải chiến đấu để mua vui cho khán giả.

Khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, vương triều của ông đã xóa sổ những tay sát thủ này. Tuy nhiên, chiến thuật chiến đấu của họ đã được truyền lại cho thế hệ sau, mặc dù mang tính nghệ thuật biểu diễn nhiều hơn, với các yếu tố giống như múa, kịch nghệ và nhào lộn.

Mãi võ trên đường phố

Trong 750 năm giữa triều Đường (618 - 907) và triều Nguyên (1279 - 1368), các nhóm võ thuật kiếm tiền đã nảy nở khắp Trung Quốc khi giao thương phát triển mạnh ở kinh thành và các thị trấn sầm uất. Nhiều người luyện võ biểu diễn tài nghệ trên đường phố hoặc thách khán giả đấu với họ để xin tiền.

Binh lính và tổ chức ngầm

Trong thời gian đó, đặc biệt là trong triều Tống (960-1279), việc dạy võ thuật cho binh lính đã được thúc đẩy. Những tướng hoặc binh lính có khả năng chiến đấu tay đôi tốt được trọng dụng. Nhiều loại vũ khí chiến đấu cũng được phát minh hoặc cải tiến trong thời gian này.

Nhưng khi Trung Quốc bước vào triều Nguyên và triều Thanh (1644 - 1911), việc sử dụng vũ khí trong võ thuật bị cấm. Thay vào đó, võ chiến đấu tay không trở nên phổ biến. Quân phản Thanh cũng sử dụng thế võ này để xây dựng các tổ chức ngầm khắp đất nước.

Thể thao và thách đấu

Trong đầu thế kỷ 20, khi triều Thanh bị lật đổ, võ thuật Trung Quốc đã đạt được một vị thế mới như một môn thể thao hiện đại. Năm 1936, đội võ thuật của Trung Quốc biểu diễn tại Thế vận hội Berlin.

Môn thể thao tiếp tục phát triển sau khi Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc được thành lập năm 1949, nhiều người bắt đầu tập võ như một hình thức tập thể dục. Môn võ thuật hiện đại với chương trình luyện tập, các bài quyền tổng hợp từ các võ phái cổ truyền Trung Quốc nổi tiếng được gọi là Wushu.

Các cuộc thi võ thuật cũng bắt đầu chấm điểm thí sinh dựa trên khả năng ra đòn của họ. Nhiều cuộc tỉ thí địa phương và quốc tế đã được tổ chức.

Năm 1943, cao thủ Hoa Quyền Thái Long Vân đã đánh bại một tay đấm bốc người Nga chỉ trong 5 phút. Vào năm 1954, cao thủ Thái Cực Quyền Ngô Công Nghi thi đấu với cao thủ Bạch Hạc Quyền Trần Khắc Phu tại Macau, trận đấu kết thúc với kết quả hoà.

Vào những năm 1960, ngôi sao điện ảnh Lý Tiểu Long, người khi đó luyện Vịnh Xuân Quyền, đã đánh bại Hoàng Trạch Dân, võ sư Thái Cực Quyền, trong ba phút. Trận đấu diễn ra riêng tư và không được ghi hình. Trận đấu này được cho là giúp Lý Tiểu Long nhận thấy những điểm yếu trong thực chiến của Vịnh Xuân Quyền và thôi thúc ông nghiên cứu, sáng tạo ra võ phái Triệt Quyền Đạo - kết hợp các môn võ Trung Quốc và các môn thể thao phương Tây.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.