Kon Tum: Tiềm năng – Thế mạnh – Nguồn lực

Kon Tum: Tiềm năng – Thế mạnh – Nguồn lực
TP - Nằm ở ngã ba biên giới ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia, Kon Tum là nơi hội tụ và giao nhau của các tuyến đường quốc lộ 40, 14, 24 nên có vị trí quan trọng về giao lưu kinh tế.

Kon Tum được đánh giá sẽ trở thành khu vực khởi đầu hội nhập, một địa điểm trung chuyển quan trọng trên tuyến hành lang thương mại quốc tế nối từ Myanma - Đông bắc Thái Lan - Nam Lào với khu vực Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ. Đây là tuyến hành lang thương mại đông - tây ngắn nhất thông qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

Cách không xa các khu vực kinh tế phát triển năng động của miền Trung như Đà Nẵng, Khu kinh tế Dung Quất – Quảng Ngãi, Khu Kinh tế mở Chu Lai – Quảng Nam, TP Quy Nhơn…, Kon Tum có nhiều điều kiện thuận lợi cuốn hút vào sự phát triển và chịu ảnh hưởng lớn của những khu vực phát triển này trong quá trình giao lưu kinh tế .

Việc hoàn thành các tuyến Quốc lộ 40, 24, 14-Đường Hồ Chí Minh và khai thông cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã phá thế ngõ cụt của tỉnh, mở ra nhiều cơ hội để giao thương kinh tế - thương mại - du lịch với cả nước và các nước trong khu vực.

Tỉnh Kon Tum có diện tích tự nhiên 9.690,5km2, đất nông nghiệp chiếm 82,2% với 796.148 ha (trong đó đất sản xuất nông nghiệp 135.441ha, đất lâm nghiệp 660.341ha), tiềm năng đất có khả năng nông lâm nghiệp có khả năng phát triển và hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm như cao su, cà phê, nguyên liệu giấy... đáp ứng cho công nghiệp chế biến.

Một số vùng của tỉnh Kon Tum độ cao trên 1.200m khí hậu mát mẻ là điều kiện thuận lợi để phát triển một số loại cây thực phẩm, dược liệu có lợi thế như rau, hoa xứ lạnh, chè, sâm Ngọc Linh…

Đây cũng là điều kiện và cơ sở để hình thành các thương hiệu gấn với các sản phẩm đặc thù của địa phương như : Trà túi lọc Ngũ vị tử Ngọc linh, Trà hòa tan Linh chi Sâm ngọc linh,Rượu sâm dây ngọc linh. Bên cạnh đó, sự hình thành của các lòng hồ thủy điện YaLy, Plei Krong … đã tạo nên một thế mạnh cho phát triển và nuôi trồng thủy sản. Kon Tum hội tụ đủ các yếu tố tiềm năng, thế mạnh để phát triển một nền kinh tế nông nghiệp toàn diện và đa năng.

Bên cạnh tiềm năng phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, hệ thống sông suối cùng với địa hình chia cắt của tỉnh đã tạo nên một nguồn thủy năng dồi dào vào loại bật nhất cả nước đáp ứng cho phát triển ngành công nghiệp điện.

Đây là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn và là hướng đi đúng của tỉnh, góp phần thay đổi diện mạo nền kinh tế tỉnh Kon Tum.

Những năm gần đây Kon Tum được biết đến như một điểm đến mới mẻ hấp dẫn Du lịch Việt Nam.

Tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú , trong tương lai không xa, khu du lịch Măng Đen sẽ là điểm nhấn của con đường xanh Tây Nguyên, giữa các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên với vùng tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi và khu kinh tế lớn Dung Quất của Quảng Ngãi, khu kinh tế mở Chu Lai của Quảng Nam.

Kon Tum còn có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú nhưng chưa được khai thác hiện quả. Theo điều tra, Kon Tum có 214 mỏ, điểm quặng và khoáng hoá với 40 loại khoáng sản thuộc nhiều loại hình, nguồn gốc khác nhau.

Trong đó, các nguyên liệu phục vụ cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng vừa phong phú về số lượng, vừa đa dạng về chủng loại, bao gồm 25 mỏ đất sét, cát xây dựng, cuội sỏi, đá hoa, đá vôi, đá granít, gabrô, đá sét…

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y đến năm 2025 có quy mô 70.438 ha, với tính chất là khu kinh tế động lực, trung tâm trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam- Lào- Campuchia, có quy chế hoạt động riêng, được xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ; phát triển thành đô thị loại II vùng biên giới, gắn kết với hành lang kinh tế Đông - Tây của khu vực, nhằm khai thác có hiệu quả các điều kiện về địa lý - chính trị - kinh tế - xã hội. Đến nay, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã và đang xúc tiến triển khai 41 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký lên đến 8.277 tỷ đồng.

Trong đó có 6 dự án đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 435 tỷ đồng và 35 dự án được chấp thuận chủ trương với tổng vốn đăng ký 7.842 tỷ đồng. Thị xã Kon Tum gắn với Khu công nghiệp Sao Mai Hòa Bình, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y cùng với Khu du lịch sinh thái Măng Đen là 3 vùng kinh tế động lực nằm trong định hướng phát triển tỉnh Kon Tum. 

Hiện có trên 100 dự án đang được xúc tiến triển khai trên địa bàn toàn tỉnh ở hầu hết các lĩnh vực, riêng năm 2007, có trên 85 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương tăng gấp 2,7 lần so với cả giai đoạn 2002-2006.

Các yếu tố lợi thế về vị trí chiến lược, tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, sự hình thành các vùng kinh tế động lực kết hợp với chính sách thu hút đầu tư cùng với sự nỗ lực của tỉnh, Kon Tum sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, góp phần tạo nên một diện mạo mới, đưa tỉnh Kon Tum vững tiến trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa- phát triển bền vững trong quá tình hội nhập.

MỚI - NÓNG