VEC chính thức lên tiếng về ‘bán thầu’ tại cao tốc Đà Nẵng–Quảng Ngãi

Mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sau sửa chữa.
Mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sau sửa chữa.
TPO - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)-chủ đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, vừa chính thức lên tiếng việc nhà thầu Posco E&C chia nhỏ gói thầu để “bán lại” cho các nhà thầu phụ trong nước thực hiện.

Theo VEC, gói thầu A5 là một trong 13 gói thầu xây lắp chính của dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, thuộc đoạn tuyến Tam Kỳ-Quảng Ngãi (sử dụng vốn của Ngân hàng Thế giới – WB), với tổng giá hơn 1.394 tỷ đồng. Qua đấu thầu quốc tế, nhà thầu POSCO E&C (Hàn Quốc) đã trúng thầu. 

Theo Nghị định 48/2010 và Nghị định 37/2015 (thay thế Nghị định 48/2010) quy định: Nhà thầu chính có thể có nhiều hợp đồng thầu phụ, với điều kiện các nhà thầu trong nước phải cùng ngành nghề, đảm bảo năng lực, được chủ đầu tư chấp thuận; Tổng thầu, nhà thầu chính không được giao lại toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện…

Dựa theo các nghị định trên, VEC đã ban hành quy trình phê duyệt nhà thầu phụ, với: Quy trình, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, hồ sơ, tiêu chuẩn đánh giá về tính hợp lệ, năng lực kinh nghiệm thi công, năng lực tài chính, thiết bị, nhân lực và kế hoạch huy động... 

Đối với gói thầu A5, tổng số thầu phụ được VEC chấp thuận là 11 đơn vị (8 nhà thầu phụ thi công xây lắp, 3 nhà thầu phụ kiểm định), tổng giá trị giao thầu 800,9 tỷ đồng. Trong đó có gói thầu gồm các cầu được Posco E&C “bán” lại cho thầu phụ là Liên danh Thiên Ân-Vinaconex.JSC. 

Theo biên bản làm việc của Thanh tra Bộ GTVT với Posco và VEC, với gói thầu các cầu, Posco giao lại cho Liên danh Thiên Ân-Vinaconex.JSC. Tuy nhiên, liên danh này thi công không đạt yêu cầu nên Posco huỷ hợp đồng và tiếp tục chia ra hơn 10 gói thầu để giao thầu cho các nhà thầu phụ khác.

Tuy nhiên, VEC chỉ chấp thuận với cho 2 nhà thầu thay thế liên danh là Xí nghiệp Cầu 17 với giá trị 259,3 tỷ đồng (thi công phần kết cấu phần dưới mố A1 đến trụ P10 và kết cấu nhịp dầm cầu Trà Khúc); và Công ty cổ phần Xây dựng công trình 510 với giá trị 46,67 tỷ đồng (thi công các cầu OP24A, OP25, ORB28A, CB38).

Theo VEC, trên thực tế, các nhà thầu quốc tế (nhà thầu chính) sang thực hiện thi công các công trình tại Việt Nam thường đem nhân sự quản lý từ nước họ sang làm công tác quản lý (chất lượng, tiến độ); nhà thầu quốc tế cũng sử dụng nguồn tài chính của họ để ứng trước thực hiện công trình. 

Để thực hiện các hạng mục công trình, nhà thầu chính có thể thuê các nhà thầu phụ hoặc dịch vụ thuê nhân công, máy móc thiết bị tại nước sở tại để thực hiện nhằm tiết giảm chi phí. 

Trên tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, gói thầu A5 thực hiện đoạn tuyến từ Km124+700 tới Km139+204, thuộc địa bàn các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi). 

Trước đó, tuyến cao tốc trên, đoạn tuyến Đà Nẵng – Tam Kỳ (đưa vào sử dụng tháng 8/2017) xuất hiện một số hư hỏng mặt đường, nhưng chậm khắc phục. Sau đó, Bộ GTVT đã yêu cầu dừng thu phí để khắc phục triệt để.

Về trách nhiệm cá nhân, VEC đã tạm đình chỉ công tác Giám đốc Ban QLDA Đà Nẵng-Quảng Ngãi.

Cảnh cáo 5 cá nhân gồm: Giám đốc điều hành liên danh nhà thầu gói 4; Giám đốc điều hành liên danh nhà thầu gói 6; Cán bộ phụ trách thi công nhà thầu gói 4 (đoạn Công ty Tuấn Lộc thi công); Cán bộ phụ trách thi công nhà thầu gói 6 (đoạn Tổng công ty Thành An thi công); Phó giám đốc kiêm đội trưởng đội vận hành và bảo trì Ban điều hành đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi (VECS) và tạm đình chỉ công tác Giám đốc Ban QLDA Đà Nẵng-Quảng Ngãi.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.