Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: Rộng cửa cho xuất khẩu

Nông sản, thủy sản sẽ được hưởng lợi lớn từ EVFTA. Ảnh: Châu Anh
Nông sản, thủy sản sẽ được hưởng lợi lớn từ EVFTA. Ảnh: Châu Anh
TP - Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ được các thành viên của EU thông qua thời gian tới. Nhiều chuyên gia khẳng định, xuất khẩu của Việt Nam sẽ nhanh chóng đạt mức tăng trưởng rất khá trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài. Tuy nhiên, khi EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cũng sẽ đối mặt không ít thách thức.

Thay đổi mạnh mẽ

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, EVFTA là bước quan trọng giúp cải thiện toàn diện môi trường kinh doanh, cũng như thể chế, giúp Việt Nam cơ cấu lại xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn. Nếu  được thông qua, EU sẽ là thị trường xuất khẩu nông thủy sản hàng đầu của Việt Nam.

Cụ thể, Việt Nam sẽ có lợi thế trở thành một đầu mối quan trọng trong chuỗi cung ứng nông nghiệp giữa khu vực ASEAN với các khu vực quan trọng khác trên thế giới. Trong đó, các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ có cơ hội tận dụng và phát huy ưu thế của thị trường chung của 10 nước ASEAN và sẽ có thể cùng với các nước ASEAN thành lập “câu lạc bộ” các nước xuất khẩu lớn các mặt hàng nông thủy sản, cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu tới toàn bộ 28 nước thuộc Liên minh EU nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan, hạn ngạch và thuận lợi hóa thương mại.

“Trong khi ASEAN là thị trường có hơn 620 triệu người tiêu dùng, GDP đạt trên 3.000 tỷ USD, thì thị trường EU càng tiềm năng hơn với quy mô khoảng 508 triệu người tiêu dùng, GDP đạt mức 18.510 tỷ USD. Tuy nhiên, để được hưởng các cam kết ưu đãi này, sản phẩm của ta phải đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Các DN Việt cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh thì mới có thể tận dụng được các cơ hội thâm nhập thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực”, Bộ Công Thương khuyến cáo.

Ngành dệt may xuất khẩu lợi nhất

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như hạt tiêu, cà phê, hải sản, điều... sẽ tăng đáng kể sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Ngoài ra, ngành thủy sản sẽ hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực, bởi 90% dòng thuế đánh vào các mặt hàng thủy sản xuất khẩu qua EU sẽ giảm về 0% trong 3 - 4 năm (mức thuế nhập khẩu vào EU hiện tại khoảng 14%).
Ngành da giày cũng được đánh giá là sẽ hưởng lợi nhiều. Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu giày dép và túi xách lớn thứ 3 thế giới, doanh thu sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm liên quan cũng tăng nhanh. Có thêm EVFTA sẽ mở ra cơ hội phát triển cho ngành da giày Việt Nam, đặc biệt là thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu sang EU.

Các DN dệt may Việt Nam được hưởng lợi trực tiếp nhiều nhất từ việc thuế sẽ giảm về 0%. Cùng đó, ngành này cũng được hưởng lợi từ việc chấp nhận quy tắc cộng dồn xuất xứ (xuất xứ gộp); không hạn chế về số lượng; giảm dần các rào cản thương mại; được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: Rộng cửa cho xuất khẩu ảnh 1 Ngành dệt may xuất khẩu được lợi nhất
Thách thức không nhỏ

Theo Bộ Công Thương, lợi ích của EVFTA sẽ chỉ phát huy hiệu quả nếu từng DN nắm bắt đầy đủ nhất các nội dung cam kết để có thể vận dụng tối đa các ưu đãi cũng như sẵn sàng đối phó với sức ép cạnh tranh ngày càng tăng, nâng cao khả năng cạnh tranh, ngày càng tham gia sâu vào các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu. Đây là những cảnh báo hoàn toàn có thật nếu nhìn kỹ vào các cam kết của EVFTA, cam kết của EU với Việt Nam cao hơn cam kết của EU trong WTO và tương đương với mức cao nhất của EU trong các FTA gần đây của EU. Ngược lại, cam kết của Việt Nam với EU cao hơn cam kết của Việt Nam trong WTO và ít nhất là ngang bằng với độ mở tối đa mà Việt Nam thỏa thuận với các đối tác FTA khác.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho hay, sau khi TPP chuyển thành CPTPP, EVFTA là hiệp định thương mại tự do lớn nhất về quy mô mà Việt Nam từng đàm phán tính tới thời điểm này.  Bà Trang cũng lưu ý, Việt Nam đã và đang thực thi 10 FTA nhưng tỷ lệ tận dụng các cơ hội từ các hiệp định này còn khá hạn chế. Chẳng hạn, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu tận dụng được ưu đãi thuế quan qua nhiều năm mới chỉ đạt xấp xỉ 30%, chưa kể, những khía cạnh khác phức tạp hơn về mở cửa cạnh tranh, cải cách thể chế…Với một FTA thế hệ mới và nhiều thách thức như EVFTA, điều này lại càng khó khăn hơn.  
 Theo cam kết trong EVFTA, EVFTA sẽ loại bỏ hầu hết các dòng thuế giữa EU và Việt Nam. Dự kiến, thuế quan đối với 65% giá trị hàng hóa xuất từ EU sẽ được loại bỏ và phần còn lại sẽ được loại trong vòng 10 năm. 71% trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (84% các dòng thuế) vào EU sẽ được miễn thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực. Theo số ước tính của Bộ Công thương, GDP của Việt Nam tăng thêm 0,5%/năm và xuất khẩu sang EU sẽ tăng 30 - 40% trong 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), EVFTA sẽ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của Việt Nam trên tất cả các ngành, lĩnh vực; cải thiện khuôn khổ pháp lý và môi trường đầu tư kinh doanh... 
MỚI - NÓNG