Lãi suất huy động vượt trần
Theo ông Nghĩa, thực tế lãi suất huy động tiền gửi những ngày gần đây đã lên đến 19-20%. “Cá biệt, có chủ tịch HĐQT còn cho tôi biết đã gọi vốn lãi suất lên tới 21%/năm” (vượt xa trần quy định 14%/năm), ông nói. Thị trường liên ngân hàng đang biến động rất lớn; nếu không giải quyết được vấn đề thanh khoản thì không giải quyết được câu chuyện lãi suất, thị trường bất động sản, nợ xấu.
Theo ông, lúc này, người gửi tiền không sẵn sàng gửi vào ngân hàng mà có thể đầu tư vào vàng, ngoại tệ; còn các ngân hàng không dám cho vay bởi gặp cơn ác mộng nợ xấu bất động sản.
“Người đi vay cũng không biết với lãi suất này thì vay làm cái gì. Lãi suất vay tiêu dùng thời gian tới dự kiến có thể lên tới 23-26%. Tới đây, nếu Chính phủ hay NHNN hạ trần lãi suất xuống 12%/năm thì người dân sẽ rút tiền cả ngân hàng lớn và nhỏ. Như vậy, rủi ro sẽ rất nhiều”, TS Lê Xuân Nghĩa cảnh báo.
TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng tất cả bất ổn nền kinh tế vĩ mô đều bắt đầu từ lãi suất.
Theo ông Thành, lúc này, lãi suất tiền gửi có thể giảm nhưng lãi suất cho vay không giảm theo. Chênh lệch huy động- cho vay có thể lên đến 10% trong khi bình thường chỉ 3-4% là đảm bảo hoạt động của ngân hàng. Theo nghĩa đó, nếu tiếp tục nén lãi suất tiền gửi xuống 12% thì vô hình trung bắt người gửi tiền chia sẻ với ngân hàng trong khoản chi phí nợ xấu cũng như lưu trữ thanh khoản.
“Dự trữ ngoại hối chúng ta có thêm 3 tỷ USD nhưng không bền vững, chủ yếu xuất phát từ nguồn vốn vay ngắn hạn. Trong khi lãi suất USD thấp, người gửi ít đi, nhưng người vay USD rất nhiều, dòng vốn này sẽ giảm hoặc đảo chiều năm 2012”, ông Thành nhận định.
TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, cho biết, dù đang dồi dào về nguồn vốn nhưng năm 2012 ngân hàng ông sẽ rất cân nhắc việc cho vay và bám sát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN đã xác lập.
Ba kịch bản kinh tế
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ba kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam vừa được Ủy ban hoàn thành: Kịch bản tốt là khi tình hình thế giới khả quan, kinh tế châu Âu không quá bi quan, tốc độ tăng trưởng dự kiến 6-6,3%, lạm phát 8-10%, nợ công dự kiến 58,2-58,8% GDP. Kịch bản này, theo Ủy ban, khó đạt được. Kịch bản trung bình dự báo tăng trưởng từ 5,6-5,9%.
Ủy ban nhận định đây là mức có khả năng nhất bởi mức tăng này sát với tiềm năng hiện tại của Việt Nam. Kịch bản xấu nhất là khi kinh tế thế giới rơi vào suy thoái thì tăng trưởng chỉ đạt 5,2-5,5% và ảnh hưởng nặng đến Việt Nam.
“Thị trường tài chính là trở ngại cho ổn định vĩ mô 2012. Chúng tôi kiến nghị lạm phát 9-10% thì lãi suất cần giảm xuống khoảng 4% so với hiện tại. Với mức tính lạm phát 9%, huy động tiền gửi 1 năm chỉ cần 10-11% là thực dương. Hiện nay, các ngân hàng tính lãi suất cho vay bằng lãi suất huy động cộng với 2,5%, thì lãi suất cho vay khoảng 13-14%. Có nghĩa là mặt bằng lãi suất có thể giảm 4%”- ông Ngoạn nói.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khẳng định Việt Nam đang trong trạng thái đình trệ, lạm phát cao. “Gần đây, có thông tin gần 50.000 doanh nghiệp bị đóng cửa. Mấy tháng vừa rồi, nhìn thấy lạm phát có vẻ được kiềm chế. Tuy nhiên, dấu hiệu đó chưa nói gì nhiều về tiềm năng ổn định kinh tế vỹ mô”, ông Thiên nói. Theo ông, rất cần đặt tình huống theo thực tế, chỉ tiêu dù đã đưa ra nhưng phải luôn bám sát thực tế để điều chỉnh.
TS Võ Trí Thành (Viện Nghiên cứu Kinh tế T.Ư) tỏ ra băn khoăn trước vô vàn khó khăn trong điều hành lãi suất và thanh khoản. “Lãi suất chỉ có thể giảm nếu giải quyết được thanh khoản vào quý 1. Và phải kết hợp với lạm phát giảm thì mới xử lý được”, ông Thành nói.
Sáu đặc điểm kinh tế lớn 2012 Tăng trưởng có khuynh hướng chậm lại, khác với kỳ vọng 6-6,5%, khả năng mức 6% cũng khó; Lạm phát do đặc thù có thể đạt 10% nhưng tiềm ẩn dao động khó kiểm soát; Điểm nóng là thanh khoản hệ thống ngân hàng nghiêm trọng, kéo dài trong khoảng nửa đầu năm; Lãi suất khó giảm, dù kỳ vọng lạm phát có thể giảm xuống, tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp; Cán cân thanh toán có thể tiếp tục thặng dư nhưng phụ thuộc vào chính sách tiền tệ. Dòng vốn vào dễ thay đổi, ảnh hưởng tỷ giá; Năm bản lề, chi phí tái cấu trúc nếu được thực hiện, là giá đắt, kéo dài, hoạch định chính sách cần thận trọng. (Theo dự báo của TS Nguyễn Đức Thành) |