Kinh tế Mỹ 'đang bước vào suy thoái'

Kinh tế Mỹ 'đang bước vào suy thoái'
Cơn ác mộng mang tên "suy thoái" đang phủ bóng đen lên nền kinh tế Mỹ. Nó được củng cố với một loạt phát biểu, nhận định của các chuyên gia kinh tế và những dữ liệu khảo sát kém lạc quan.
Kinh tế Mỹ 'đang bước vào suy thoái' ảnh 1
Chứng khoán VN bị ảnh hưởng tâm lý từ không khí ảm đạm của kinh tế thế giới. Trong ngày 18-3, VN-Index lại giảm dưới 600 điểm.
Ảnh: Thanh Đạm - Tuổi Trẻ

Trả lời phỏng vấn của Hãng Reuters ngày 16/3 bên lề hội nghị Diễn đàn Brussels, chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick nói:

"Người ta đang tranh luận kinh tế (Mỹ) sẽ giảm tốc hay sẽ suy thoái? Dù gì đi nữa, ta đang đối mặt với một sự giảm tốc kinh tế nghiêm trọng so với trước đây, và rất có thể đang diễn ra một cuộc suy thoái".

Ai cũng nói "suy thoái"

Cùng ngày, ủy viên kinh tế và vấn đề tiền tệ của EU Joaquin Almunia cũng đưa ra nhận định tương tự. Phát biểu tại một hội thảo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tại Paris ngày 17/3, ông Almunia nói:

"Chúng ta không còn được tận hưởng bầu không khí kinh tế sôi nổi của hai năm qua nữa. Nền kinh tế Mỹ rõ ràng đang chậm lại, thậm chí có lẽ là đang bước vào suy thoái".

Bình luận của hai chuyên gia thế giới được đưa ra vào thời điểm tại Mỹ đang rộ lên những dự báo ảm đạm từ các nhà kinh tế thuộc lĩnh vực tư nhân.

Theo AP, sau một loạt dữ liệu và khảo sát thể hiện tình hình kinh tế yếu kém tại Mỹ, giờ đây đa số đã tin rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đang thu hẹp lại. Một khảo sát do báo USA Today thực hiện cho biết 3/4 người Mỹ nghĩ rằng đất nước đang suy thoái.

Theo trang web thông tin tài chính MarketWatch, sự suy thoái kinh tế được định nghĩa là "một sự sụt giảm đáng kể các hoạt động kinh tế kéo dài trong nhiều tháng".

Năm dấu hiệu chính để đánh giá một nền kinh tế có suy thoái hay không bao gồm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực, thu nhập thực, thị trường việc làm, sản lượng công nghiệp và doanh thu kinh doanh.

Trong ba tháng đầu năm 2008 tại Mỹ, chỉ có GDP tăng 4% so với mức 1,8% của cùng kỳ năm ngoái, bốn dấu hiệu còn lại đều giảm.

Tổng thống Bush ưu tiên giải quyết khó khăn kinh tế

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân (Đại học Kinh tế TP.HCM), người dân và doanh nghiệp nên theo dõi và cập nhật các diễn biến trên thị trường tài chính Mỹ để có những điều chỉnh hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của mình cho phù hợp.

Việc Mỹ cắt giảm lãi suất là những tín hiệu quan trọng cho thấy USD tiếp tục giảm giá, ảnh hưởng đến tỉ giá, thị trường, đầu tư... ở trong nước.

Cũng theo ông Ngân, VN đã hội nhập vào kinh tế thế giới vì vậy các biến động cũng như những điều chỉnh chính sách kinh tế từ Mỹ đều ảnh hưởng đến VN rõ ràng và nhanh hơn trước.

Trước những thách thức đó, ngày 17/3, Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố chính phủ sẽ ưu tiên hành động mạnh mẽ để bình ổn thị trường tài chính nói riêng và những khó khăn của nền kinh tế lớn nhất thế giới này nói chung.

Cho rằng nền kinh tế Mỹ "đang trong thời kỳ đầy thử thách", ông Bush nói Chính phủ Mỹ đã và đang theo dõi chặt chẽ các biến động trong nền kinh tế, song vẫn lạc quan về tương lai lâu dài của nền kinh tế trong nước, khẳng định các tổ chức tài chính, ngân hàng và thị trường vốn ở nước này vẫn hùng mạnh và hoạt động hiệu quả.

Theo TTXVN, phát biểu trên của ông Bush nhằm trấn an cơn hoảng loạn của giới đầu tư trước nguy cơ tái phát một cuộc đổ vỡ theo dây chuyền của thị trường tài chính Mỹ và thị trường toàn cầu như đã từng xảy ra hồi tháng 8/2007, nhất là sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã có một hành động bất thường, họp khẩn cấp đêm 16/3 và quyết định hạ lãi suất các khoản vay ưu đãi của liên bang dành cho các ngân hàng và các tổ chức tài chính từ 3,50% xuống 3,25% và bơm thêm 30 tỉ USD tiền mặt vào hệ thống ngân hàng.

Các chuyên gia cho rằng sự đổ vỡ ngoài sức tưởng tượng của Bear Sterns - tập đoàn ngân hàng và môi giới đầu tư lớn thứ năm với 14.000 nhân viên trên toàn cầu, và là một trong những tập đoàn danh giá nhất của khu tài chính "Phố Wall" - là một bằng chứng báo hiệu khủng hoảng, nhất là trong bối cảnh một loạt tổ chức tài chính và ngân hàng khác của Mỹ như Lehman Bros cũng đang "sống dở chết dở" khiến cổ phiếu bị rớt giá xuống mức thấp chưa từng có trong hơn sáu năm qua.

Theo Thanh Trúc
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.