Kinh tế miền Trung: Ai là tổng đạo diễn?

Kinh tế miền Trung: Ai là tổng đạo diễn?
TP - Bức tranh kinh tế khu vực miền Trung những năm qua cứ na ná và “chồng” lên nhau: cảng biển, sân bay, khu kinh tế, khu công nghiệp, rồi các khu Resort, nhà máy đường, nhà máy bia... ào ạt mọc lên.
Kinh tế miền Trung: Ai là tổng đạo diễn? ảnh 1
Phố cổ Hội An một điểm du lịch hấp dẫn du khách của miền Trung

Cách “trải thảm” thì cũng giống nhau nên “thảm đỏ” cạnh tranh với “thảm đỏ” để  lợi thế bị “giảm giá”. Ngày 25/4, Diễn đàn kinh tế miền Trung đã diễn ra tại Hội An sẽ là cú huých góp phần đưa kinh tế miền Trung phát triển

Thừa và thiếu

Chúng tôi đã từng tham dự nhiều Hội thảo xúc tiến đầu tư của các tỉnh, thành phố miền Trung. Cách đây 2 năm, tại hội nghị do Bộ KH&ĐT tổ chức tại Đà Nẵng để Thủ tướng Chính phủ nghe ý kiến các địa phương, doanh nghiệp, 2 vị  lãnh đạo 2 tỉnh lân cận thành phố Đà Nẵng hùng hồn đăng đàn, một vị xin cho sân bay tỉnh mình thêm 2 chữ ... “quốc tế”, vị kia xin cho lập 1 trạm thu phí đường bộ, vì các tỉnh khác đều có (!).

Hội nghị cười ồ… thêm mấy chữ “quốc tế” vào thì quan trọng gì, vấn đề là tuyến bay quốc tế, khách quốc tế có hay không mà thôi ! 

Trong lĩnh vực đào tạo, khi TT-Huế có Đại học Y khoa Huế bề dày cả nửa thế kỷ với cơ sở thực hành lý tưởng chính là bệnh viện T.Ư Huế 1.500 giường, hơn 110 năm tuổi, và thêm một Bệnh viện được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến của chính ĐH Y khoa Huế, thì Đại học Đà Nẵng ở “sát vách” cũng lại được Bộ GD&ĐT cho mở thêm chuyên ngành Y.

Tương tự, bên cạnh ĐH Kinh tế và QTKD (thuộc ĐH Đà Nẵng) có chiều dày 30 năm thì Bộ GD&ĐT cho mở thêm ĐH Kinh tế thuộc ĐH Huế, góp phần hạ thấp chuẩn chất lượng đầu vào, cũng như đầu ra và làm tăng đội quân cử nhân kinh tế thất nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Trong khi đó Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) hiện đang lo “sốt vó” vì thiếu công nhân kỹ thuật cao phục vụ Nhà máy lọc dầu và hàng loạt dự  án lớn của Doosan, Tycoon, Vina shin ..., thì khâu đào tạo các tỉnh lại ung dung đào tạo cái mình có, không đào tạo được, hoặc đủ, cái xã hội cần.

Cách đây mấy ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải đích thân vào chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công Nhà máy lọc dầu Dung Quất, mà nguyên nhân chậm trễ một phần do các nhà thầu phụ thiếu trầm trọng nhân công.

Theo tính toán, đến năm 2010, Khu kinh tế này cần tới 25.000 công nhân kỹ thuật cao, mà hiện chỉ có mỗi Trường đào tạo nghề Dung Quất và một vài cơ sở nhỏ gánh vác “nghiệp lớn”.

Các cơ sở này đang gặp khó khăn vì thiếu học viên, một phần do uy tín cũng như quy mô đào tạo, phần nữa do tâm lý thích làm “thầy”, ngại làm “thợ”. Nhân công bậc cao cũng là bài toán khó cho hàng loạt Khu kinh tế, khu công nghiệp khác tại khu vực.

Đầu tư dàn trải, nhưng hiệu quả lại không như kỳ vọng. Theo TS Phan Hữu Thắng – Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT): “Năm 2006 GDP bình quân đầu người của miền Trung mới đạt 499 USD, chỉ bằng 68,4% mức trung bình của cả nước (729 USD).

Đến nay khu vực miền Trung mới thu hút được 345 dự án  đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,95 tỷ USD (chỉ chiếm 4,9% về số dự án và 6,23% về số vốn đầu tư đăng ký của cả nước); vốn đầu tư nước ngoài tính bình quân đầu người mới chỉ bằng 42% của cả nước”.

Liên kết: Nói dễ làm khó

Là một cố vấn đầu tư của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA, ông Kyoshiro Ichikawa cũng nhận ra điều bất cập này:

“Với hơn 20 khu công nghiệp đang hoạt động, miền Trung sẽ cần một lượng lớn lao động có tay nghề. Vì vậy, cần phải đầu tư xây dựng và mở rộng mạng lưới các trường đào tạo nghề để có nguồn lao động tốt cung ứng cho các doanh nghiệp”.  

Đã vài lần trên diễn đàn báo chí chúng tôi đã nêu vấn đề Du lịch miền Trung thiếu Tổng đạo diễn. Thay vì liên kết kiểu “3 trong 1” để phát triển thì các chiến dịch quảng bá, lễ hội lại diễn ra đồng thời kiểu “1 trong 3”.

Vì thế  mà cả một vùng thị trường tiềm năng với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng đã không được khai thác hợp lý, không thu được hiệu quả như mong muốn. Thậm chí, nhiều lợi thế đã và đang trở thành... thất thế.

Không riêng gì lãnh địa du lịch mà ở nhiều lĩnh vực khác cũng đang thiếu Tổng đạo diễn như: Cảng biển; sân bay; hệ thống trạm thu phí dọc quốc lộ 1A; hệ thống các trường đại học, cao đẳng, các trường dạy nghề; các cơ sở sản xuất, chế biến hàng hóa cùng chủng loại nằm kề bên nhau tạo ra một sự cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Không có ở nước nào cách 100 km lại gặp một sân bay như  ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Cách 30 km có một cảng nước sâu thì chỉ có ở Đà Nẵng và TT-Huế. Cảng Chân Mây và cảng Kỳ Hà không biết đến bao giờ mới thu hồi nổi vốn đầu tư vì công suất khai thác rất thấp. Nhưng việc Chân Mây, Kỳ Hà làm suy yếu cảng Đà Nẵng thì đã thấy.

Các khu kinh tế cũng không ở đâu dày đặc như ở dải đất miền Trung. Hiện tại miền Trung có đến 6 khu kinh tế: Chu Lai – Quảng Nam,  Dung Quất – Quảng Ngãi, Bờ Y – Kon Tum, Nhơn Hội – Bình Định, Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế), Lao Bảo (Quảng Trị).

Theo lý thuyết thì đó là những hạt nhân cho sự phát triển của cả vùng duyên hải, phát triển lên đến Tây Nguyên và dọc hành lang Đông-Tây  trên tất cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đào tạo nhân lực, lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu, tạo thế và lực để hội nhập, chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới.

Ai là “Tổng đạo diễn” của kinh tế miền Trung?

GS-TS Nguyễn Thế Hữu và GS-TS Phan Kỳ Phùng -2 vị giám đốc đầu tiên của ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng - đã từng có ý tưởng liên kết, hỗ trợ nhau trong đào tạo; trong đó có việc đại học này không mở thêm chuyên ngành mà ở đại học kia đã có.

Mục đích là để ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng có thể phát triển ngang tầm Đại học Quốc gia; không cạnh tranh thiếu khoa học để mãi mãi đồng hạng Đại học vùng. Ý tưởng này rất hay, nhưng tiếc là không khả thi bởi nhiều lý do, trong đó có lý do bị lợi ích cục bộ chi phối và lý do thiếu “Tổng đạo diễn”.

Trong bối cảnh hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng tổng đạo diễn các vấn đề kinh tế, xã hội miền Trung là bộ trưởng của mỗi ngành. Một số lĩnh vực, một số công trình, dự án lớn phải do các Phó Thủ tướng, thậm chí Thủ tướng đứng ra làm “tổng đạo diễn” mới “thu phục” và hợp nhất được các “sứ quân”.

Về phía các địa phương và các bộ ngành thì phải kiên quyết chống bệnh thành tích và bệnh vụ lợi trong chạy dự án, chạy công trình. Phải biết hy sinh lợi ích cục bộ vì sự phát triển chung của toàn khu vực.

Tại Hội thảo, lãnh đạo các tỉnh duyên hải miền Trung đều tỏ rõ quyết tâm phải xây dựng cảng nước sâu tại địa phương của mình. Quảng Bình vẫn quyết tâm xây dựng cảng Hòn La mặc dù đã có cảng Vũng Áng bên cạnh. Sân bay cũng phải có vì đi Hà Nội mất 1 ngày đường bộ; đi TPHCM thì phải vào Huế. Các tỉnh đã có sân bay đều viện dẫn đủ lý do để được nâng cấp, mở rộng sân bay, tăng tần suất bay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT – Huế Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu rằng, không có cảng Chân Mây thì không thu hút được đầu tư như mong muốn. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Đức Hải cho biết, Quảng Nam có sự phối hợp với Quảng Ngãi trong quy hoạch sân bay Chu Lai và cảng Kỳ Hà theo hướng không “đụng hàng”.

Khu kinh tế mở Chu Lai tiến độ chậm do có sự điều chỉnh về chiến lược. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà cho rằng, cảng biển là lợi thế của các địa phương nhưng xây dựng cảng vào thời điểm nào là do yêu cầu của thị trường.

Cảng Quy Nhơn hiện nay xếp vị trí thứ 3 toàn quốc nhưng chỉ được T.Ư đầu tư 100 tỷ đồng trong khi cảng Đà Nẵng được đầu tư 1.500 tỷ đồng.

Phát triển cảng biển T.Ư chỉ cho cơ chế. Chính phủ đã có chủ trương cho Cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, một đối tác Hàn Quốc đã chọn đầu tư vào cảng Quy Nhơn.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.