Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính:

Kinh hoàng nước sinh hoạt nhiễm khuẩn E.Coli

Kinh hoàng nước sinh hoạt nhiễm khuẩn E.Coli
TPO - Nhiều hộ dân sống tại khu đô thị Trung Hòa- Nhân Chính (Hà Nội) đang rất hoang mang trước kết quả xét nghiệm mẫu nước của cơ quan chức năng về chất lượng nước sinh hoạt ở đây bị nhiễm khuẩn E.Coli và Coliform.
Kinh hoàng nước sinh hoạt nhiễm khuẩn E.Coli ảnh 1
Dù đã trang bị những máy lọc nước đắt tiền nhưng người dân vẫn lo sợ mắc bệnh do nước nhiễm khuẩn gây ra

Bầu không khí lo lắng bao trùm lên nhiều hộ dân đang sinh sống tại 13 tòa nhà ở khu đô thị Trung Hoà-Nhân Chính (THNC), khi mới đây ngày 30/10/2007, Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn số 2592, báo cáo UBND TP Hà Nội về chất lượng nguồn nước ở khu đô thị này.

Theo kết quả giám sát trong 3 tháng (từ tháng 7 đến 9/2007) của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, qua kết quả xét nghiệm mẫu nước tại trạm cấp nước và các bể chứa ngầm ở những toà nhà cao tầng của khu đô thị có hàm lượng amoni và độ ôxy hóa cao hơn tiêu chuẩn cho phép, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh.

Đặc biệt, tiêu chuẩn vệ sinh mẫu nước bể ngầm của một số toà nhà cao tầng trong cả 3 tháng giám sát đều bị nhiễm E.Coli và Coliform.

Lo sợ cho tính mạng và sức khoẻ người thân trong gia đình, một số hộ dân cũng tự mình gửi mẫu xét nghiệm tới cơ quan kiểm nghiệm và kết quả đều tương tự là nguồn nước ở đây không đảm bảo vệ sinh.

Bác Bùi Thị Chi, phòng 1907 nhà 24T2 cho biết, tình trạng nước vẩn đục, có mùi tanh là thường xuyên xảy ra ở đây. “Mang tiếng là nước máy nhưng người dân chỉ dám dùng để giặt giũ, tắm giặt và lau rửa nhà chứ không dám dùng để ăn. Nhiều hôm cũng phát sợ khi lấy nước đánh răng thì thấy những con giun từ vòi nước chảy vắt ngang bàn chải. Cả nhà kinh quá không dám dùng nước nữa”- Bác Chi kể.

Nhiều hộ dân cho biết, sau khi biết kết quả về chất lượng nước sinh hoạt ở đây, họ đều phải mua nước đóng bình về sử dụng. Tuy nhiên, điều mà họ bức xúc nhất là dân phải mua nước không đảm bảo vệ sinh với giá nước sạch sinh hoạt của thành phố.

“Chúng tôi đã rất nhiều lần kiến nghị nhưng không hiểu sao không có ai đứng ra “cứu” người dân, nhất là khi dịch tiêu chảy cấp đang diễn ra”- Một người dân bức xúc.

Theo phản ánh của các hộ dân, sau khi họ “kêu” nhiều quá thì đại diện Vinasinco (đơn vị được ủy quyền của Vinaconex quản lý khu đô thị), cho thau bể nhưng được một vài hôm tình trạng nước máy đen, đục, có mùi tanh và có giun lại xuất hiện.

Trong cuộc làm việc với các hộ dân, đại diện Vinasinco cũng hứa sau 3 tháng không khắc phục được tình trạng nước nhiễm bẩn và có giun thì sẽ xem xét việc thay nguồn nước cung cấp cho người dân.

Trạm nước xây bên cạnh chuồng lợn

Ngay sau khi biết nguồn nước trên không đảm bảo cho sức khỏe, nhiều người dân nơi đây đã phải tự bảo vệ mình bằng cách mua bình lọc nước, rồi bỏ ra hàng triệu đồng mua máy lọc nước để sử dụng. Có người cẩn thận chọn giải pháp mua nước tinh khiết, hay đi xin nước ăn của người thân cách đó hàng cây số...

Tuy nhiên, theo người dân thì các công nghệ lọc cũng chỉ loại bỏ được một lượng rất ít độc tố trong nước. Không chỉ vậy, người dân ở đây còn lo sợ về tình trạng bệnh tình, sức khỏe của mình khi mà mấy năm nay hàng ngày phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt được xây dựng bên cạnh chuồng lợn.

“Chúng tôi không thể hiểu nổi trong khi dân không dám sử dụng nước do Cty dịch vụ cung cấp để ăn uống, thì họ lại khẳng định nguồn nước ở đây hoàn toàn đảm bảo. Họ cho rằng trước khi thiết kế, xây trạm nước đã cơ quan chức năng môi trường và vệ sinh dịch tễ kiểm nghiệm, đồng ý, trong khi trạm nước lại xây dựng ngay cạnh chuồng lợn”- Bác Hoàng Linh, một người dân ở khu đô thị cho biết.

Điều lo sợ của các hộ dân là có cơ sở, bởi theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trạm cấp nước sạch của khu THNC không đạt các yêu cầu vệ sinh cơ sở khi mà  khu vực xử lý nước nằm gần dãy chuồng lợn của một doanh trại quân đội đóng ở cạnh đó  gây mùi hôi, ô nhiễm môi trường.

Mất niềm tin vào chất lượng nước của Vinasinco, trước đó, ngày 12/4/2007 hàng trăm hộ dân sống tại các toà nhà 17T2,T3, 24T1,T2...đồng loạt làm đơn gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội với nội dung: “Hai năm nay chúng tôi đã phải dùng nguồn nước bẩn từ Nhà máy nước mini, khoan ngay gần sông Tô Lịch của chủ đầu tư.

Quá bức xúc chúng tôi đã đề nghị Vinasinco xử lý và khắc phục nhưng cho đến nay nước đã bẩn lại càng bẩn hơn... Nay chúng tôi từ chối mua nước sinh hoạt do Vinasinco bán và kính đề nghị ông Chủ tịch UBND TP cho phép được mua nước của Cty kinh doanh nước sạch Hà Nội” .

Được biết, sau khi Sở GTCC Hà Nội cùng các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra trạm cung cấp nước sinh hoạt cho khu đô thị THNC và đã yêu cầu chủ đầu tư tìm cách di dời khẩn cấp khu chuồng nuôi lợn ra khu vực cách xa trạm nước.

Mới đây, theo báo cáo của chủ đầu tư, việc di chuyển khu chuồng lợn ra xa khu xử lý nước đã được thưc hiện và Vinasinco cũng đã thực hiện các kiến nghị của Sở Y tế về tiêu chuẩn vệ sinh nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

Tuy nhiên, chất lượng nước cung cấp cho các chung cư ở Trung Hòa- Nhân Chính đến nay vẫn khiến người dân e ngại.

Trao đổi với Tiền phong, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, việc sử dụng nguồn nước bị nhiễm khuẩn Coliform và E.Coli trong thời gian dài có nguy cơ gây ra các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và nhiều căn bệnh khác.

Theo các nhà khoa học, Escherichia coli (E. coli) là vi khuẩn sống cộng sinh chiếm ưu thế nhất trong hệ vi sinh vật đường ruột của người và động vật. Tuy nhiên, khi có điều kiện thích hợp, một số nhóm E. coli gây độc tăng sinh mạnh, trở thành nguyên nhân quan trọng gây tiêu chảy trên người và gia súc. E. coli được xem là vi khuẩn chỉ danh ô nhiễm thực phẩm và nước được đánh giá dựa trên số lượng của chúng.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.