Kinh hoàng những khu đô thị không xử lý nước thải

TP - Theo quy định, các khu đô thị phải có hệ thống xử lý nước thải mới được cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, có một sự thật kinh hoàng: Hầu hết các khu đô thị mới tại Hà Nội đều bỏ qua điều này.

> Phản đối doanh nghiệp xả thải ra môi trường
> Từ 1/7, DN xả nước thải nhiều phải nộp phí lớn

PV Tiền Phong khám phá cống xả bẩn ở khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, Hà Nội (ảnh nhỏ); Các tòa nhà xả thẳng nước thải làm ô nhiễm sông (ảnh lớn). Ảnh: hồng vĩnh-ngọc mai.

Ít ai ngờ dưới chân những toà nhà chung cư cao tầng sang trọng, tiện nghi là hệ thống chằng chịt đường ống nước thải xả trực tiếp, đầu độc những dòng kênh, con sông và cả nguồn nước ngầm. 

Hà Nội có hàng trăm khu đô thị mới với diện tích hàng chục nghìn hécta, số dân khoảng hơn 2 triệu người. Nhưng hầu hết không có hệ thống xử lý nước thải. Trong khi các khu đô thị vẻ hào nhoáng, sạch sẽ, thì phía bên ngoài lại bốc mùi đáng sợ.

Những dòng kênh chờ chết

Đầu ra của nước thải sinh hoạt toàn bộ cư dân khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) chảy thẳng ra kênh Đồng Quang gây ô nhiễm nặng nề.
 

Khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) do Cty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích 36,86 ha, quy mô dân số 9.860 người.

Đây là một trong số ít khu đô thị mới ở Hà Nội được đưa vào sử dụng sớm ở Hà Nội. Theo nhiều người dân tại làng Đình Thôn (Mỹ Đình, Hà Nội), trước khi có khu đô thị, quanh làng có con kênh Cầu Quang xanh biếc dẫn nước cho các cánh đồng trong thôn. Tuy nhiên, con kênh nay đã đen ngòm, sặc sụa mùi hôi thối, biến thành “kênh chết”.

Men theo dòng chảy, nhóm PV tìm được đầu ra của nguồn nước thải nằm tại một góc khuất của khu đô thị trên đường Đình Thôn. Điểm đầu ra được xây 2 mái vòm bằng bê tông cao khoảng 1 mét rồi chảy tiếp đến sông Nhuệ. Đứng tại đây chưa đầy 10 phút, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khiến chúng tôi phải dùng đến 2 khẩu trang.

Một người dân tên Hải - gốc làng Đình Thôn cho biết, đoạn kênh này là đầu ra của nước thải sinh hoạt của người dân sống trong khu đô thị xả thẳng không qua xử lý. “Mỗi khi có trận mưa to, con kênh thoát nước không kịp, nước tràn cả vào nhà, phân nổi lềnh bềnh. Khi trời nắng to thì mùi xú uế khủng khiếp không kém”, anh Hải nói.

Để tận thấy bên dưới các tòa nhà, “đường đi” của nước thải theo con kênh thế nào, chúng tôi quyết định thuê một chiếc thuyền tôn của người dân gần đó khám phá cống ngầm.

Trong ánh sáng lờ nhờ, những đường ống nhựa to của tòa nhà CT1 được xả thẳng xuống và chảy ra kênh. (Đây có thể xem như bể phốt của tòa nha-PV).

Lúc này khoảng 11 giờ trưa nên lượng nước thải sinh hoạt của hộ dân nhiều hơn, nước chảy xiết khiến chiếc thuyền nhỏ chở PV Tiền Phong bị lật. Lúc này mới cảm nhận thực sự kinh khủng của dòng “kênh chết”!

Anh Phạm Văn Hưng, người sửa xe máy gần miệng cống kể lại, năm 2008, Hà Nội xảy ra trận lụt lịch sử, toàn bộ nước kênh dâng vào nhà của người dân gần đó.

Khi ấy, anh Hưng cùng nhiều người dân trong làng bức xúc bơi thuyền vào trong cống tìm hiểu đường ống nước trong kênh.

“Ngay tòa nhà CT1 trước miệng kênh có đến 4 - 5 bể phốt làm bằng nhựa và xi măng xả thẳng nước thải sinh hoạt xuống kênh. Càng đi sâu vào bên trong, hệ thống bể phốt các tòa nhà càng nhiều” - anh Hưng nói.

Hồ “than thở” giữa Thủ đô

PV Tiền Phong chèo thuyền khám phá ống cống xả bẩn khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì .
 

Không chỉ cư dân gần khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì kêu trời vì nước thải xả thẳng ra kênh, nhiều người dân tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính hay khu đô thị Mỗ Lao cũng rơi vào cảnh tương tự. Theo phản ánh của người dân, từ ngày có khu đô thị, nước sông Tô Lịch, sông Nhuệ ngày một thêm ô nhiễm.

Khu đô thị Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) do Tổng Cty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) thi công từ năm 2004 và hoàn thành năm 2007. Sau 6 năm đưa vào sử dụng, hiện số dân vào ở khu đô thị gần bằng mức dự tính là 14.000 người.

Bác Nguyễn Thu (sinh sống gần 30 năm tại đây) chia sẻ: “Từ lúc có khu đô thị mới, tôi chưa nghe ai nhắc đến nhà máy xử lý nước thải hay hệ thống xử lý nước thải.

Hồ Văn Quán trước đây sạch đẹp với nhiều loài cá sinh sống. Nay ô nhiễm nặng do nước thải từ các khu chung cư, biệt thự liền kề xả ra, khiến khó loài nào sống nổi”.

Hồ Văn Quán có diện tích 2.000m2 được coi là nơi điều hoà của khu đô thị. Tuy nhiên, do ô nhiễm nặng nên cư dân quanh đó gọi là hồ “than thở”. Chị Hồng mới chuyển về khu chung cư Rainbow thuộc khu đô thị Văn Quán cho biết: “Tôi mới dọn về đây sống, tôi không nghe nói tòa nhà có hệ thống xử lý nước thải”.

(Còn nữa)

Ông Trần Anh Tuấn - Cục phó Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, trong thiết kế quy hoạch Khu đô thị, chủ đầu tư phải có đầy đủ thiết kế hệ thống xử lý nước thải theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Nếu không có hệ thống xử lý nước thải, chủ đầu tư không được phép triển khai dự án.

Cơ quan chức năng bất lực hay làm ngơ?

Liên quan đến hệ thống xử lý nước thải khu đô thị, chiều 13/5, trao đổi với Tiền Phong, một cán bộ Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo Nghị định 72 về cấp phép xây dựng Khu đô thị, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng cho chủ đầu tư nếu Sở Quy hoạch Kiến trúc phê duyệt quy hoạch 1/500.

Trong bản quy hoạch có 8 bản thiết kế gồm: Hệ thống điện, cấp, thoát nước... Trước đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc dựa trên sự thoả thuận của chủ đầu tư với các đơn vị điện, cấp, thoát nước... để đấu nối vào công trình, mới phê duyệt dự án.

Lực lượng trật tự xây dựng đô thị, quản lý đô thị, thanh tra xã, phường về xây dựng có trách nhiệm chính kiểm tra việc thực hiện của chủ đầu tư. Theo vị này, Thanh tra Sở Xây dựng chỉ kiểm tra một số nhỏ trên địa bàn bởi lực lượng mỏng.

Chủ đầu tư không thực hiện đủ thủ tục trong quy hoạch phải chịu trách nhiệm. Chủ đầu tư không làm đúng, sẽ có các cấp thanh tra về xây dựng, thanh tra về chuyên ngành vào cuộc kiểm tra.

Nếu thanh tra phát hiện ra chủ đầu tư vi phạm thì xử phạt hành chính, đình chỉ thi công và yêu cầu phải làm đúng theo quy hoạch ban đầu. Nếu xả thẳng ra môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường sẽ xử lý.

Ngọc Mai
 

Nhóm PV Kinh tế

Theo Báo giấy