Kinh doanh xăng dầu: Chiêu trò phía sau những hợp đồng cấp phép

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tình trạng "bát nháo" trong kinh doanh xăng dầu đã diễn ra khá dài với đủ loại chiêu thức, hình thức để qua mặt cơ quan chức năng và cơ quan quản lý trực tiếp là Bộ Công Thương. Chiêu trò chủ yếu là thuê mượn kho chứa, trang thiết bị cầu cảng, bồn chứa, đại lý phân phối được sử dụng để qua mặt cơ quan chức năng trong cấp phép.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, việc Bộ Công Thương cách đây ít ngày có kết luận về việc chấp hành quy định pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số doanh nghiệp (DN) đầu mối khu vực phía Nam cho thấy, những vấn đề nổi cộm trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với các DN đầu mối đã bị buông lỏng quản lý khá dài. Vấn đề này cần sớm được chấn chỉnh, xử lý để ổn định thị trường trong thời gian tới.

Kinh doanh xăng dầu: Chiêu trò phía sau những hợp đồng cấp phép ảnh 1

Nguồn cung xăng dầu bị đứt gãy có phần lỗi từ chính doanh nghiệp không tuân thủ quy định về hạn mức nhập khẩu. Ảnh: Như Ý

Thực tế không ít DN "chạy" để có được giấy phép kinh doanh xăng dầu, từ đó dùng để thế chấp, chen chân vào thị trường ước tính lên tới hơn 40 tỷ USD mỗi năm này. Tình trạng "chạy" giấy phép, được cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu với nhiều "dấu hỏi" được chính các DN đầu mối trong ngành đặt ra khi số lượng DN đầu mối tăng vọt trong những năm từ 2019 đến 2021. Không ít DN "tay ngang" bị đánh giá "có vấn đề" vẫn được cấp phép dù không đủ điều kiện.

Những "điều tiếng" từ việc cấp phép số lượng lớn các DN đầu mối cũng như thương nhân phân phối của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã khiến Bộ Tài chính và Bộ Công an phải lên tiếng cảnh báo nguy cơ phát triển nóng số lượng đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu. Cảnh báo này được đưa ra khi đại diện 2 bộ góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Trong văn bản góp ý, Bộ Công an cũng lưu ý Bộ Công Thương về việc cần quy hoạch 38 DN được cấp phép. Số này cao gấp 9 lần so với ở Nhật Bản và cao hơn 8 lần so với ở các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Singapore.

“Để tránh tình trạng có quá nhiều đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu, Bộ Công Thương chỉ nên quy định theo hướng cấp phép cho DN, không cấp cho cá nhân kinh doanh độc lập”, Bộ Công an lưu ý với Bộ Công Thương.

“Thời gian qua, công tác quản lý số lượng, chất lượng đầu ra xăng dầu còn bất cập, sơ hở”, đại diện Bộ Tài chính nêu ý kiến. Bộ này cũng cho rằng, cần nghiên cứu lại số lượng và có quy định kiểm soát số lượng các DN đầu mối xăng dầu do hiện tại gần 80% thị phần đang nằm trong tay các DN lớn nhất như Petrolimex, PVOil, Mipec, Saigon Petro, Thanh Lễ, Dầu khí Đồng Tháp. Miếng bánh thị phần còn lại chia cho 25 đầu mối.

Một chuyên gia trong ngành xăng dầu, cho rằng, những khoản lợi nhuận kếch xù từ việc cầm cố, DN ký hợp đồng mua bán xăng dầu số lượng lớn để vay vốn ngân hàng rồi tận dụng vốn đầu tư sang lĩnh vực khác hay mua bán lòng vòng các hợp đồng cũng như tham gia tiêu thụ xăng dầu lậu… là những lý do chính thúc đẩy DN đổ xô tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.

Ngày 19/11/2021, Công ty Xuyên Việt Oil (TPHCM) được Bộ Công Thương thông báo cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu vì đã đáp ứng về hệ thống phân phối, bên cạnh các quy định về cầu cảng, kho chứa, phương tiện vận chuyển…Tuy nhiên, ngay khi có thông tin được cấp phép, Công ty Xuyên Việt Oil đã ký văn bản huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với Công ty Cổ phần Đại Đồng Xuân – đơn vị có 37 đại lý bán lẻ được Công ty Xuyên Việt Oil kê khai thuộc hệ thống của mình thông qua cơ chế công ty mẹ - con để đủ điều kiện được cấp phép.

Nhu cầu cấp phép tăng đột biến đã giúp hình thành các hợp đồng cho thuê mượn kho, bồn chứa và hợp đồng mua bán xăng dầu cũng như cho mượn danh, thuê đại lý, thương nhân phân phối… để các DN đầu mối, thương nhân phân phối hay đại lý chưa đủ điều kiện cấp phép được “hô biến” thành đủ điều kiện cấp phép.

“Chỉ riêng việc cho thuê bồn cũng giúp DN chúng tôi kiếm được hàng trăm triệu đồng mỗi tháng”, lãnh đạo một DN xăng dầu đầu mối tiết lộ.

Đủ loại vi phạm

Theo các kết luận kiểm tra của Bộ Công Thương, nhiều DN lớn trong ngành xăng dầu được cấp phép gần đây như Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV; Công ty Cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm, Xuyên Việt Oil... có rất nhiều vi phạm, trong đó có cả việc thực hiện dự trữ và nhập khẩu xăng dầu theo quy định.

Với Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hưng Phát, kết luận thanh tra của Bộ Công Thương cho thấy, DN này chưa đáp ứng điều kiện: Có cầu cảng chuyên dụng nằm trong hệ thống cảng quốc tế của Việt Nam, bảo đảm tiếp nhận được tàu chở xăng dầu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu khác có trọng tải tối thiểu 7.000 tấn thuộc sở hữu DN hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng 5 năm trở lên”.

Đáng chú ý, công ty này có 7 cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhưng không có tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của công ty.

Còn theo báo cáo của Cục Hải quan TPHCM gửi Tổng cục Hải quan về tình hình xuất nhập, tồn kho tại các tổng kho lớn như Tổng kho xăng dầu của hai đầu mối Petrolimex và PVOil tại Nhà Bè và Tổng kho xăng dầu VK102 Nhà Bè - Thanh Lễ, Kho Nhà máy lọc dầu Cát Lái, Kho xăng dầu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Kho nhiên liệu bay Tân Sơn Nhất… tình trạng không đảm bảo dự trữ theo quy định cũng đã xảy ra trong một số thời điểm.

Thậm chí, một số DN đầu mối không hề nhập xăng dầu, một số tổng kho cũng hầu như không xuất xăng RON95, E5 RON92, dầu diesel, đặc biệt là những DN mới được cấp phép trong vòng 5 năm trở lại đây như: Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu; Công ty Cổ phần Anh Phát Petro; Công ty TNHH Hà Anh…

Đáng lo ngại, một số DN đầu mối qua kiểm tra, lượng dự trữ xăng dầu bắt buộc thực tế rất ít, đã được phát hiện nhưng không ai bị xử lý, DN không bị rút giấy phép theo quy định.

“Qua kiểm tra cho thấy, trong số các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu ở khu vực phía Nam, có một DN không dự trữ xăng dầu theo quy định. Ngoài ra, có 5 DN không đảm bảo dự trữ thương mại”, một nguồn tin từ Bộ Công Thương cho hay.

Buôn lậu, bán xăng giả để kiếm sống

Theo vị này, việc doanh nghiệp tư nhân đua nhau nhảy vào kinh doanh xăng dầu, xuất phát từ những khoản lợi nhuận kếch xù đến từ những khoản tiền được ‘rửa’ hợp pháp thông qua chạy đua chiết khấu để tháo hàng, cho thuê kho chứa, cho thuê bồn bể, cầu cảng, mượn danh đại lý thương hiệu để đáp ứng đủ điều kiện mỗi khi cơ quan chức năng đi thanh, kiểm tra. Thực tế cho thấy, tình trạng ‘không đủ điều kiện’ nhưng vẫn được cấp phép doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, cấp phép thương nhân phân phối đã được chính các đơn vị, các đoàn thanh tra của Bộ Công Thương phát hiện trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, điều lạ là các doanh nghiệp dù bị phát hiện vi phạm nhưng vẫn ‘tai qua nạn khỏi’ sau các kỳ kiểm tra.

Kinh doanh xăng dầu: Chiêu trò phía sau những hợp đồng cấp phép ảnh 2
Công an Nghệ An triệt phá vụ buôn lậu xăng dầu tháng 3/2022 Ảnh: Công an nghệ an

Cũng theo vị này, tình trạng ‘chạy’ giấy phép cũng nhằm mục đích tham gia các đường dây buôn lậu xăng dầu. Vụ án Trịnh Sướng cầm đầu đường dây sản xuất gần 200 triệu lít xăng giả hay như vụ án buôn lậu Dương Đông Hoà Phú cùng nhiều vụ buôn lậu với hàng trăm triệu lít xăng dầu cho thấy tình trạng xăng dầu lậu, xăng dầu giả đã kéo dài nhiều năm nay. Có xăng giả, xăng dầu lậu cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh xăng dầu sẽ là những đơn vị tiếp tay cho việc lũng đoạn thị trường, trốn thuế với số tiền chênh lệch mỗi lít xăng dầu lên tới xấp xỉ 40%.

Theo tiết lộ của vị này, với một giấy phép kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối có thể có đủ cách để kiếm tiền. Điển hình nhất, DN chỉ cần ký hợp đồng mua bán xăng dầu với nước ngoài là được vay tiền với lãi suất rất thấp, thường dao động trong 5-6%, làm ăn nghiêm chỉnh thì chỉ với một tàu xăng dầu trị giá 25 - 35 triệu USD, sau kinh doanh cũng có lãi nhiều tỷ đồng.

“Tiền siêu lợi nhuận nằm ở việc doanh nghiệp sẽ “bán non’’thông qua tăng chiết khấu để thu tiền, thậm chí bán lỗ số xăng dầu nhập. Số tiền này chuyển sang lướt sóng bất động sản, cho vay nóng, kinh doanh lĩnh vực khác là lập tức thu siêu lợi nhuận vì nhiều doanh nghiệp phải sau 180 ngày mới phải thanh toán tiền mua xăng dầu. Còn nếu tham gia buôn xăng dầu lậu, một tàu xăng dầu cập mạn thành công là lập tức bỏ túi vài chục tỷ đồng. Còn làm xăng giả, tham gia các đường buôn lậu, lợi nhuận hằng năm lên tới nghìn tỷ đồng là hết sức bình thường. Chính vì vậy, trong ngành xăng dầu, chỉ cần nhìn vào số doanh nghiệp tư nhân có doanh thu tăng vọt từ một hai nghìn tỷ đồng lên cả chục nghìn tỷ đồng mỗi năm chỉ sau một thời gian ngắn là đủ hiểu vấn đề”, vị này chia sẻ.

Năm 2012, cả nước mới chỉ có 13 đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu. Tới năm 2014, con số này tăng lên 18 đầu mối. Năm 2015, số DN đầu mối tăng lên 19. Đến tháng 8/2019, số DN đầu mối được cấp phép lên tới 32. Đến năm 2022, tổng số đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đã đạt tới con số 38 đơn vị.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.