Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt kỷ lục 700 tỷ USD, đứng thứ 2 ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổng cục Hải quan cho hay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã chính thức đạt mốc kỷ lục 700 tỷ USD. Với con số này, Việt Nam vươn lên đứng vị trí thứ 2 trong khối ASEAN về kim ngạch xuất nhập khẩu.

Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước ta trong 20 năm (giai đoạn 2002-2021) đạt con số 5.146 tỷ USD. Năm 2001 là năm đầu tiên của thế kỷ 21 ghi nhận ở con số xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ khiêm tốn ở mức hơn 30 tỷ USD. Đến năm 2007, kim ngạch xuất nhập khẩu đã cán mốc 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Giữa tháng 12/2017, nước ta cán mốc 400 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu và cột mốc 500 tỷ USD được thiết lập vào giữa tháng 12/2019. Mức kỷ lục 600 tỷ USD được lập vào ngày 30/11/2021. Đến nay, mốc kỷ lục mới của kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam được ghi nhận lên tới 700 tỷ USD.

Theo WTO, năm 2006, Việt Nam xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu hàng hóa và xếp thứ 44 về nhập khẩu hàng hóa. Đến năm 2021, WTO ghi nhận xuất khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 23 trên thế giới và nhập khẩu của Việt Nam xếp hạng 20. Trong ASEAN, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đứng thứ 2 (chỉ sau Singapore).

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt kỷ lục 700 tỷ USD, đứng thứ 2 ASEAN ảnh 1

Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN về kim ngạch xuất nhập, khẩu.

Một điều đáng chú ý khác, cán cân thương mại của nước ta đã đảo chiều, đạt thặng dư (xuất siêu) sau thời gian dài thâm hụt (nhập siêu). Năm 2008 là năm ghi nhận thâm hụt lớn nhất với 18,02 tỷ USD.

Năm 2012, Việt Nam đánh dấu mốc quan trọng khi cán cân thương mại đổi chiều, chuyển sang thặng dư (xuất siêu). Năm 2020, thương mại hàng hóa của nước ta đã đạt kỷ lục với con số thặng dư lên tới 19,94 tỷ USD.

Kết thúc năm 2021, thặng dư thương mại giảm mạnh và chỉ đạt 3,32 tỷ USD. Nhưng trong 11 tháng đầu năm 2022, với sự gia tăng quy mô xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, thặng dư cán cân thương mại đã tăng cao trở lại, đạt 10,68 tỷ USD.

Để đạt được những con số ấn tượng nêu trên, việc đa dạng hóa thị trường đóng vai trò quan trọng. Về xuất khẩu, nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là thị trường lớn nhất trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất.

Đến hết tháng 11 năm nay, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 101 tỷ USD, tăng 17,7% (tương ứng tăng 15,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc đạt 109,46 tỷ USD, tăng 10% (tương ứng tăng 9,93 tỷ USD).

MỚI - NÓNG