Thủ tướng và các chuyên gia kinh tế trao đổi bên lề buổi làm việc. Ảnh: TTXVN. |
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, một số chuyên gia cho rằng, phải quyết liệt thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước…
Các ý kiến cũng phân tích những vấn đề nổi lên hiện nay như, có quá nhiều trường đại học khiến xã hội “thừa thầy, thiếu thợ”, cần công khai minh bạch tài chính của doanh nghiệp nhà nước, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, xem xét lại việc phân cấp đầu tư. Một số chuyên gia lo ngại về thị trường chứng khoán, bất động sản, tín dụng.
TS Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tình trạng phát triển ồ ạt các ngân hàng đô thị, trong khi hệ thống ngân hàng cơ sở tại nông thôn lại không phát triển. “Riêng hệ thống ngân hàng cần được sắp xếp lại, nhất là những ngân hàng đô thị mới được nâng cấp. Họ đẩy lãi suất lên cao buộc các ngân hàng lớn phải chạy theo, huy động lãi suất cao rồi để đấy vì sợ mất khách hàng. Điều này làm đảo lộn, méo mó thị trường”- TS Kiêm nói.
Giáo sư Trần Phương, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, chống lạm phát thì phải làm cuộc “đại giải phẫu”, trong đó quyết liệt cắt giảm đầu tư công, thắt chặt chính sách tài chính, tiền tệ nhưng có chọn lọc.
Ngoài ra, có ý kiến chuyên gia cho rằng, bất cập lớn hiện nay là hệ thống thể chế lạc hậu, ban hành luật nhưng một số không đi vào cuộc sống. Ví dụ có Luật về thị trường bất động sản nhưng thị trường vẫn rối loạn; có Luật Phá sản nhưng một năm chỉ một số ít doanh nghiệp phá sản theo luật; có luật về kiểm soát độc quyền nhưng tình trạng độc quyền vẫn rất phổ biến. Điều này cho thấy hệ thống luật lạc hậu, không phù hợp quy luật thị trường, nên không phát huy được hiệu quả.
Phát biểu lại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, thiết thực đối với nền kinh tế của các chuyên gia, nhà khoa học. Thủ tướng đồng tình với các ý kiến là phải tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, coi đây là mục tiêu không thể dao động, gắn với vấn đề lâu dài là tái cấu trúc nền kinh tế.
Thủ tướng khẳng định, tái cấu trúc nền kinh tế là yêu cầu tất yếu. Trước hết là tái cấu trúc về đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, thể chế, trong đó có tài chính công, quy hoạch. Chính phủ sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới để có hoạch định và ứng phó chính sách kịp thời, nhất là trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ.
Ưu tiên trước mắt là kiềm chế lạm phát, duy trì sản xuất, tăng cường quản lý ngoại tệ, vàng, cắt giảm bội chi ngân sách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đầu tư cho nông nghiệp, tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng…