Phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở Kiev, bà Stefanishina cho biết: “Chúng tôi đã đạt được tiến bộ trong vấn đề xích lại gần NATO hơn. Tại hội nghị thượng đỉnh cấp bộ trưởng gần đây nhất ở Bucharest, tất cả 30 quốc gia thành viên đã đồng ý về việc cần thiết phải cung cấp tư cách thành viên cho Ukraine.”
“Các thành viên NATO xác nhận rằng cánh cửa liên minh đang mở cho Ukraine”, nữ quan chức nhấn mạnh, lập luận rằng “sự đồng thuận này là một tín hiệu mạnh mẽ mới” cho thấy “không ai sợ áp lực từ Nga”.
Bà nói thêm rằng sự phản đối của Hungary đối với tư cách thành viên của Kiev – do tranh cãi về người gốc Hungary sống ở Ukraine – sẽ được khắc phục. “NATO hiện đang sử dụng tất cả các công cụ chính trị để thuyết phục Hungary”, bà Stefanishina tiết lộ.
Bộ trưởng Olga Stefanishina. Ảnh: Getty |
Trước đó, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest, Ngoại trưởng Hungary - Peter Szijjarto lập luận rằng một quốc gia chỉ có thể gia nhập NATO nếu quốc gia đó “không đe dọa mà còn tăng cường an ninh cho các thành viên hiện có”.
Ngoại trưởng Szijjarto cũng nhắc lại rằng Budapest sẽ “không đồng ý tổ chức một cuộc họp chính thức của Ủy ban NATO - Ukraine cho đến khi người Hungary ở Transcarpathia được khôi phục các quyền của họ”.
Ông nói thêm: “Chúng tôi không thể và không muốn rút lại lập trường này”, đồng thời giải thích rằng mặc dù Budapest không nêu ra vấn đề kể từ khi xung đột ở Ukraine leo thang vào tháng 2, nhưng họ vẫn chưa quên điều đó.
Hãng tin Bloomberg hôm 29/11 dẫn nguồn thạo tin cho biết liên minh quân sự dự kiến sẽ tuyên bố rằng "cánh cửa vẫn mở" đối với Ukraine, nhưng "bây giờ chưa phải là lúc" để nước này gia nhập khối.
Một số thành viên nổi bật nhất của NATO, bao gồm Pháp và Đức, được cho là có do dự về tư cách thành viên Ukraine. Hơn nữa, tranh chấp lãnh thổ của Kiev với Mátxcơva có thể khiến việc kết nạp Ukraine gặp khó khăn. Bằng việc kết nạp Ukraine, NATO có thể bị kéo vào một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga do khối có cam kết phòng thủ tập thể.
Vì thiếu sự đồng thuận về vấn đề này, các quốc gia liên minh được cho là đã đồng ý ưu tiên chuyển giao vũ khí cho Kiev trong thời điểm hiện tại để đảm bảo rằng Ukraine sẽ chiếm ưu thế trên chiến trường.
Khi thông báo về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Tổng thống Vladimir Putin đã đề cập đến triển vọng trở thành thành viên NATO của Ukraine, mô tả đây là mối đe dọa lớn đối với an ninh Nga.
Bloomberg lưu ý rằng các bộ trưởng ngoại giao NATO đã nhóm họp tại chính nơi mà vào năm 2008, khối từng cam kết sẽ kết nạp Georgia và Ukraine.
Sáng kiến này do Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George W. Bush và người đồng cấp Pháp Nicolas Sarkozy khởi xướng. Nhưng Thủ tướng Đức khi đó – bà Angela Merkel tỏ ra kém hào hứng hơn, cho rằng Điện Kremlin sẽ coi đó là hành động leo thang.
Hồi tháng 9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi liên minh quân sự giữ đúng lời hứa 14 năm trước. Cố vấn của ông, Mikhail Podolyak lập luận rằng việc Ukraine gia nhập sẽ có lợi cho chính NATO vì quốc gia này “đã có quân đội lớn nhất ở châu Âu” cũng như “kinh nghiệm tiến hành một cuộc chiến chống lại Nga” có một không hai.