"Kiều nữ Hải Dương" có thể bị quy trách nhiệm hình sự?

Hành vi của "kiểu nữ Hải Dương" như các tài xế taxi mô tả, luật sư cho rằng, nếu chứng minh được hậu quả, mức độ tổn hại gây ra với các "nạn nhân", khẳng định được năng lực hành vi của người phụ nữ này thì có thể quy tội với "kiều nữ"... 

Liên tiếp các vụ việc tài xế taxi được “kiều nữ Hải Dương” đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng không quần áo hoặc hôn mê bất tỉnh xảy ra ở các tỉnh thành thời gian qua khiến cho tin đồn về người phụ nữ tên Phạm Thị Thanh N. (SN 1974, hộ chiếu mang quốc tịch Mỹ) trở thành có căn cứ hơn.

PV đã cuộc trao đổi với Luật sư Bùi Văn Dinh – Nguyên Giám đốc Công ty TNHH Luật Viễn Đông (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) để tìm hiểu vấn đề này.

Về vụ việc xảy ra tại Lâm Đồng ngày 8/6, người tài xế taxi được đưa vào nhập viện trong tình trạng hôn mê bất tỉnh, sau khi tỉnh lại mới kể về việc được “kiều nữ Hải Dương” cho uống một loại thuốc lạ kèm 2 viên panadol, luật sư Dinh phân tích, trước hết cần chờ kết luận của cơ quan điều tra để xác định xem có đúng người phụ nữ này cho bác tài uống thuốc lạ dẫn đến hiện tượng như trên không.

Nếu khẳng định được việc này thì trường hợp tài xế taxi bị tổn hại về sức khoẻ mà tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng công an xác định “kiều nữ Hải Dương” thực hiện hành vi này nhiều lần đối với cùng một người hoặc với nhiều người, bà này có thể bị xem xét về hành vi phạm tội “cố ý gây tổn hại cho sức khoẻ người khác” theo Điều 104 BLHS. Trong trường hợp này, tài xế phải chứng minh được mức độ tổn hại cho sức khoẻ của mình do hành vi của bà N. gây ra đến mức đủ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều luật này.

Nếu “người bị hại” không bị tổn hại về sức khoẻ nhưng bị ảnh hưởng nghiêm trọng về nhân phẩm, danh dự, làm họ bị bàn tán, bị xấu hổ với đám đông… thì có thể bị truy cứu vào tội “làm nhục người khác”. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm này phải có tính chất nghiêm trọng ở mức vượt qua ranh giới xử lý hành chính thì mới chuyển sang chế tài hình sự.

Luật sư Dinh cũng giả sử, có tài xế nào vì việc này mà tử vong thì lại có thể bị xem xét và khởi tố người thực hiện hành vi về tội “giết người” theo quy định của Điều 93 BLHS.

Trở lại với sự việc tương tự xảy ra với tài xế taxi ở Hà Nội hôm 30/5, luật sư Dinh đặt câu hỏi về cách thức “kiều nữ Hải Dương” để chiêu dụ đưa được nạn nhân vào khách sạn. Ông Dinh cho rằng, trách nhiệm làm rõ “chiêu trò” này là của cơ quan điều tra cũng như việc làm rõ mục đích kiều nữ này đưa tài xế taxi vào khách sạn để làm gì?

“Chị này cố đưa người tài xế vào khách sạn để cho uống thứ thuốc chưa xác định khiến nạn nhân bất tỉnh để thực hiện hành vi cướp tài sản hay để cưỡng bức buộc quan hệ tình dục?” – luật sư nêu nghi vấn.

Làm rõ được cách thức và mục đích và hậu quả gây ra từ hành vi của “kiều nữ” thì người phụ nữ này mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng với vi phạm của mình theo các điều luật quy định trong BLHS. Cách thức người phụ nữ này sử dụng để dụ các tài xế vào nghỉ trong khách sạn hòng thực hiện hành vi phạm tội sẽ được coi là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm m khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự (dùng thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác để phạm tội). Căn cứ vào tình tiết này, cơ quan tố tụng có thể định mức hình phạt đối với người phạm tội.

Từ khía cạnh điều kiện chịu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, luật sư Bùi Văn Dinh phân tích, vì hành vi như mô tả của người phụ nữ này được coi là bất bình thường, lại có thông tin cho rằng “kiều nữ Hải Dương” có tiền sử mắc bệnh tâm thần, nếu xác định đúng là người này đã cho các tài xế taxi uống thuốc lạ thì cơ quan điều tra cũng cần phải đưa “tội nhân” đi giám định tâm thần, sức khỏe để làm căn cứ xem xét có khởi tố bị can hay không.

Tình huống tiếp theo đặt ra, kết quả giám định thể hiện “kiều nữ Hải Dương” đủ năng lực thực hiện hành vi, đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người phụ nữ này và tiến hành các quy trình tố tụng theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp kết quả giám định thể hiện người này khi phạm tội bị mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình (tức là người không có năng lực trách nhiệm hình sự) thì “kiều nữ Hải Dương” không phải chịu trách nhiệm hình sự mà chỉ phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo Điều 13, Điều 43 và Điều 44 BLHS.

Theo Theo Dân Trí