Kiệt tác thời gian ở chốn thâm sơn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giữa chốn thâm sơn tồn tại những quần thể cây tự nhiên tuyệt đẹp, có tuổi đời hàng trăm năm, được ví như “kiệt tác thời gian”. Gần đây, chúng được vinh danh cây di sản như một cách nhân lên tình yêu thiên nhiên, môi trường giữa lúc nhân loại đối mặt với biến đổi khí hậu; đồng thời mở ra hướng phát triển du lịch cho vùng đất hoang sơ giữa đại ngàn.

Những quần thể săng lẻ trăm tuổi

Trong số 39 cây trăm năm tuổi ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (VQG, Bình Phước), vừa được làm lễ đón bằng công nhận Cây di sản Việt Nam hồi cuối tháng 11/2022, có tới 37 cây săng lẻ (còn gọi bằng lăng), quy tụ thành một quần thể tại khoảnh 6, Tiểu khu 21 trong Phân khu Hành chính - Dịch vụ của VQG. Săng lẻ trong quần thể này có tuổi từ 200-400 năm. Vượt qua thử thách của thời gian, những hàng cây săng lẻ vươn cao chót vót, phủ kín cả một vùng.

Kiệt tác thời gian ở chốn thâm sơn ảnh 1

Du khách háo hức tham quan cây di sản

Lãnh đạo VQG Bù Gia Mập cho biết, trong khu rừng có nhiều quần thể cây tự nhiên đã hình thành từ rất lâu. Riêng quần thể săng lẻ trăm tuổi vừa được vinh danh, nằm gần các tuyến đường chính, rất thuận lợi cho các nhà khoa học, du khách gần xa đến tham quan, nghiên cứu, phục vụ phát triển du lịch địa phương.

Giáp ranh với VQG Bù Gia Mập là khu rừng rộng hàng nghìn héc-ta do Cty TNHH MTV lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (Đắk Nông) quản lý. Trong khu rừng này cũng có một quần thể săng lẻ với 36 cây, được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận Cây di sản Việt Nam vào tháng 6/2022. Quần thể này phân tán trong phạm vi 3 héc-ta. Cây săng lẻ có đường kính lớn nhất là 3,3m; các cây còn lại bình quân từ 50-80cm hoặc 1m. Hàng săng lẻ không chỉ gây ấn tượng với “vòng eo” khủng, thân trắng thẳng tắp, mà còn mê hoặc lòng người khi thay đổi sắc màu theo từng mùa trong năm. Cuối đông nắng nhẹ, hàng cây bắt đầu khép mình, rụng lá, chuẩn bị cho hành trình nở hoa khoe sắc; khi mưa đến rừng cây đâm chồi, phủ sắc xanh.

Anh Đặng Trường Giang, Trưởng trạm Quản lý bảo vệ rừng số 2, Cty TNHH MTV lâm nghiệp Nam Tây Nguyên - người có hơn 15 năm theo nghề giữ rừng cho hay, đã từng ngẩn ngơ trước cảnh sắc thiên nhiên nơi thâm sơn cùng cốc. Đôi khi hình ảnh anh bắt gặp là cây cổ thụ với bộ rễ “khủng”, một thác nước trong veo đổ nước bốn mùa, hoặc quần thể cây xanh săng lẻ trăm tuổi nơi anh nhận nhiệm vụ bảo vệ. Những lúc đi tuần tra thấm mệt, ngước nhìn “tuyệt tác thời gian”, những người yêu rừng như anh có thêm động lực, gắn bó với nghề.

Anh Nguyễn Phúc Tân- Chủ tịch CLB Pickup (xe bán tải) Bình Phước chia sẻ, bản thân và các anh em trong CLB đã nhiều lần ghé VQG Bù Gia Mập. Mỗi chuyến đi với anh là 1 lần khám phá, chiêm ngưỡng và trải nghiệm vẻ đẹp tự nhiên của khu rừng nguyên sinh. Cung đường xuyên qua khu rừng rất tuyệt đẹp, hấp dẫn với những ai ưa khám phá, thích ngắm cảnh sắc thiên nhiên. Đặc biệt, anh cũng rất ấn tượng với những cây cổ thụ, quần thể săng lẻ tự nhiên, trên trăm năm tuổi của Bình Phước và tỉnh Đắk Nông.

Kiệt tác thời gian ở chốn thâm sơn ảnh 2

Thác nước trong rừng Nam Tây Nguyên

Thời điểm anh Tân đặt chân đến là mùa mưa nên cây cối tốt tươi xanh thắm, rất dễ chịu và lý tưởng để cắm trại ngắm cảnh. Mỗi chuyến đi, anh lưu giữ khá nhiều ảnh đẹp và chia sẻ chúng qua mạng xã hội, góp phần lan tỏa tình yêu thiên nhiên, giới thiệu bạn bè gần xa về điểm trải nghiệm mới của Đắk Nông và Bình Phước. Anh Tân góp ý, khu vực rừng sóng điện thoại rất yếu. Do đó, để phát triển du lịch sinh thái, chính quyền địa phương và chủ rừng nên đầu tư thêm hạ tầng, trong đó có nguồn điện và phủ sóng viễn thông.

Bảo vệ cây xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Ông Hoàng Ngọc Tuân, Phó giám đốc Ban quản lý VQG Bù Gia Mập cho biết, việc công nhận cây di sản vừa là niềm tự hào song cũng có phần áp lực với sứ mệnh mới. Khi nộp hồ sơ công nhận Cây di sản Việt Nam, Ban quản lý VQG xác định trách nhiệm càng cao trong công tác bảo vệ, bảo tồn. Bởi khi cây được vinh danh, nhiều người sẽ biết đến. Bên cạnh mặt tích cực lan tỏa, nâng cao ý thức bảo vệ cây di sản, vẫn có thể còn một số người có ý định không tốt, lăm le xâm hại khu vườn. Do đó, Ban quản lý VQG đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp địa phương, cộng đồng nhận khoán rừng để bảo vệ rừng cây, đồng thời có phương án khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, trong đó có điểm nhấn là quần thể săng lẻ trăm tuổi tuyệt đẹp này.

Ông Phạm Hòa Dũng - Giám đốc Cty TNHH MTV lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cũng chia sẻ, khi phát hiện quần thể săng lẻ, đơn vị đã ý thức được giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học nên quyết định làm hồ sơ công nhận Cây di sản Việt Nam. Cty cũng lên phương án bảo vệ tốt nhất cho rừng cây không bị kẻ xấu xâm phạm. Khi quần thể được công nhận cây di sản sẽ giúp đơn vị có thêm điểm nhấn trong công tác tuyên truyền bảo vệ rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, Cty thông qua già làng, trưởng buôn, người có uy tín để phối hợp công tác tuyên truyền, bảo vệ rừng, nhờ đó, hạn chế được các vụ xâm hại rừng. Gần cây di sản có thêm thác nước Tiên Sa mang vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết trong rừng già. Sắp tới, Cty sẽ mở các lối đi bộ, đưa du khách tới tham quan, trải nghiệm vẻ đẹp của rừng cây di sản theo phương án phát triển rừng bền vững đã được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh- Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam cho biết, cây xanh có giá trị vô cùng quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Những cây xanh, quần thể có tuổi đời trên trăm năm càng có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, du lịch, tâm linh và “ngôi nhà” của muông thú. Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra thông điệp trồng 1 tỷ cây xanh. Việc vinh danh cây di sản là một cách bảo vệ cây xanh, nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên và môi trường.

Sau khi được công nhận, cộng đồng, những người quản lý cây di sản càng có trách nhiệm bảo vệ. Giáo sư Huỳnh lưu ý, không nên tác động đến sự phát triển của cây, khi bị sâu bệnh tấn công, cần tham khảo những người có kinh nghiệm “bắt bệnh”, sử dụng thuốc vi sinh để cứu cây. Bảo vệ quần thể cây xanh cũng là thể hiện tri ân với thế hệ trước đã gìn giữ, nhiệm vụ của ta là tiếp nối, bảo vệ và khai thác hiệu quả.

Săng lẻ thuộc loại cây thân gỗ, có thân thẳng đứng. Loại cây này có thể cao 30-40m, đường kính từ 30-70cm. Vỏ cây màu vàng nhạt, có vảy trắng. Lá mũi mác dài khoảng 8cm. Cành cây mảnh khảnh, phát triển theo hình trụ. Hoa săng lẻ có màu phớt tím, nở thành từng chùm lớn. Cây tự nhiên được công nhận là cây di sản khi trên 200 năm tuổi, có các giá trị về cảnh quan, môi trường, khoa học, văn hóa, lịch sử... Khi được cộng đồng đề xuất, chủ sở hữu cây đăng ký, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam sẽ xét duyệt, công nhận.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

TPO - Thông tư mới của Bộ GD&ĐT quy định, dạy Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục tiêu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động cho trẻ trong học tập, hình thành kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng Tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ.
Đan Viện Châu Sơn

Chiều buông Đan viện Châu Sơn

TP - Đã bao năm thênh thang vo vo bánh xe lăn những Quốc lộ số 1, đường Hồ Chí Minh và cao tốc đã khiến tôi bỏ bẵng đi xứ Nho Quan của đất Ninh Bình này. Mà đâu phải xứ lạ? Nho Quan kề ngay địa đầu phía Bắc của xứ Thanh chỉ cách Thành Nhà Hồ Vĩnh Lộc quê tôi vài chục cây số!
Các thành viên của Ethnicity trong một chuyến thực tế về địa phương

Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số

TP - Yêu văn hóa dân tộc theo cách riêng, một nhóm bạn trẻ đã nhiệt huyết “dệt” hàng ngàn mẫu hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số bằng công nghệ số. Và từ đây, thổ cẩm Việt đã đi ra thế giới.