'Kiếp hoa' - một thời Hà Nội

Diễn viên Trần Quang Tứ và Kim Xuân trong một cảnh phim
Diễn viên Trần Quang Tứ và Kim Xuân trong một cảnh phim
TP - 'Kiếp hoa' - bộ phim gây tiếng vang đầu tiên của Việt Nam - vẫn có khả năng làm người xem hôm nay ngạc nhiên. Đặc biệt, phim ghi lại nhiều sinh hoạt và cảnh vật phố phường Hà Nội một thời.
Diễn viên Trần Quang Tứ và Kim Xuân trong một cảnh phim
Diễn viên Trần Quang Tứ và Kim Xuân trong một cảnh phim.

Hà Nội một thời

Nhờ một quán cà phê xa trung tâm thành phố- Press Café (38, Trần Thái Tông)- mà một số người được xem Kiếp hoa tối 2-10. Phim lấy bối cảnh tản cư đầy tính thời sự với người Hà Nội bấy giờ. Trên đường tản cư, bà mẹ già yếu và hai cô con gái Ngọc Lan, Ngọc Thủy được Thiện- một người không quen biết- cho ở nhờ. Thiện với lòng hào hiệp đã che chở cho ba mẹ con, và giành được tình cảm của Lan.

Những tháng ngày êm đềm kéo dài không lâu. Bố Thiện gọi anh về Hà Nội. Chia tay, Thiện và Lan trao ảnh làm tin. Người mẹ qua đời vì bệnh. Chiến sự đến, hai chị em phải dời nơi tá túc. Họ về Hà Nội tìm Thiện không gặp. Đang bơ vơ, nhà cửa không còn, Lan và Thủy vớ được Tam là người quen. Họ ở nhờ, đồng thời giúp việc cho quán mỳ của Tam. Trước đó, có cảnh hai chị em đến đoàn Kim Chung tuyển diễn viên nhưng không được chào đón.

Ở Hà Nội, Lan gặp lại Nhạc, bạn của Thiện. Chính Thiện đã đưa ảnh Lan cho Nhạc, nhờ anh ta liên lạc với Lan. Dã tâm cướp người yêu của bạn, Nhạc nói với Lan rằng Thiện đã chết vì đạn lạc. Nhạc nhận được từ Lan một cái tát khi tỏ tình với cô. Lấy cớ để Lan khuây khỏa, Tam mời hai chị em đi xem tuồng cải lương (tất nhiên ở rạp Kim Chung).

Tấn tuồng kết thúc, Tam chuốc rượu cho Lan say. Lan thất thân với Tam. Cô đành cắn răng chấp nhận Tam làm chồng. Vì Tam không giấu ý định “hoa nhổ cả cụm”, nên Lan và Thủy quyết định rời hàng mỳ. Sau một đêm ngủ trên vỉa hè, hai chị em gặp bà hàng xóm cũ. Bà cụ cho hai cô một số vốn để làm ăn.

Rồi một ngày, chiếc xe mui trần màu trắng cực kỳ sang trọng ghé vào tủ hàng thuốc lá trên vỉa hè của hai cô. Chàng công tử vận đồ trắng trên xe chính là Thiện. Thoạt đầu Lan tránh, nhưng cuối cùng đã chấp nhận lời cầu hôn của Thiện. Trong tiệc cưới, Lan nhận ra người bồi bưng khay rượu mừng chính là bạn của Tam. Sợ quá khứ bị lộ, hại đến thanh danh của Thiện và gia đình, Lan bỏ đi trong đêm.

Phim kết thúc ở cảnh đêm mưa, Thiện an ủi Thủy khi cô gặp ác mộng vì nghe thấy tiếng xực-tắc của người bán mỳ gõ gợi nhớ số phận đau buồn của người chị. Không biết họ có cưới nhau như thể Thúy Vân và Kim Trọng, câu hỏi này các nhà làm phim để ngỏ cho khán giả.

Trong phim, các bà các cô đi tản cư vẫn tha thướt áo dài. Trong ngôi nhà 46 Bát Đàn, bà Kim Xuân (đóng vai Ngọc Thủy) nhớ lại: “Hồi tạm chiếm, phụ nữ ra đường đều mặc áo dài. Ít khi mặc áo cánh. Ít mặc quần đen. Toàn mặc quần trắng”. Về việc trong phim Thiện dễ dàng cho người ngoài vào tá túc trong nhà, nghệ sĩ Tiêu Lang, chồng bà Kim Xuân (đóng vai một người mua thuốc lá trong phim) giải thích: “Chúng tôi đi tản cư chống Pháp hồi 1946 đến các địa phương người ta quý lắm. Không quen biết gì cả, cứ cho ở nhờ thôi”.

Hai vợ chồng Kim Chung và Trần Viết Long trong ngày khai chiếu Kiếp hoa tại rạp Đại Nam Ảnh chụp lại: N.M.H
Hai vợ chồng Kim Chung và Trần Viết Long
trong ngày khai chiếu Kiếp hoa tại rạp Đại Nam.
Ảnh chụp lại: N.M.H.


Tiếp thị bằng máy bay

Kịch bản phim của Trần Lang- chính là Trần Viết Long- chủ đoàn cải lương Kim Chung, cũng là nhà sản xuất của phim. Ông Long đầu tư vào phim ảnh giữa thời hoàng kim của cải lương ở Hà Nội. Các diễn viên của ông ban ngày đóng phim, buổi tối diễn cải lương bình thường.

Ngoại cảnh hoàn toàn quay ở Hà Nội, nhưng nội cảnh thì phải sang Hồng Công. Vì thế, nên cứ vài ngày, tiền bán vé cải lương lại được ông Long gom lại đổi thành đô-la Hồng Công, đem sang Hồng Công làm phim. Đạo diễn và quay phim đều người Hồng Công. Nội cảnh nhà Thiện sắp đặt y như nội thất tòa nhà gia đình ông bầu Long đang ở lúc đó tại 84 Nguyễn Du. Phim thành công về doanh thu, ông bầu Long mua hẳn tòa biệt thự này.

Hầu hết các vai diễn trong phim đều do diễn viên không cải lương thì chèo đảm nhiệm. Riêng vai nam chính dành cho một cự phú ở Hà Nội, ông Trần Quang Tứ. Lý do: Ông đủ chiều cao để tương xứng với diễn viên nữ chính Kim Chung. Ông Tứ lúc đó kinh doanh thóc gạo ở phố Hàng Chiếu. Cho đến trước 1975, ông là một trong hai người giàu nhất nước.

Phim quay gấp để chạy đua với Bến cũ cũng đang sản xuất tại Sài Gòn. Kết quả là Kiếp hoa ra rạp trước Bến cũ gần tháng. Theo ông Tiêu Lang, Bến cũ tuy là phim màu, nhưng chỉ là phim 16 li quay bằng máy cầm tay, nên độ chuyên nghiệp kém phim 35 li Kiếp hoa.

Để tăng phần hấp dẫn cho Kiếp hoa, người ta không chỉ mượn giai điệu của một số bài hát đang nổi tiếng làm nhạc phim, mà còn để cho diễn viên hát trọn vẹn cả bài. Vì thế, Kiếp hoa dù không phải là phim âm nhạc, lại trở thành tư liệu quý. Giai điệu Dư âm (Nguyễn Văn Tý) làm nền cho khung cảnh đô thị. Cảnh nông thôn có Làng tôi (Chung Quân).

Về cách tiếp thị, chưa phim Việt Nam nào sánh được phim tư nhân Kiếp hoa. Ông bầu Long thuê hẳn một chiếc máy bay bà già rải tờ bướm quảng cáo phim quanh Bờ Hồ.

 

Những cảnh chạy loạn có Giọt mưa thu (Đặng Thế Phong). Cây đàn bỏ quên (Phạm Duy) được nhân vật phản diện hát ở quán cà phê để tán tỉnh người đẹp. Đặc biệt, Làng tôi làm nên danh tiếng của Chung Quân (khi đó mới 16 tuổi) đã vượt lên nhiều bài khác trong một cuộc thi chọn nhạc cho phim.

Nhận định của tác giả Ngành Mai: “Vào thời ấy, sau thất bại về kỹ thuật của hai phim Trận phong ba Cánh đồng ma của Đàm Quang Thiện quay năm 1930, Kiếp hoa ra mắt như một cuốn phim đầu tay hoàn hảo về kỹ thuật và khá điêu luyện về diễn xuất”.

Ở Hà Nội hồi đó, khoảng tháng 10-1953 hàng tháng trời, Kiếp hoa chiếu một lúc tại rạp Đại Nam (phố Huế) và Bắc Đô (Hàng Giấy), chênh nhau nửa giờ. Cứ xong một cuộn ở rạp này, lại có người chạy mobilet mang sang rạp kia chiếu tiếp. Ở Sài Gòn, phim cũng chiếu cùng lúc hai rạp Nam Quang và Nam Việt. Theo ông Tiêu Lang, nghề đầu cơ vé xem phim ở Việt Nam bắt đầu từ phim này. Tiền bán vé Kiếp hoa cũng giúp ông bầu Long đầu tư phát triển tới 7 đoàn Kim Chung đi diễn khắp các tỉnh phía Nam.

Cat-xê bằng kim cương

Nối tiếp thành công của Kiếp hoa, ông bầu Long dự định dựng Trống mái theo tiểu thuyết của Khái Hưng. Phim đang giai đoạn chọn diễn viên thì hiệp định Geneve ký. Ông Long và vợ cùng một nửa quân số của Kim Chung ở Sài Gòn, rồi họ sang Pháp. Mãi 1981, họ mới đoàn tụ với gia đình ở Hà Nội. Hai người nay đã mất. Nhân chứng sống của Kiếp hoa ở Hà Nội chỉ còn Kim Xuân và Tiêu Lang, đều ở tuổi ngoài 80.

Bà Kim Xuân kể, thay vì trả cat-xê cho em dâu (chồng của Kim Xuân là em ruột Kim Chung - vợ bầu Long), bầu Long mua tặng bà chiếc nhẫn kim cương 1 carat. Sau này bà bán đi được 5 triệu, phụ vào số tiền 13 triệu mua căn nhà 46 Bát Đàn mà vợ chồng bà đang ở bây giờ.

Ông Tiêu Lang kể: “Mới đầu, anh chị tôi hợp tác với bà Ái Liên (NSND Ái Liên, mẹ của ca sĩ Ái Vân- PV) thành đoàn Kim Chung- Ái Liên. Có nghề rồi, anh chị tôi mới tách riêng. Theo ông Tiêu Lang, ông bầu Long xuất thân gia đình điền chủ, có hàng nghìn mẫu ruộng thượng đẳng điền ở Vĩnh Yên, có đồn điền Văn Lãng ở Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Đoàn Ái Liên không lâu sau cũng đầu tư sản xuất phim Nghệ thuật và hạnh phúcPhạm Công Cúc Hoa.

MỚI - NÓNG