Với các nhà phố có diện tích không lớn, việc tận dụng từng mét vuông là điều cần thiết. Hơn nữa, tầng một của ngôi nhà Việt thường chỉ dùng để tiếp khách, ít khi có WC kèm theo phòng ngủ của các thành viên. Bởi vậy, chủ nhà có thể cân nhắc bố trí khu vệ sinh dưới cầu thang tùy thuộc vào một số yếu tố:
1. Nhu cầu của gia đình
Giải pháp đặt WC dưới cầu thang sẽ hợp lý nhất nếu đó chỉ là một khu vệ sinh nhỏ cho khách đến nhà với nhu cầu tối thiểu, không có khu tắm, tần suất sử dụng không nhiều.
Việc còn lại của gia chủ là thiết kế phù hợp. Xử lý thoát mùi, thu hồi khí thải, đưa khí tươi bên ngoài vào WC là không quá khó và không tốn kém.
Nếu WC dưới tầng một được các thành viên trong nhà sử dụng với tần suất thường xuyên, gia chủ nên mở rộng diện tích với một phần dưới cầu thang, một phần bên ngoài. Nhờ đó, không gian sẽ thoải mái cho 3 khu riêng biệt: buồng tắm, bồn cầu, bồn rửa tay. Việc thiết kế hệ thống thu hồi khí thải cần theo quy chuẩn.
Ngoài ra, gia chủ có thể tách biệt các khu chức năng của WC thành những không gian riêng. Ví dụ như tách khu đi vệ sinh và khu tắm thành 2 phòng riêng, bố trí chỗ rửa tay ở bên ngoài. Nhờ đó, với gia đình đông người, các thành viên không cần phải chờ đợi nhau quá lâu.
2. Yếu tố phong thủy
Một số người truyền miệng rằng để WC dưới gầm cầu thang là phạm phong thủy nên rất đắn đo. Hầu hết đều tự tìm hiểu thông tin này trên mạng hoặc nghe lời một số thầy phong thủy.
Trong một công trình tôi từng làm, chủ nhà mời thầy phong thủy tham gia quá trình thiết kế. Ông này bảo: "Cậu không được bố trí WC dưới gầm cầu thang. Làm như vậy, chủ nhà sẽ giẫm lên chất bẩn, gây ô uế cho cả nhà".
Tôi nói lại: "Thầy có lẽ đã nhầm lẫn, WC chỉ là khu trung gian vận chuyển chất bẩn ra hầm chứa chất thải. Trong khi đó, thầy đã bắt buộc đặt hầm này dưới phòng khách, ngay trước cửa chính. Đó mới là khu vực mọi người đi lại nhiều".
Sau đó, ông ấy im lặng và không xuất hiện ở công trình mỗi khi biết rằng có kiến trúc sư ở đó.