Rewards Summit 2021 với chủ đề “Kiến tạo chính sách lương, thưởng phúc lợi trong hiện thực mới” đã được tổ chức ngày 22/10 bởi Talentnet - Mercer với sự tham gia của hơn 800 lãnh đạo doanh nghiệp và quản lý nhân sự cùng 12 diễn giả hàng đầu trong nước và quốc tế.
Chương trình tập trung trình bày Báo cáo kết quả khảo sát lương Talentnet – Mercer (TRS) năm 2021, cũng như thảo luận các xu hướng lương thưởng, phúc lợi mới của doanh nghiệp khi hình thức làm việc và các quan điểm về phúc lợi của người lao động đã thay đổi sau đại dịch.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng giám đốc Talentnet chia sẻ: “Dịch bệnh COVID-19 đã thúc đẩy các doanh nghiệp phải điều chỉnh các chính sách nguồn nhân lực, trong đó, chính sách về lương, thưởng sẽ là một trong những trụ cột chính tạo nên lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới. Ngoài sự gia tăng số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát, Báo cáo TRS năm nay cũng cho thấy nhiều xu hướng thú vị trong chiến lược lương – thưởng và phúc lợi của các doanh nghiệp. Đồng thời, sự kiện cũng cập nhật các thông tin, thông lệ và xu hướng lương – thưởng và phúc lợi cập nhật nhất trong khu vực, mang đến góc nhìn đa dạng cho các nhà hoạch định chiến lược nguồn lực tại các doanh nghiệp.”
Tại hội nghị, bà Hoa Nguyễn (Chuyên gia Cấp cao Dịch vụ Tư vấn Nhân sự và Khảo sát lương theo phương pháp Mercer, Talentnet Corporation) đã chia sẻ “bức tranh tổng quát” về lương, thưởng của doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài trong năm 2021, định hướng năm 2022.
Theo đó, năm 2022, 3,4% doanh nghiệp nước ngoài và 2,2% doanh nghiệp Việt Nam dự kiến không tăng lương cho nhân viên. Mức lương cơ bản tại các doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn doanh nghiệp nước ngoài khoảng 35%. Các bộ phận được trả lương cao nhất tại các doanh nghiệp nước ngoài là Phân tích dữ liệu, Quản lý dự án và Pháp lý (đối với cấp chuyên viên); Phân tích dữ liệu, Dịch vụ ngân quỹ và Quản lý đầu tư/ Quản lý tài sản (đối với cấp quản lý).
Thưởng theo hiệu quả công việc tại các doanh nghiệp nước ngoài cũng dự đoán tăng từ 15.9% (năm 2020) lên 16.7% (năm 2021); còn tại các doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng từ 20.7% (năm 2020) lên 22.8% (năm 2021). 3 lĩnh vực có tỉ lệ thưởng cao nhất tại các doanh nghiệp nước ngoài là Tài chính – Phi ngân hàng, Tài chính – Ngân hàng và Nông nghiệp.
Đồng thời, bà Hoa cũng đề cập đến kế hoạch tuyển dụng của các doanh nghiệp trong năm 2022. Theo khảo sát của Talentnet, 38% doanh nghiệp có dự định bổ sung nhân sự; 38% doanh nghiệp sẽ giữ nguyên số lượng nhân viên, 3% doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhân sự và 21% chưa có kế hoạch tuyển dụng cụ thể.
Bên cạnh đó, các diễn giả cũng chia sẻ về sự thay đổi của môi trường làm việc và các phúc lợi doanh nghiệp cần cân nhắc để giữ chân nhân sự, xây dựng thương hiệu và tối ưu hóa chi phí hậu Covid-19.
Bà Kulapalee Tobing (Giám đốc Vùng Châu Á - Thái Bình Dương về Dịch vụ Khảo sát và Giải pháp Nhân sự, Mercer Singapore) nhấn mạnh hybrid trở thành mô hình làm việc trong tương lai. Theo khảo sát của Mercer, có đến 54% doanh nghiệp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang trong quá trình phát triển chiến lược dài hạn cho làm việc linh hoạt. Làm việc linh hoạt không còn là yêu cầu của doanh nghiệp mà sẽ là lựa chọn của nhân viên khi nhân viên được quyền yêu cầu lãnh đạo cho phép được làm việc với thời gian linh hoạt hơn.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhân sự cũng chỉ ra, việc chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần chính là cốt lõi của các phúc lợi và cần được doanh nghiệp chú trọng. Ngoài ra, nhiều chính sách phúc lợi mới cũng được áp dụng để phù hợp với bối cảnh mới, như dịch vụ “vú nuôi” khẩn cấp, trợ cấp chi phí để làm việc ở bất kỳ đâu, lập kế hoạch cho mất mát của nhân viên và người thân, trợ cấp chi phí cho các dịch vụ giải trí tại gia,...
Cũng tại hội nghị, các diễn giả chia sẻ về xu hướng “trả lương theo kỹ năng”, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi văn hóa doanh nghiệp và chiến lược nhân sự cho phù hợp. Ông Kabir Nath (Giám đốc Mercer Singapore) cho biết: “Kỹ năng chính là tiền tệ trong tương lai. Việc chuyển đổi từ trả lương theo vị trí qua trả lương theo kỹ năng đã dần được áp dụng để phù hợp hơn với mô hình làm việc trong tương lai”.
Kết thúc hội nghị, các diễn giả đều đồng ý việc thay đổi các chính sách lương, thưởng, phúc lợi và tập trung vào sức khỏe tinh thần, đào tạo kỹ năng của người lao động là cần thiết cho các doanh nghiệp trong “hiện thực mới”.